Tiếng Việt | English

25/10/2015 - 19:58

Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người lớn

Hiện nay, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ở nước ta chiếm 30% trong số các bệnh không lây nhiễm.

Thông tin được đề cập tại Hội nghị Tim mạch học can thiệp Toàn quốc lần thứ 4 do Bộ Y tế và Phân hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam tổ chức ngày 25/10 tại Hà Nội.

Hội nghị với sự tham gia của 3.000 chuyên gia y tế trong và ngoài nước, với 130 bài báo cáo là diễn đàn để các bác sỹ chuyên ngành tim mạch can thiệp nước ta cập nhật, chia sẻ những kiến thức mới, các kỹ thuật tiên tiến nhất đang được ứng dụng trên thế giới.


Bệnh lý tim mạch trở nên phổ biến hơn ở nước ta (Ảnh minh họa)

Đồng thời, tham mưu với Bộ Y tế xây dựng kế hoạch hành động và giải pháp đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và đào tạo con người để áp dụng những kỹ thuật hiện đại, góp phần giảm tử vong do các bệnh lý tim mạch gây ra.

Bệnh lý tim mạch và ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người lớn. Tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm chiếm 66% tổng số gánh nặng bệnh tật và 72% số trường hợp tử vong mỗi năm. Trong đó tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch chiếm 30%. Điều đáng báo động là tình trạng tử vong do các bệnh tim mạch chủ yếu là do không được can thiệp kịp thời.

Cách đây 30 năm, nhồi máu cơ tim là bệnh lý rất hiếm gặp ở nước ta nhưng ngày nay đã trở nên phổ biến, gặp hàng ngày tại mọi bệnh viện trên toàn quốc. Do đó, tim mạch can thiệp đang và sẽ là ngành mũi nhọn của ngành tim mạch học Việt Nam.

Ban đầu từ một chuyên ngành chỉ là thông tin chẩn đoán, nhưng nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, 20 năm qua, tim mạch can thiệp đã trở thành một chuyên ngành kỹ thuật cao. Nhiều bác sỹ can thiệp tim mạch Việt Nam đã được mời chuyển giao kỹ thuật, mổ trình diễn hoặc được thỉnh giảng tại nhiều nước trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Hiện nay, Bộ Y tế có chương trình bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc từ tuyến các bệnh viện Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chuyển giao cho kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến tỉnh.

Vì thế, từ một vài trung tâm tim mạch can thiệp ở các thành phố lớn, đến nay đã có 50 đơn vị can thiệp tim mạch khắp cả nước, giúp cho người bệnh có thể chữa bệnh tại địa phương mà không cần chuyển lên tuyến trên và giúp nhiều người bệnh không phải ra nước ngoài chữa bệnh tốn kém tiền của.

20 năm qua, đội ngũ chuyên ngành tim mạch can thiệp đã nỗ lực làm việc, học tập với niềm đam mê, phấn đấu không ngừng vì sự nghiệp và tính mạng của người bệnh. Năm 2010, lần đầu tiên tổ chức trao giải thưởng Nhân tài đất Việt cho lĩnh vực y dược, giải nhất đã thuộc về kỹ thuật can thiệp động mạch vành qua ống thông.

Đến nay, các kỹ thuật hiện đại khác được thực hiện thành công như: bít lỗ thông liên thất, can thiệp thân chung động mạch vành, phẫu thuật cầu nối chủ vành, can thiệp chỗ chia nhánh động mạch vành, điều trị rối loạn nhịp bằng 3D và can thiệp động mạch ngoại biên./.

Văn Hải/VOV-Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết