PV: Thưa bác sĩ, hiện nay tình hình dịch bệnh MERS-CoV trên thế giới và ở Việt Nam như thế nào?
Bác sĩ CK1 Ngô Văn Hoàng: Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông do vi rút Corona xảy ra lần đầu tiên tại Ả-Rập Xê-út từ năm 2012. Tính tới ngày 8-6-2015 đã ghi nhận khoảng 1.200 trường hợp mắc, trong đó có 449 trường hợp tử vong, xảy ra ở 29 quốc gia: Khu vực Trung Đông có Ả-rập Xê-út, Quata, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Oman, Yemen, Cô Oét, Lebenon...; Châu Âu có Anh, Pháp, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italy, Ao, Thổ Nhĩ Kỳ...; Một số nước châu Mỹ, châu Phi, châu A. Riêng tại Hàn Quốc, tính đến ngày 9-6-2015 đã ghi nhận 95 trường hợp mắc, trong đó có 7 ca tử vong. Đặc biệt, 75% ca bệnh gần đây là lây nhiễm thứ phát, do lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần. Đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm thứ phát là các cán bộ y tế trực tiếp khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân MERS-CoV.Tại Việt Nam, qua hệ thống báo cáo giám sát đến ngày 3-6-2015, chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh MERS-CoV.
PV: Vậy nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập vào Việt Nam hay không và Long An đã thực hiện các biện pháp phòng, chống như thế nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ CK1 Ngô Văn Hoàng: Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống do MERS-CoV lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần, đặc biệt đã ghi nhận các trường hợp là các cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Bệnh đã lây truyền từ một số nước vùng Trung Đông sang các quốc gia khác, các trường hợp mắc bệnh tại châu A, châu Âu, châu Mỹ đều có tiền sử đi du lịch tại các nước khu vực Trung Đông. Nguy cơ bệnh có thể xâm nhập vào nước ta thông qua các khách du lịch, người lao động về từ vùng Trung Đông hoặc hành khách nhập cảnh có thời gian ở, đi qua vùng Trung Đông.Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng bằng nước sát khuẩn; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất dùng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Mặt khác, mọi người cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Đồng thời, tránh tiếp xúc với động vật, vật nuôi và nếu đã tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng. Người dân nên hạn chế đi tới các quốc gia đang có dịch bệnh tại khu vực Trung Đông khi không cần thiết. Trước khi đi du lịch cần tìm hiểu các thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân. Ngành Y tế Long An hiện đang tích cực thực hiện Công điện số 3274/CĐ-BYT của Bộ y tế ngày 20-5-2015 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các văn bản chỉ đạo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống Hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông do vi rút Corona. Theo đó, ngành Y tế đã tăng cường giám sát những hành khách qua lại cửa khẩu biên giới Bình Hiệp và đo thân nhiệt từ xa đối với những hành khách đi từ vùng có dịch về. Đồng thời, tăng cường giám sát những ca nghi ngờ nhiễm bệnh đang điều trị ở tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn. Đặc biệt, ngành Y tế đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế và hóa chất sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Đi đôi đó, ngành Y tế cũng đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nhưng cũng không làm người dân hoang mang, lo lắng.
PV: Xin bác sĩ cho biết thêm những triệu chứng khi nhiễm MERS-CoV và đường lây của bệnh?
Bác sĩ CK1 Ngô Văn Hoàng: Khi nhiễm MERS-CoV, phần lớn bệnh nhân thường có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp, gồm sốt trên 380C, ho, khó thở, viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển. Có nhiều trường hợp nhiễm MERS-CoV nhưng không có biểu hiện triệu chứng. Đường lây truyền của MERS-CoV có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua tiếp xúc gần hoặc giọt nước bọt nhỏ. Việc lây nhiễm sang cán bộ y tế đã được xác định tại một số chùm ca bệnh ở Ả-Rập Xê-út, Jordan.Chúng ta cần quan tâm tới MERS-CoV vì MERS-CoV gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng ở phần lớn các bệnh nhân bị nhiễm vi rút này, khoảng 50% trong số đó có biến chứng nặng và tử vong. Vi rút lây truyền từ người sang người và có thể lan truyền ra nhiều quốc gia.
PV: Vậy đối tượng nhiễm MERS-CoV là đối tượng nào, khi nào cần đi khám để xác định có bị nhiễm MERS-CoV hay không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ CK1 Ngô Văn Hoàng: Hầu hết các độ tuổi đều có nguy cơ nhiễm MERS-CoV. Tuy nhiên, theo ghi nhận hầu hết các trường hợp mắc là người già, nam giới và những người có bệnh mãn tính kèm theo thường có nguy cơ cao hơn.Những người có các dấu hiệu sau cần thông báo cho các cơ sở y tế địa phương hoặc trung ương để được đánh giá xem có nhiễm MERS-CoV hay không. Đó là người có dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp, có thể có sốt (= 380C), ho; người nghi ngờ bệnh viêm phế quản phổi. Đối tượng trước đó có tiền sử đi/đến vùng bán đảo Ả Rập hoặc các nước láng giềng trong vòng 14 ngày.?PV: Xin cám ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!./.
Ngọc Mận (thực hiện)