Tiếng Việt | English

11/11/2016 - 05:08

Bệnh... ngủ hoài

Bà mẹ có con 8 tuổi lo lắng khi con mình cứ ngủ liên tục. Bà từng nhéo con cho đau, lấy đá lạnh chườm vào người con nhưng con vẫn không thức dậy được.

Người mắc bệnh ngủ rũ thường ngủ hơn 12 tiếng mỗi ngày - Ảnh minh họa: MỸ YẾN

Ngồi trước bác sĩ, bà mẹ chỉ vào cậu con trai tên L.C.K., 8 tuổi, kể rằng nửa năm trước gia đình bà phát hiện cháu K. ngủ rất nhiều. Ngồi đâu cháu cũng có thể ngủ. Tối nào khoảng 10g cháu đã đi ngủ nhưng đến sáng hôm sau vẫn không thể đánh thức cháu dậy đi học. Nhiều ngày cháu K. ngủ đến 12 giờ trưa.

Ngoài triệu chứng ngủ rất nhiều, con bà còn có những lúc đang khóc, cười bỗng dưng ngất xỉu. Tình trạng này kéo dài nên con bà phải tạm nghỉ học để đi khám bệnh. Bà đưa con đến nhiều cơ sở y tế khám nhưng vẫn không tìm ra bệnh.

Người lớn cũng ngủ rũ

Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cháu K. được chẩn đoán mắc bệnh ngủ rũ. Các bác sĩ cho cháu K. uống thuốc đặc trị và ba tháng sau cháu đã đi học trở lại. Trưa cháu có giấc ngủ ngắn khoảng một giờ đồng hồ, chiều đi học về cháu cũng ngủ khoảng một giờ. Sau điều trị, hiện cháu K. đã không còn dùng thuốc, vẫn duy trì được 
nếp sống này.

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh, phụ trách đơn vị rối loạn giấc ngủ Bệnh viện Đại học Y dược, cho biết mỗi tháng đơn vị rối loạn giấc ngủ Bệnh viện Đại học Y dược nhận 2-3 trường hợp mắc bệnh ngủ rũ, trong đó có cả người lớn và trẻ em.

Để chẩn đoán được bệnh này, những người bị nghi ngờ mắc bệnh ngủ rũ sẽ phải ngủ lại một đêm trong phòng lap của bệnh viện để đo đa ký giấc ngủ. Sáng hôm sau sẽ làm tiếp một test tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán cho người bệnh.

Người mắc bệnh này nếu không được điều trị sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gia đình, công việc và những sinh hoạt cơ bản của con người. Như một bé trong độ tuổi đi học ngủ 14-16 tiếng trong ngày thì không thể học tập, sinh hoạt như một em bé bình thường.

Nhiều người mắc bệnh này mà người thân không biết còn đánh giá người bệnh là lười biếng, trốn việc, không có ý chí, nghị lực... Cách đánh giá này đã làm ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh.

Bệnh này gặp nhiều ở đối tượng trung niên từ 30-40 tuổi, phụ nữ nhiều hơn ở nam giới, bệnh nhi cũng có nhiều.

Yếu tố tâm lý làm ngủ rũ nặng thêm

Theo bác sĩ Hữu Hạnh, ngủ rũ là một loại bệnh rối loạn giấc ngủ rất phức tạp, nó ngược lại với tình trạng mất ngủ. Người bình thường ngủ từ 6-8 tiếng/ngày, nếu thấp hơn mức này thì gọi là mất ngủ, còn nhiều hơn thì gọi là ngủ nhiều.

Người mắc bệnh ngủ rũ thường ngủ hơn 12 tiếng/ngày. Buổi sáng, người bệnh không thể thức dậy cho dù có người gọi. Có những người bệnh thức dậy được nhưng sau đó lại ngủ gà ngủ gật, ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống.

Ngủ rũ là một bệnh mãn tính rất khó điều trị. Bệnh này liên quan đến di truyền, ngoài ra yếu tố tâm lý cũng làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Cụ thể như sau một thời gian điều trị người bệnh ổn định bệnh nhưng nếu phải trải qua một cú sốc, stress về thể chất, tâm lý như mất người thân, stress về công việc thì tình trạng bệnh sẽ tái phát hoặc chính những người có yếu tố bệnh tiềm ẩn sẽ phát bệnh. Có những chị em thời trẻ không có bệnh này nhưng khi có cú sốc về gia đình như ly dị thì bệnh bắt đầu khởi phát.

Khi được chẩn đoán mắc bệnh ngủ rũ, người bệnh sẽ được bác sĩ cho uống thuốc. Bên cạnh đó, người bệnh còn có các bài tập và có lịch tập để giấc ngủ được tốt hơn. Người ngủ rũ cũng có những giấc ngủ ngắn thường xuyên khoảng 30 phút vì có những giấc ngủ ngắn, người bệnh sẽ có 3-4 giờ tỉnh táo khi có uống thuốc kèm theo.

Khi được điều trị đúng cách, bệnh sẽ ổn định và giảm từ từ thời gian ngủ rũ, tuy chưa có trường hợp nào khỏi bệnh hoàn toàn nhưng người ngủ rũ ổn định ở mức ngưng thuốc và khống chế được chứng ngủ rũ.

Có đến 70-80% số bệnh nhân được điều trị khống chế được bệnh. Sau 2-3 năm điều trị, người mắc không cần phải dùng thuốc. Sau một đợt stress bệnh nhân cũng có thể bị tái phát. Khi đó, bác sĩ sẽ lên một kế hoạch điều trị mới.

Bệnh ngủ rũ liên quan đến di truyền, stress, do đó cách phòng ngừa là phải có cuộc sống, tinh thần thoải mái. Còn về vấn đề di truyền thì phải nghiên cứu thêm để có những can thiệp ở mức độ tế bào gốc hứa hẹn trong tương lai.

Triệu chứng chính của bệnh ngủ rũ là ngủ nhiều, ngủ hơn 12 tiếng mỗi ngày. Người mắc bệnh này nếu không được điều trị, bệnh sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống.

Người bệnh còn có thể bị ảo giác trong khi thức, ngủ và bị giảm trương lực cơ đột ngột liên quan đến không kiềm chế cảm xúc mãnh liệt được. Do đó, người bệnh rất khó điều khiển các phương tiện giao thông, lao động.

Ngoài ra còn có những triệu chứng phức tạp hơn như ngủ liệt, ngủ li bì, ngủ mà vẫn thở, sinh hiệu vẫn bình thường nhưng không thể gọi và đánh thức dậy được...

Thùy Dương/Tuổi trẻ

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích