Tiếng Việt | English

04/07/2022 - 10:46

Bệnh trầm cảm và những hệ lụy khôn lường (Kỳ 1)

Những năm gần đây, do áp lực công việc, học tập, các mối quan hệ trong gia đình, xã hội cùng nhiều nguyên nhân khác nhau, bệnh trầm cảm đang có chiều hướng gia tăng. Đây là căn bệnh thầm lặng nhưng rất nguy hiểm, gây ra những thay đổi bất thường về suy nghĩ, hành động, thậm chí là nguy hại đến tính mạng của người bệnh và những người xung quanh. Do đó, mỗi người cần hết sức cảnh giác, quan tâm sức khỏe bản thân và người thân, không được chủ quan trước căn bệnh này.

Kỳ 1: Rối loạn lo âu và trầm cảm ở tuổi học đường - Chớ xem thường!

Rối loạn lo âu và trầm cảm (TC) ở học sinh (HS) là vấn đề sức khỏe tinh thần nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không chỉ về thể chất mà còn cả tinh thần, thậm chí dẫn đến những sự việc khó lường, đáng tiếc nếu không được quan tâm phát hiện, can thiệp kịp thời.

Cha mẹ cần có sự quan tâm để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường về tâm lý của trẻ

Đừng vô tâm trước cảm xúc của trẻ

Rối loạn lo âu và TC học đường không còn là vấn đề mới với nguyên nhân đến từ nhiều phía như chuyện gia đình, học hành, thi cử hay chuyện bạn bè, tình cảm tuổi mới lớn. Trong đó, áp lực học tập là một trong những lý do phổ biến nhất. TC gây ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi, khiến các em mất niềm tin vào cuộc sống, thậm chí muốn tự giải thoát bản thân bằng cái chết. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ còn tâm lý chủ quan, không quan tâm đến cảm xúc của con, đến khi hậu quả đáng tiếc xảy ra thì đã muộn.

Đơn cử, từ đầu năm đến nay, các cơ quan truyền thông đại chúng thường xuyên thông tin về những vụ việc đau lòng liên quan đến TC học đường như vụ nữ sinh THPT tại quận 4, TP.HCM nhảy từ lầu 3 xuống sân trường vào giờ ra chơi vào tháng 02/2022; một HS lớp 8 tại Bắc Ninh tử vong trong tư thế treo cổ vào tháng 3/2022 hay nam sinh lớp 10, Trường Chuyên Amsterdam Hà Nội trèo qua ban công căn hộ ở tầng 28 tự tử sau khi học thâu đêm và để lại thư tuyệt mệnh vào đầu tháng 4/2022;... Những sự việc này chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp TC ở lứa tuổi HS ở mức độ từ nhẹ đến nặng. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động.

Tỉnh Long An chưa ghi nhận những sự việc quá nghiêm trọng từ TC ở lứa tuổi HS, tuy nhiên, tại các trường cũng ghi nhận một số trường hợp có dấu hiệu áp lực, TC đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy ở mức độ nhẹ nhưng rất cần có sự phát hiện, can thiệp kịp thời. Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tân An) - Lê Phát Hiển chia sẻ: “Trong năm học này, có một HS gặp áp lực từ sự kỳ vọng quá nhiều của phụ huynh, từ đó, em có những suy nghĩ tiêu cực như đòi uống thuốc ngủ hay có ý định nhảy lầu.

Ngoài ra, còn một trường hợp HS lớp 7 bị TC mức độ 3, qua tìm hiểu nguyên nhân thì xuất phát từ gia đình không hạnh phúc. Nhà trường đã liên hệ với mẹ của em để trao đổi, em được tạm nghỉ học để điều trị. Với những trường hợp này, được sự quan tâm từ bạn bè và giáo viên chủ nhiệm; đồng thời, Ban Giám hiệu cũng thường xuyên liên lạc với phụ huynh tăng cường theo dõi, có sự can thiệp kịp thời nên tình hình được cải thiện, hiện các em đã học tập, sinh hoạt trở lại
bình thường”.

Tại Trường THPT Chuyên Long An, Bí thư Đoàn trường - Dương Thanh Tiến cho biết: “Việc phụ huynh quá kỳ vọng vào kết quả học tập, tạo tâm lý căng thẳng là một trong những nguyên nhân thường gặp, dẫn đến áp lực cho các em, nhất là ở môi trường phải có sự nỗ lực lớn như trường chuyên. Thời gian qua, nhà trường cũng ghi nhận một số trường hợp gặp áp lực nhưng ở mức độ nhẹ. Trường thành lập Tổ tư vấn tâm lý, bố trí phòng riêng để các em được hỗ trợ. Tại đây, các em được bảo mật thông tin cá nhân, sẵn sàng là nơi sẻ chia để giải tỏa tâm lý; nếu phát hiện các triệu chứng, vấn đề nghiêm trọng hơn thì các thầy cô sẽ can thiệp, liên hệ phụ huynh kịp thời nhằm ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe HS”.

Cần lắm sự quan tâm!

Những vấn đề về sức khỏe tinh thần ảnh hưởng đến sự phát triển, học tập và cả tương lai của thanh, thiếu niên. Vì vậy, sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, sự đồng hành, thấu hiểu của cha mẹ đóng vai trò quan trọng giúp các em có tâm lý vững vàng để thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực.

Cô Nguyễn Thị Kiều My - giáo viên chủ nhiệm lớp 9/2, Trường THCS Lý Tự Trọng, chia sẻ: “Giáo viên chủ nhiệm phải thực sự là cầu nối giữa HS và cha mẹ. Các em học bán trú nên thầy cô luôn theo sát, có sự quan tâm, gắn bó để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường về tâm lý. Những em có học lực chưa tốt, giáo viên sẽ liên hệ với phụ huynh để định hướng, tư vấn, phân luồng phù hợp, quan trọng là làm sao để phụ huynh không khắt khe, kỳ vọng quá lớn gây áp lực cho con”.

Dự án Phòng tâm lý học đường số hiệu 11:11 của các học sinh Trường THPT Chuyên Long An là “cánh tay đắc lực” trong việc sẻ chia, đồng hành giải tỏa những áp lực, căng thẳng mà học sinh đang gặp phải

Được biết, Trường THCS Lý Tự Trọng nỗ lực làm tốt công tác phân luồng, mời báo cáo viên thông tin đến các em về hoạt động hướng nghiệp phù hợp năng lực; đồng thời, trao đổi phụ huynh để giảm bớt áp lực, tạo tâm lý thoải mái cho các em, nhất là HS cuối cấp. Trường cũng có Tổ tư vấn tâm lý để hỗ trợ kịp thời khi HS gặp áp lực từ gia đình và các vấn đề khác ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc.

Còn tại Trường THPT Chuyên Long An, bên cạnh Tổ tư vấn tâm lý, hàng năm, nhà trường đều mời các chuyên gia sinh hoạt chuyên đề về sức khỏe tinh thần cho các em. “Thời gian tới, cha mẹ HS cũng được mời tham dự các buổi sinh hoạt này. Đây là cách giải quyết các vấn đề tâm lý từ “gốc”, tạo sự đồng cảm, tiếng nói chung giữa cha mẹ và các em để giải tỏa căng thẳng, giúp đôi bên hiểu nhau hơn, ngăn chặn tình trạng áp lực, có thể dẫn đến TC trong HS” - thầy Dương Thanh Tiến chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Kim Phụng - thành viên Tổ tư vấn tâm lý học đường Trường THPT Chuyên Long An, cho biết, dù kết thúc năm học nhưng bất kỳ thời gian nào các em cần hỗ trợ, chúng tôi luôn sẵn sàng. Khó khăn hiện nay là còn nhiều em chưa chủ động tìm đến nên sẽ khó can thiệp nếu các em gặp vấn đề khó nói, do đó, phải làm sao để các em sẵn sàng mở lòng, sẻ chia bằng nhiều cách, nhiều kênh khác nhau nhằm tăng hiệu quả của công tác tư vấn tâm lý. Hiện nay, công tác tư vấn tâm lý học đường có một “cánh tay đắc lực” từ nhóm HS thực hiện Dự án Phòng tâm lý học đường số hiệu 11:11. Tại đây, các em thành lập Fanpage với những thông điệp về tâm lý học đường dưới sự cố vấn, định hướng từ các thầy cô của Tổ tư vấn tâm lý. Đây là một trong những kênh thông tin hữu hiệu để HS sẻ chia, giải tỏa những vấn đề đang gặp phải.

Em Nguyễn Ngọc Quỳnh Như - Trưởng nhóm thực hiện dự án, cho biết, nhóm có 20 thành viên. Hàng tuần, Fanpage sẽ đăng những bài về tâm lý học đường, cách điều chỉnh tâm lý bản thân,... Ngoài ra, các thành viên cũng thực hiện tư vấn trực tuyến, mọi thông tin của người cần hỗ trợ sẽ được bảo mật để các bạn thoải mái sẻ chia, tâm sự. Những vấn đề thường gặp là áp lực học tập, tình cảm tuổi mới lớn, chuyện gia đình, tự ti,... Đến nay, nhóm tư vấn được hơn 30 trường hợp, những vấn đề vượt quá khả năng thì nhóm các thầy cô hỗ trợ.

Sự sâu sát từ nhà trường, sự quan tâm từ phụ huynh và sẻ chia, đồng hành của bạn bè chính là “chìa khóa” quan trọng để các em giải tỏa những vấn đề về tâm lý, tình cảm, thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, các em sẽ dễ gặp phải những sang chấn tâm lý, dẫn đến nguy cơ bỏ học sớm, vi phạm pháp luật, lạm dụng chất kích thích, thậm chí dẫn đến những hành vi nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến tương lai của các em./.

Trưởng khoa Tâm lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần Long An - Trần Văn Phương khuyến cáo:

Cha mẹ không nên so sánh, tạo áp lực học tập; tránh tình trạng “gieo” vào đầu trẻ những từ ngữ tiêu cực, khiến các em tự ti về khả năng bản thân; cần đồng hành, sẻ chia như những người bạn, kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tôn trọng ý kiến của con em mình.

Bên cạnh đó, cha mẹ, nhà trường cần tăng cường quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp phù hợp năng lực, sở thích, nguyện vọng của các em; không nên áp đặt theo mong muốn của người lớn, tạo tâm lý căng thẳng cho trẻ.

Đối với HS, khi gặp vấn đề căng thẳng, không nên tự “nhốt” mình ở trong phòng, cần mở lòng, sẻ chia với người mình tin tưởng, thân thiết để giải tỏa tâm lý, tránh sự dồn nén lâu ngày tạo nên những suy nghĩ tiêu cực.

(còn tiếp)

Phạm Ngân - Huỳnh Hương

Kỳ 2: Gia tăng trầm cảm trước và sau sinh ở phụ nữ

 

Chia sẻ bài viết