Học sinh tham gia các hoạt động tập thể giúp giảm căng thẳng, áp lực học tập
Lắng nghe, hiểu và chia sẻ cùng các em
Đang ở độ tuổi tâm, sinh lý phát triển, HS cấp 2, cấp 3 rất nhạy cảm với những việc xảy ra xung quanh và có xu hướng chứng tỏ bản thân. Khi cảm thấy thiếu thốn tình cảm, bị xem thường, chịu nhiều áp lực từ gia đình, chuyện học tập, các mối quan hệ,... lâu dần dễ dẫn đến trầm cảm. Khi ấy, các em cần người lắng nghe, hiểu và chia sẻ những vấn đề đang gặp phải, chịu đựng. Trong đó, tổ tư vấn tâm lý học đường trong trường học là “địa chỉ” tin cậy để các em nhỏ to tâm sự, giãi bày những khúc mắc trong lòng để dần được tháo gỡ, trở lại cuộc sống bình thường.
Trường THCS Mỹ Thạnh Tây (xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) dù thuộc vùng nông thôn ở biên giới nhưng những vấn đề HS gặp phải, dẫn đến trầm cảm cũng không ít so với học sinh thành thị bởi các em đều đang ở tuổi dễ “nổi loạn”. Do đó, Trường THCS Mỹ Thạnh Tây thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường, gồm những giáo viên tâm huyết, nhiệt tình và được tập huấn về tư vấn tâm lý học đường để có đủ chuyên môn, kinh nghiệm, kiên nhẫn lắng nghe, hiểu và theo sát các em trong quá trình tư vấn lâu dài.
“Những năm gần đây, dường như HS có dấu hiệu trầm cảm tăng. Có em không muốn giao tiếp, trò chuyện; có em uống lượng lớn thuốc cảm để tự tử; có em rạch tay;... Hầu hết những trường hợp đó đều có hoàn cảnh gia đình không êm ấm như cha mẹ ly hôn, không sống chung cha mẹ hoặc cha mẹ thiếu sự quan tâm. Nguyên nhân dẫn đến những hành động thu mình lại, gây hại bản thân là do các em bị tổn thương về mặt tâm lý, mặc cảm về điểm số, gia đình, thất tình,...” - cô Nguyễn Thị Xuân - thành viên Tổ tư vấn tâm lý học đường Trường THCS Mỹ Thạnh Tây, chia sẻ.
Theo cô Xuân, nhiều người, đặc biệt là phụ huynh HS vẫn còn xem nhẹ căn bệnh trầm cảm học đường. Một số phụ huynh có những lời nói, hành động làm tổn thương tinh thần các em như “lo cho không thiếu thứ gì, còn muốn gì nữa?” hay nói những lời khó nghe khác hoặc chưa ngồi lại tâm sự, lắng nghe để biết con cần gì,... Đó là những vấn đề liên quan đến “bạo lực tinh thần” và hậu quả của nó có thể lớn hơn bạo lực thể xác. Chính vì vậy, khi xảy ra các biến cố hoặc gặp những cú sốc đầu đời, các em dễ bị lạc lõng, chơi vơi và không biết cách ứng phó phù hợp. Tuy nhiên, một số HS có biểu hiện trầm cảm lại chưa tìm đến tổ tư vấn học đường để sẻ chia, tâm sự, tìm cách tháo gỡ trong khi các em đang rất cần được lắng nghe, thấu hiểu.
Chủ động tìm đến học sinh
Ngoài những HS tự tìm đến tổ tư vấn tâm lý học đường, còn nhiều HS khác có biểu hiện trầm cảm nhưng không giãi bày cùng ai. Đây là những trường hợp dễ dẫn đến suy nghĩ, hành động gây hại cho bản thân nếu quá sức chịu đựng. Do vậy, tổ tư vấn tâm lý học đường đã và đang nỗ lực chủ động tìm kiếm, phát hiện kịp thời để giúp đỡ các em.
Tại Trường THPT Chuyên Long An, ngoài mở cửa phòng tư vấn tâm lý học đường theo lịch, sẵn sàng lắng nghe khi HS liên hệ qua điện thoại, Zalo, Messenger, Email, Tổ tư vấn tâm lý học đường còn có nhiều hoạt động khác nhằm định hướng giáo dục cho HS có khó khăn về tâm lý, tình cảm, gặp áp lực trong học tập, trở ngại trong cuộc sống,... Theo đó, trường tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về các chủ đề liên quan đến nội dung cần tư vấn cho HS; thiết lập kênh thông tin, thường xuyên trao đổi với cha mẹ HS về diễn biến tâm lý và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho HS; phối hợp các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho HS;... Đặc biệt, Tổ tư vấn tâm lý học đường còn phối hợp, hỗ trợ nhóm HS thực hiện Dự án 11:11 - Can I hear your voice. Theo đó, tổ tham gia cố vấn, định hướng thực hiện kế hoạch của nhóm, cùng tư vấn cho các HS gặp khó khăn, cần được giúp đỡ; đồng thời, thành lập Fanpage Phòng tâm lý học đường số hiệu 11:11 giới thiệu phòng tư vấn, hỗ trợ tư vấn trực tuyến cho HS.
Phòng tư vấn tâm lý học đường - "địa chỉ" tin cậy để học sinh chia sẻ, tâm sự
Cô Nguyễn Thị Kim Phụng - thành viên Tổ tư vấn tâm lý học đường Trường THPT Chuyên Long An, tâm sự: “Khi tư vấn, tôi chân thành lắng nghe các em tâm sự, chia sẻ. Từ đó, đưa ra những phân tích, lời khuyên thiết thực giúp các em giải tỏa được về mặt tinh thần, cảm thấy vững vàng, tự tin và trên cơ sở đó có thể tự giải quyết được vấn đề của mình theo hướng tích cực. Đặc biệt, tôi luôn tôn trọng và bảo mật những câu chuyện mà các em tâm sự”. Ngoài ra, trong Tổ tư vấn tâm lý học đường Trường THPT Chuyên Long An còn có giáo viên chủ nhiệm và một số HS làm thành viên. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc kịp thời phát hiện những trường hợp cần tư vấn tâm lý, từ đó chủ động tìm đến để giúp đỡ.
Dù có nhiều nỗ lực trong việc tư vấn tâm lý HS nhưng hầu hết thành viên tổ tư vấn tâm lý học đường của các trường học đều kiêm nhiệm. Do vậy, việc tư vấn tâm lý học đường còn gặp nhiều khó khăn, chưa kịp thời phát hiện hết các trường hợp cần hỗ trợ, dẫn đến các em dễ bị trầm cảm học đường./.
An Nhiên