Tiếng Việt | English

09/08/2016 - 11:06

Bệnh viêm khớp ở người lớn và trẻ em

Viêm khớp là dạng bệnh mà hiện nay có rất nhiều người mắc phải. Trước nay, khi nói đến bệnh viêm khớp, chúng ta thường nghĩ đến những bệnh nhân là người lớn tuổi hoặc ít nhất cũng ở độ tuổi trung niên, tuy nhiên, ít người biết rằng, trẻ em cũng có thể mắc bệnh này. Để bạn đọc có thêm thông tin về căn bệnh viêm khớp, chúng tôi có cuộc trao đổi với Bác sĩ (BS) CKII - Nguyễn Quốc Doanh, Bệnh viện Đa khoa Long An về căn bệnh này.


Viêm khớp là dạng bệnh mà hiện nay có rất nhiều người mắc phải. Ảnh minh họa: Internet

Phóng viên (PV): Chào BS, xin BS cho bạn đọc biết rõ hơn về bệnh viêm khớp.

BS. Nguyễn Quốc Doanh: Viêm khớp là một khái niệm rất rộng và đa số người dân bị nhầm lẫn, nghĩ rằng trường hợp viêm khớp là phải liên quan tới vi trùng nhưng thật ra không phải.

Trong chuyên môn, khái niệm phản ứng viêm khác hẳn với khái niệm nhiễm trùng. Ngay cả thuật ngữ chuyên môn, người ta cũng dùng những từ hoàn toàn khác nhau để chúng ta hiểu rằng, trong bệnh lý khớp sẽ gặp 2 tình trạng bệnh lý khác nhau: Thứ nhất là viêm khớp và thứ hai là nhiễm trùng khớp.

Ngoài ra, trong những bệnh lý khớp, người ta thấy rằng, nhóm bệnh lý khớp của người lớn và nhóm bệnh lý khớp của trẻ em hoàn toàn không giống nhau. Viêm khớp ở người lớn và viêm khớp ở trẻ em, người ta phân ra làm 2 nhóm chính: Những bệnh lý viêm khớp và những bệnh lý bị nhiễm trùng khớp.

Đó là phân chia chung nhưng thật ra, bệnh khớp rất đa dạng, phong phú. Ví dụ, một bệnh nhân bị bệnh gout cũng đau khớp, một bệnh nhân bị thấp khớp cũng đau khớp, một ông lão, bà lão bị thoái hóa khớp cũng đau khớp. Thỉnh thoảng, chúng ta cũng nghe nói lao xương khớp.


Viêm khớp ở người lớn và viêm khớp ở trẻ em, người ta phân ra làm 2 nhóm chính: Những bệnh lý viêm khớp và những bệnh lý bị nhiễm trùng khớp. Ảnh minh họa: Internet

PV: BS có thể cho độc giả được biết triệu chứng của các loại viêm khớp ở người lớn mà BS vừa nêu?

BS. Nguyễn Quốc Doanh: Đầu tiên là nói về bệnh gout. Gout là tên riêng thôi nhưng nó là một bệnh lý khớp. Nó gây ra do người ta bị ứ đọng chất vôi ở chung quanh khớp. Tại sao ứ đọng chất vôi? Người ta thấy rằng, có một số trường hợp, bệnh nhân khi dùng một số loại thức ăn giàu acid amin thì loại acid amin sẽ là nguồn gốc sản sinh ra nhiều acid uric. Acid uric kết hợp canxi thành ra chất gọi là muối urat canxi. Muối này lắng đọng ở các bề mặt màng khớp và bề mặt chung quanh khớp gây ra bệnh lý gout. Sự lắng đọng canxi này còn có thể lắng đọng ở nhiều nơi khác như ở các khuỷu, các khớp.

Về bệnh lý gout liên quan đến chế độ ăn có nhiều đạm có gốc purin như: Nội tạng động vật (đồ lòng), các loại hải sản, các loại thịt có màu đỏ, thịt gia cầm, cải bó xôi, bông cải,...

Loại bệnh thứ 2 là lao xương khớp. Lao xương khớp nằm trong bệnh cảnh chung là lao toàn thân. Hiện tại, do thực hiện tốt việc tiêm ngừa lao cũng như trình độ y học phát triển, chúng ta phát hiện, điều trị bệnh sớm nên số trường hợp mắc lao xương rất ít.

Loại bệnh thứ 3 là thoái hóa khớp. Bệnh thoái hóa khớp là bệnh lý hiển nhiên của người già. Đó là tình trạng xương khớp của chúng ta sau một quá trình phát triển, tăng trưởng và được bù đắp; sau quá trình sống, hoạt động lâu dài thì xương khớp của chúng ta dẫn đến thoái hóa khớp, đó là hiển nhiên.

Một bệnh lý khác luôn đi kèm với thoái hóa khớp là loãng xương. Đối với 2 căn bệnh này, chúng ta không phải đợi đến khi bị bệnh rồi mới điều trị mà cần ngăn ngừa ngay từ sớm để 2 bệnh này chậm xảy ra.


Bệnh viêm khớp. Ảnh minh họa: Internet

PV: Vậy những triệu chứng của bệnh viêm khớp ở trẻ em thì như thế nào, thưa BS?

BS. Nguyễn Quốc Doanh: Tôi xin nói về một bệnh đặc biệt mà người ta gọi là bệnh thấp khớp ở trẻ em hoặc gọi là thấp tim. Khi những trẻ em đó mắc bệnh có thể gây viêm cơ tim. Trẻ bị thấp tim sau nhiễm trùng có triệu chứng đau khớp. Khớp sưng, nóng, đỏ, đau và cơn đau có thể di chuyển. Ví dụ, nó xuất hiện ở khớp gối, khớp vai và sau đó sẽ thay đổi vị trí từ khớp gối qua khớp vai, từ khớp gối bên trái qua khớp gối bên phải hoặc từ khớp vai qua khớp khuỷu, khớp gối.

PV: BS có lời khuyên gì cho bệnh nhân khi thấy có các triệu chứng của bệnh viêm khớp?

BS. Nguyễn Quốc Doanh: Tôi chỉ có những lời khuyên chung về các đặc điểm của những bệnh lý khớp, đặc biệt, những lời khuyên này cảnh báo mức độ nguy hiểm của bệnh mà chúng ta nên nhớ để điều trị đúng.

Ở người lớn, có rất nhiều bệnh liên quan đến khớp, do vậy, khi có triệu chứng đau ở khớp và đau quanh khớp thì nên đi khám ở các BS cơ-xương-khớp để có được lời tư vấn, được chẩn đoán. Trong chẩn đoán bệnh lý khớp, đôi khi người ta phải làm một số xét nghiệm hết sức phức tạp để tìm ra căn nguyên của bệnh chứ không chỉ là chụp X-quang. Người bệnh tuyệt đối không tự mua thuốc uống vì người bán thuốc không biết chúng ta bị bệnh gì, chỉ bán thuốc giảm triệu chứng đau chứ không giải quyết được nguyên nhân.

Khi biết được căn nguyên của bệnh thì điều trị mới đúng. Những nhóm bệnh đã đề cập khác nhau, do vậy, thuốc điều trị cũng khác nhau. Đối với trường hợp thấp tim ở trẻ: Khi con em chúng ta bị những bệnh lý đơn giản nhất như viêm họng, cha mẹ nên mang con đến các BS chuyên khoa Nhi để được điều trị triệt để và nếu có kèm theo triệu chứng của khớp thì chúng ta cần phải có lời khuyên của BS chuyên khoa để có liệu trình điều trị thích hợp.

Minh họa. Internet

PV: Thưa BS, hiện nay, có nhiều thực phẩm chức năng được giới thiệu là hỗ trợ trị xương khớp, bệnh nhân có thể dùng các loại thuốc này?

BS. Nguyễn Quốc Doanh: Về các loại thực phẩm chức năng, tôi không khuyên dùng và cũng không có ý kiến. Đã là thực phẩm chức năng thì chúng không có tác dụng điều trị mà chỉ có tác dụng hỗ trợ, giá cả thường rất cao do phải chi cho quảng cáo sản phẩm.

Hiện tại, những loại thuốc có khả năng ngăn ngừa hoặc giúp cho bệnh nhân lớn tuổi phòng ngừa hoặc làm chậm quá trình loãng xương mà chúng tôi khuyên nên dùng là thuốc Canxi D với liều dùng 1.500mg/ngày. Đối với thoái hóa khớp, chúng ta có thể dùng Glucosamine cùng liều dùng 1.500mg/ngày. Nếu dùng liều lớn thì không có lợi, đôi khi có hại; dùng liều thấp thì không thể hiện rõ tác dụng của thuốc.

PV: Để bảo vệ hệ xương khớp cho tốt, chúng ta cần làm gì, thưa BS?

BS. Nguyễn Quốc Doanh: Thứ nhất, khi xuất hiện triệu chứng đau khớp, với người lớn phải đến khám BS, đối với trẻ em phải đến khám BS chuyên khoa Nhi. Không được tự ý mua thuốc uống.

Thứ hai, đối với các loại thực phẩm chức năng, bệnh nhân cần cân nhắc kỹ trước khi mua dùng vì nó không có tác dụng điều trị.

Thứ ba, nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt thường xuyên vừa sức. Không nhất thiết phải tập thể dục mạnh mà chỉ nên tập những môn phù hợp với từng loại bệnh lý./.

PV: Xin cảm ơn BS!

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích