Một chuyên gia lâu năm về BHXH (xin giấu tên) khi trả lời báo Tiền Phong cho biết: “Ngoài mức hoa hồng 4%, các nhà trường còn được trích thêm 7% tiền chi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV (trước đây theo quy định cũ là 12%) là quá cao”.
Theo vị chuyên gia này, cơ quan BHXH trích 7% quỹ khám chữa bệnh BHYT để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho HSSV tại các trường học. Do đó, số HSSV tham gia BHYT càng đông thì nguồn quỹ để lại cho nhà trường dùng để CSSKBĐ tại trường càng lớn. Số tiền không nhỏ này được sử dụng cho các khoản như: mua thuốc, dụng cụ y tế thiết yếu phục vụ sơ cứu, xử lý ban đầu cho HSSV không may bị ốm đau, tai nạn tại trường học; tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho HSSV đầu năm học; mua tài liệu, dụng cụ phục vụ giảng dạy để tổ chức các bài học ngoại khóa về giáo dục sức khỏe; mua sắm các tài liệu, dụng cụ phục vụ cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thông về sức khỏe tại trường học, xử lý vệ sinh môi trường; phòng, chống các bệnh lây lan trong phạm vi nhà trường và trả phụ cấp cho cán bộ y tế nhà trường...
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN, TS Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cũng có cùng quan điểm với vị chuyên gia trên và khẳng định rằng, BHYT cũng khẳng định, BHYT sẽ trích lại một phần cho các trường học.
Ông Khảm giải thích rằng: khi HSSV tham gia BHYT quyền lợi được hơn các đối tượng khác. Bởi vì quỹ BHYT được phép để lại một phần nhằm thực hiện khám, chữa bệnh thông thường và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các nhà trường. Khi nhà trường có quỹ này, sẽ tạo điều kiện cho y tế học đường phát triển và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và là cơ hội cho các em.
Để sử dụng cái quỹ này, ông Khảm gợi ý, cách tổ chức của chúng ta là nếu nhà trường có đủ điều kiện sẽ tự đứng ra tổ chức nhận quỹ này để thực hiện việc khám chữa bệnh thông thường cho các em ban đầu. Trong trường hợp không có điều kiện, các nhà trường có thể liên kết với Sở Y tế gần nhất, đặc biệt là trạm y tế xã để họ lo cho cả một cụm trường của mình được chu đáo hơn. Đây cũng là xu thế để việc chăm sóc sức khỏe được đầy đủ và toàn diện hơn và có sự kết hợp của bên cơ sở y tế nữa.
Ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: trong năm học này, số HSSV tham gia BHYT khoảng 12 triệu người, tương đương số tiền thu khoảng hơn 6.000 tỷ đồng. Theo ông Khương, trong việc thu BHYT của HSSV, ngành Giáo dục cũng phải có trách nhiệm. |
PV/VOV.VN (tổng hợp)