Hằng năm, cứ mỗi khi năm học mới đến, phụ huynh học sinh lại đứng ngồi không yên vì các khoản thu phí đến dồn dập như: đồng phục, sách vở, học tiếng Anh, BHYT, bảo hiểm toàn diện học sinh. Điều đáng nói là năm nay mức phí bảo hiểm y tế (BHYT) bỗng dưng tăng vọt gấp 1,5 lần (tương ứng 543.000 đồng) và thu 15 tháng thay vì 12 tháng so với trước đây đang khiến dư luận không đồng tình.
Về lý thuyết mà nói, khi tăng mức phí thì phải kèm với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao. Tuy nhiên, điều họ bức xúc hiện nay là mức phí tăng nhưng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh vẫn chưa tăng, chưa đáp ứng với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân?!.
Nhiều người cho rằng, cách trả lời, giải thích của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế trên báo chí trong mấy ngày vừa qua khiến họ chưa thực sự hài lòng. Bởi vì theo họ, việc mua BHYT hiện nay chưa thực sự hiệu quả, có khi mua nhưng lại không dùng đến. Họ đã đặt ra câu hỏi là có nhất thiết học sinh – sinh viên (HS-SV) có phải mua BHYT hay không trong khi họ chưa có thu nhập?
TS Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế)
Tham gia BHYT là bắt buộc và cũng là sự sẻ chia với cộng đồng
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên VOV.VN, TS Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh: “Tôi phải khẳng định rằng, Luật yêu cầu mọi đối tượng đều bắt buộc tham gia BHYT. Cho nên ở đây chúng ta không thể nói đến chuyện thích hay không thích đóng BHYT. Vấn đề chúng ta phải tuân thủ pháp pháp luật và tất cả mọi đối tượng trong xã hội đều phải thực hiện theo quy định của luật pháp. Xét trên phương diện pháp luật, HS - SV là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.
Thứ 2, các bậc phụ huynh cũng có thể thấy rằng, việc tham gia BHYT cho con cái có nhiều thuận lợi như: khám chữa bệnh, lúc khỏe mạnh không nói làm gì nhưng lúc đau yếu, chi phí khám chữa bệnh lên tới hàng trăm triệu đồng. Nếu không có quỹ BHYT, chúng ta sẽ rơi vào cảnh khánh kiệt cùng với chi phí vô cùng lớn. Điều này rất rõ ràng và trong thực tế đã có”.
TS Lê Văn Khảm cũng phân tích mấy nguyên nhân khiến người dân chưa hào hứng tham gia BHYT. Thứ 1, nhiều bậc phụ huynh nói rằng con cái của họ không mấy khi phải dùng đến thẻ BHYT. Thực chất, nó có 2 khả năng xảy ra là lúc các cháu khỏe mạnh không có nhu cầu khám chữa bệnh – đó là điều rất may mắn. Chúng ta không ai muốn tham gia BHYT để đi khám chữa bệnh, hay ốm đau. Chúng ta tham gia BHYT để khi ốm sẽ được quỹ BHXY chi trả, hỗ trợ cho kinh tế của mình để đảm bảo sức khỏe.
Trường hợp thứ 2 là do ngại phiền hà về mặt thủ tục hành chính, chất lượng khám chữa bệnh không được như mong muốn (có thể nói là chất lượng thấp – PV) cho nên việc thực hiện đi khám chữa bệnh theo tuyến đối với nhiều bậc cha mẹ do điều kiện thời gian để xếp hàng chờ đợi khám cho con em mình.
Cho nên, tôi nghĩ rằng, chỉ vì các lý do như vậy mà chúng ta không mua BHYT chính là làm mất cơ hội của con em mình. Đặc biệt là làm mất cơ hội của con trẻ. “Tham gia BHYT là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, sự chia sẻ trong cộng đồng cũng như sự công bằng giữa các đối tượng. Mình không sử dụng đến nó thì đang có biết bao nhiêu người khác đang ốm đau và thật sự phải sử dụng nó. Đây là điều mang tính nhân văn rất cao cả, tính xã hội rất lớn mà chúng ta đang muốn truyền cho thế hệ trẻ hiểu hơn”, ông Khảm nêu rõ.
Ông giải thích: “Việc tham gia BHYT của HS – SV thì quyền lợi được hơn các đối tượng khác. Vì quỹ BHYT được phép để lại một phần nhằm thực hiện khám, chữa bệnh thông thường và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các nhà trường. Như các bạn đã biết, học sinh học cũng nhiều mà chơi và nghịch cũng không kém. Do vậy, những tai nạn thương tích ở trong nhà trường là điều rất dễ xảy ra. Khi chúng ta có quỹ này, sẽ tạo điều kiện cho y tế học đường phát triển và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và cơ hội cho các em”.
Ông Khảm cũng gợi ý, cách tổ chức của chúng ta là nếu nhà trường có đủ điều kiện sẽ tự đứng ra tổ chức nhận quỹ này để thực hiện việc khám chữa bệnh thông thường cho các em ban đầu. Trong trường hợp không có điều kiện, các nhà trường có thể liên kết với Sở Y tế gần nhất, đặc biệt là trạm y tế xã để họ lo cho cả một cụm trường của mình được chu đáo hơn. Đây cũng là xu thế để việc chăm sóc sức khỏe được đầy đủ và toàn diện hơn và có sự kết hợp của bên cơ sở y tế nữa.
Điều chỉnh mức tăng kèm theo mở rộng quyền lợi
Lý giải tại sao BHYT lại thu tới 15 tháng, ông Khảm cho biết: Theo quy định của các văn bản liên quan đến Luật BHYT việc thu BHYT thực hiện theo năm tài chính, nghĩa là thu từ ngày 1/1 đến 31/12 của năm. Mọi năm thu theo năm học, tức là đến hết 30/9. Còn năm nay là năm chuyển giao nên phải thu thêm ba tháng cuối của năm 2015 và nguyên năm 2016. Mức đóng này được quy định theo Nghị định của Chính phủ. Chính phủ giao Bộ Y tế soạn thảo Nghị định. Trong quá trình soạn thảo có sự tham gia Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH, Bộ GD-ĐT, Bảo hiểm Xã hội,.. Việc thu có thể phụ thuộc vào điều kiện của từng nhà trường, địa phương họ có thể có cách thu khác nhau cho phù hợp.
Ông Khảm nêu rõ: Một trong những lý do để chúng ta điều chỉnh mức tăng là mở quyền lợi của BHYT. Theo Luật BHYT sửa đổi bổ sung, ở đây mở rộng quyền lợi khá rộng. Thứ 1, về mức hưởng với đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số chỉ phải chi trả 5% chi phí (95% còn lại là được nhà nước hỗ trợ). Tuy nhiên, năm nay đối tượng này không phải chi trả nữa mà được hưởng 100%... Còn đối với HS-SV hộ gia đình nghèo, đã tham gia BHYT theo hộ nghèo, được cấp thẻ BHYT miễn phí. Hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ đóng 70%, chỉ phải đóng thêm 30% mức tăng không nhiều.
Trước đây có một số trường hợp không được quỹ BHYT chi trả thì nay lại được. Ví dụ như tổn thương thể chất tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật, điều trị tật khúc xạ (trước đây không đối tượng nào được hưởng tật khúc xạ ở mắt như lác, cận thị nay đã được mở rộng quyền lợi này. Tuy nhiên, BHYT mới áp dụng đối với trẻ dưới 6 tuổi); tai nạn lao động trước đây không trả giờ quỹ BHYT trả; Cách thức mở thông tuyến điều trị theo lộ trình, cơ hội tiếp cận cơ sở y tế tốt hơn cho mọi đối tượng tham gia BHYT. Một điều nữa là trong thực tế, kỹ thuật trong y khoa trong chẩn đoán điều trị liên tục cập nhật, liên tục được ứng dụng tại Việt Nam; các công nghệ bào chế thuốc, các loại thuốc mới, tính năng tác dụng hiệu quả hơn thế hệ cũ đã được áp dụng.
Như vậy, chúng ta phải hình dung ra rằng chi phí y tế có xu hướng gia tăng. Cho nên, chúng ta phải có điều chỉnh để phù hợp với sự gia tăng này. Như thế là cách để đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người tham gia BHYT.
Ông Khảm cũng nhấn mạnh việc lấy mức lương cơ sở để làm nền tảng để đóng BHYT chính là một cơ sở về điều kiện kinh tế xã hội để điều chỉnh mức đóng. Cho nên, chúng ta dùng khái niệm hay cơ sở mức lương cơ sở để phản ánh được khả năng thu, đóng BHYT của người dân, của các đối tượng tham gia BHYT. Khi mức lương tối thiểu tăng, giá trị tuyệt đối về số tiền cũng tăng theo.
Tham gia BHYT thuộc vào nhóm đối tượng gia đình có kinh tế khá giả
“Tôi nghĩ rằng, đối với các nhóm học sinh, phần lớn trong số đó là được ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ, hoặc một phần nên tác động đến kinh tế hộ gia đình không lớn”, ông Khảm nói.
Ông Khảm lý giải: “Nếu nói về con số chính xác để so sánh chúng tôi chưa có”. Tuy nhiên, ông cũng đưa phép so sánh rất đơn giản là nếu nhìn trên mặt tổng thể HS-SV có thể là con em của hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo (đối tượng này được nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% nhưng này đã có tới 33 tỉnh, thành trong cả nước đã hỗ trợ nốt 30% còn lại). Như thế là đối tượng này được hỗ trợ 100%.
Các đối tượng khác, người cận nghèo nhưng sinh sống ở vùng khó khăn cũng được hỗ trợ 100% mức đóng; con em của sỹ quan quân đội, công an cũng không phải đóng và được nhà nước hỗ trợ.
Cho nên phần còn lại phải đóng BHYT là thuộc vào nhóm đối tượng gia đình có kinh tế khá giả, mức trung bình trở lên. Tóm lại: người nghèo, dân tộc thiểu số, con sỹ quan quân đội, công an, cận nghèo đã được hỗ trợ. Bản thân HS - SV khi tham gia cũng được ngân sách hỗ trợ là 30%.
Ông Khảm cũng chia sẻ thách thức mà ngành y tế đang phải đối mặt và cách làm thế nào để giữ chân người bệnh, hấp dẫn được người bệnh chỉ có cách tốt nhất là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Muốn vậy, lãnh đạo và bệnh viện phải thay đổi cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng và nâng cáo chất lượng của người bệnh. Ông cũng mong muốn báo chí hỗ trợ và cùng đồng hành với ngành y tế tuyên truyền, phổ biến cho người được tham gia BHYT lựa chọn được nơi khám chữa bệnh hợp lý với tình trạng bệnh lý của mình, với điều kiện kinh tế và thuận lợi cho thầy thuốc tiện theo dõi bệnh tình của mình. Nếu tuân thủ theo các quy định về khám chữa bệnh BHYT chúng ta sẽ được khám chữa bệnh tốt hơn./.
Thủy - Hường/VOV.VN