Tiếng Việt | English

27/02/2022 - 15:55

Bí quyết đi cùng nhau đến 'răng long đầu bạc'

Có người cho rằng, hôn nhân là “nấm mồ” của tình yêu. Liệu có phải những ngọt ngào là điều không thể nào tồn tại trong hôn nhân hay hôn nhân chính là sự kéo dài của tình yêu?

Với anh Thành, chị Mỹ, việc nhường nhịn nhau lúc nóng giận là nguyên tắc không bao giờ thay đổi

Với anh Thành, chị Mỹ, việc nhường nhịn nhau lúc nóng giận là nguyên tắc không bao giờ thay đổi

Chuyện kể của các gia đình

Mấy mươi năm sống bên nhau, gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ và anh Nguyễn Minh Thành (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) không thể nào tránh được những lần “cơm không lành, canh không ngọt” nhưng cuối cùng, giận hờn cũng qua, vợ chồng lại yêu thương, cùng nhau nuôi con khôn lớn.

Nhìn vợ với ánh mắt trìu mến, anh Thành kể, vợ chồng anh chỉ có 1 người con, nay đã lớn. Trước giờ, anh chị gửi con ở nhà, đi lập nghiệp ở Vĩnh Hưng, vài tháng về thăm con một lần nên từng ấy thời gian, vợ chồng nương tựa, chăm sóc nhau. Mỗi khi cần nhờ vợ làm việc gì, anh Thành nói với giọng ngọt ngào: “Vợ ơi, giúp anh việc này”. Anh quý vợ vì chị là người phụ nữ dịu dàng, nhường nhịn anh đúng lúc. Ngược lại, với chị Mỹ, anh Thành là người chồng tâm lý, quan tâm đến vợ. Anh luôn chia sẻ với chị việc nhà, không nề hà nấu cơm hay rửa chén. 20 năm chung sống, anh chị vẫn giữ thói quen ăn cơm cùng nhau, mọi ngọt bùi đều san sẻ cho nhau. Chị Mỹ nói: “Cơm sôi thì bớt lửa, chứ ai cũng nóng giận thì ai sẽ là người lắng nghe. Vợ chồng làm sao tránh được không vừa ý chuyện này, chuyện nọ”.

Nguyên tắc sống của vợ chồng chị Mỹ, anh Thành cũng là “công thức” chung của rất nhiều gia đình hạnh phúc khác. Bên nhau suốt cả cuộc đời, cùng nhau đi qua quãng thời gian khó khăn, vất vả để nuôi dạy các con nên người, giờ đây, ông Lưu Bá Minh và bà Nguyễn Thị Bằng (xã Bình Quới, huyện Châu Thành) thường nhắc nhở các con về việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Bí quyết không có gì ngoài nhường nhịn và lắng nghe nhau. Bà Bằng chia sẻ: “Hồi đó giờ chúng tôi sống cùng nhau thì vợ nói chồng nghe, chồng nói vợ nghe. Công việc gia đình lúc nào cũng san sẻ cùng nhau, cả hai đều sống vì nhau. Trước đây, chúng tôi là giáo viên, ngoài giờ lên lớp, tôi với ông xã thay phiên nhau chăm sóc các con”.

Hôn nhân có cần sự ngọt ngào?

“Cơm sôi bớt lửa”, chia sẻ, yêu thương là những bí quyết được nhắc đến nhiều nhất trong những mái nhà ấm êm, hạnh phúc. Những “công thức” tưởng chừng đơn giản nhưng đôi khi trong cuộc sống bận bịu, chúng ta lại vô tình quên mất. “Đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai” - câu nói ấy có lẽ là ai cũng từng nghe qua và biết tới. Nhưng khi bước vào cuộc sống hôn nhân, nhiều cặp vợ chồng vì một lý do nào đó mà quên mất việc giữ gìn sự ngọt ngào trong gia đình mình.

Trước Tết Nguyên đán, mạng xã hội rộ lên trào lưu “nhắn lời mùi mẫn cuối năm”. Theo đó, vợ hoặc chồng sẽ nhắn cho người kia những lời cảm ơn ngọt ngào, tình cảm vì sự gắn kết và hạnh phúc trong suốt năm qua và xem phản ứng của người kia thế nào. Ảnh chụp màn hình tin nhắn được up lên mạng xã hội. Đa số đấng mày râu nhận được tin nhắn của vợ mình đều tỏ vẻ bất ngờ với nhiều phản ứng khác nhau, gây cười cho người xem. Tuy nhiên, đằng sau nụ cười đó, nhiều người đặt câu hỏi rằng: “Đã bao lâu, các cặp vợ chồng không nói lời ngọt ngào với nhau, để sự ngọt ngào trở thành điều bất ngờ đến vậy?”.

Nói về việc giữ lửa hôn nhân thông qua sự sẻ chia, nhà văn Hoàng Anh Tú từng chia sẻ trên trang cá nhân: “Bỏ qua trò nhắn tin theo mẫu để thử chồng đi, nếu bạn cho rằng nó là điều vô bổ nhưng tôi mong các bạn nhớ cho điều này, cho tôi được nhắn nhủ điều này: Chỉ còn hơn chục ngày nữa là tết rồi! Chúng ta đang sống ở năm 2022 rồi. Dù bạn không tham gia trò nhắn tin này, tôi thật lòng vẫn mong chúng ta có thể nhắn cho nhau một lời cảm ơn. Đặc biệt là khi chúng ta đã phải trải qua một năm Covid đầy khó khăn. Vì vợ chồng là đầu gối tay ấp, nói với nhau một lời cảm ơn khó khăn lắm sao?

Thu Lam

Chia sẻ bài viết