Tiếng Việt | English

30/09/2022 - 13:30

Bình Thạnh tăng tốc để về đích nông thôn mới đúng hạn

Xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, cơ bản hoàn thành 18/19 tiêu chí (TC) xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Hiện tại, xã tập trung thực hiện TC số 17 về môi trường để được công nhận đạt chuẩn vào năm 2023 theo Nghị quyết Huyện ủy đề ra.

Chung tay xây dựng

Là xã biên giới có xuất phát điểm XDNTM thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém, chưa đồng bộ, khi bắt tay vào thực hiện, xã Bình Thạnh gặp rất nhiều khó khăn. Với việc xác định rõ tình hình, điều kiện địa phương, xã phát động các phong trào thi đua, xây dựng nhiều mô hình góp phần XDNTM. Trong đó, công tác tuyên truyền được triển khai sâu, rộng với hình thức phong phú, giúp cán bộ, đảng viên và người dân nắm được mục tiêu, nội dung cơ bản và lợi ích của chương trình, từ đó tích cực, chủ động tham gia.

Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", những năm qua, người dân trong xã hiến trên 72.200m2 đất, đóng góp tiền và hàng trăm ngày công lao động để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn và đê bao thủy lợi nội đồng. Đến thời điểm này, các tuyến đường trục xã, liên xã được nhựa hóa; đường trục ấp, liên ấp được mở rộng, trải đá 0x4, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Tuyến đường chính dẫn về trung tâm xã Bình Thạnh được mở rộng, trải nhựa

Có mặt tại đường Bình Hòa Đông - Bình Thạnh đến đường tuần tra biên giới - 1 trong 2 tuyến đường chính kết nối từ huyện về xã, không khó để chúng tôi nhận ra sự vui mừng của người dân khi công trình vừa được hoàn thành. Tuyến đường có tổng chiều dài trên 10,7km, được nâng cấp, trải nhựa với nền đường rộng 9m, mặt đường 7m, kinh phí đầu tư gần 50 tỉ đồng. Với việc hoàn thành tuyến đường này, 7/7 xã, thị trấn của huyện Mộc Hóa đã có đường nhựa về trung tâm.

Ông Đinh Văn Tàu - Trưởng ấp Sậy Giăng, chia sẻ: “Chỉ cách đây vài tháng, tuyến đường này còn khá nhỏ, trải đá đỏ nên mùa nắng thì bụi mịt mù, mùa mưa thì lầy lội. Cảnh quan môi trường khu vực dọc theo tuyến đường này cũng chưa được khang trang. Chính vì vậy, khi công trình được khởi công xây dựng, người dân phấn khởi vô cùng. Nhờ có sự đầu tư của Nhà nước, đến nay, người dân đi học, đi làm hay đi thăm đồng đều có thể sử dụng xe máy, rất thuận tiện. Xe ôtô chở nông sản, vật tư xây dựng cũng lưu thông dễ dàng”.

Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh - Lê Công Trường cho biết: “Ngay từ đầu năm, Đảng ủy, UBND xã đề ra nghị quyết và kế hoạch lãnh đạo, phân công các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách ấp và từng TC. Đối với các TC đã đạt thì tiếp tục nâng chất, TC chưa đạt thì nỗ lực thực hiện. Xã thường xuyên đôn đốc, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, đưa ra giải pháp phù hợp, phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 19/19 TC để được công nhận đạt chuẩn NTM. Đây cũng là công trình chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập huyện vào năm 2023”.

Vượt khó đi lên

Đường sá mở rộng, hệ thống thủy lợi khơi thông, đê bao được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế. Thông tin từ UBND xã Bình Thạnh, trên địa bàn hiện chỉ còn 26 hộ nghèo (trong đó có 8 hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội), chiếm 2,4% và 34 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 64,3 triệu đồng/năm. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động có việc làm chiếm trên 92%.

Theo ông Lê Công Trường, để đạt kết quả trên, những năm qua, xã vận động người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; tập trung nhiều giải pháp như hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm,... giúp người dân cải thiện cuộc sống. Hiện nay, ngoài lúa là cây trồng chủ lực, cũng là kinh tế chính của xã, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn trái và hoa màu, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, đem lại thu nhập khá cao.

Gia đình bà Ngô Thị Sen được địa phương hỗ trợ vay vốn để nuôi bò

Là một trong những hộ cận nghèo được địa phương quan tâm giúp đỡ, bà Ngô Thị Sen (ấp Gò Dồ Nhỏ) bộc bạch: “Nhờ XDNTM mà xã có nhiều đổi thay, không chỉ về diện mạo mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Riêng gia đình tôi, nhờ được hỗ trợ vay vốn và hướng dẫn kỹ thuật để chăn nuôi bò, thu nhập ngày càng ổn định hơn, cuộc sống không còn khó khăn như trước”.

Từ một xã biên giới nhiều khó khăn, Bình Thạnh hôm nay đã “thay da, đổi thịt”. 2/2 trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia. Trạm Y tế, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng của xã được xây dựng đạt chuẩn. 4/4 ấp có nhà văn hóa, khu thể thao phục vụ nhu cầu hội họp, vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của người dân. Hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh hiện đạt 99,8%, hộ sử dụng nước sạch đạt 96,1%. Hộ dân sử dụng điện an toàn đạt trên 98%.

Trường Tiểu học và THCS Bình Thạnh đã đạt chuẩn quốc gia

Đối với TC môi trường và an toàn thực phẩm, xã còn 2 chỉ tiêu chưa đạt là thu gom, xử lý chất thải rắn và tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh bảo đảm 3 sạch (chỉ mới đạt 40,81%). Thời gian qua, xã phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xây dựng 10 hố rác sinh hoạt trên địa bàn xã; tuyên truyền, vận động, cho người dân làm cam kết thu gom rác tự tiêu hủy; hỗ trợ vay vốn để xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh,...

“Trong XDNTM, xã hướng đến mục tiêu cuối cùng là KT - XH phát triển, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Xuất phát từ mục tiêu ấy, cả hệ thống chính trị xã đang tập trung quyết liệt các giải pháp để hoàn thành TC còn lại; duy trì, nâng cao chất lượng các TC đã đạt một cách thực chất, bền vững, xây dựng xã Bình Thạnh phát triển ngày càng toàn diện” - ông Lê Công Trường thông tin thêm.

Đường “về đích” xã NTM không còn xa, tin rằng, với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cùng sự quan tâm hỗ trợ từ cấp trên, Bình Thạnh chắc chắn sẽ thành công./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết