Tiếng Việt | English

10/03/2024 - 20:55

Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp trước những chính sách tiền tệ mới của Ai Cập

Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập lưu ý doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với bên nhập khẩu để làm rõ yêu cầu với sản phẩm của mình bởi các chính sách tiền tệ mới còn chưa được Ai Cập quy định rõ ràng.


Sản xuất nội thất tại Công ty TNHH nội thất Mạnh Hệ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Nhung/ TTXVN)

Trước những chính sách tiền tệ mới của Ai Cập sẽ có tác động theo chiều hướng tích cực (ít nhất trong ngắn hạn) với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập lưu ý doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với bên nhập khẩu để chuẩn bị và làm rõ yêu cầu với sản phẩm của mình bởi các chính sách mới còn chưa được phía cơ quan chức năng Ai Cập quy định rõ ràng.

Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập cho biết ngày 06/3/2024, Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC), Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE) đã họp phiên đặc biệt đưa ra nhiều quyết định quan trọng về chính sách tiền tệ để đối phó với tình hình lạm phát tăng cao và khủng hoảng ngoại tệ hiện nay tại nước này.

Do đó, MPC đã quyết định tăng mạnh lãi suất tiền gửi qua đêm, lãi suất cho vay qua đêm và lãi suất các hoạt động chính thêm 600 điểm cơ bản, tương ứng lên 27,25%, 28,25% và 27,25%.

Đặc biệt CBE thông báo “cho phép tỷ giá hối đoái được quyết định bởi lực lượng thị trường,” đánh dấu sự thay đổi căn bản trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Ai Cập bằng việc áp dụng chính sách tỷ giá hối đoái thả nổi thay cho chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt theo cung-cầu thị trường áp dụng trước đây.

Ngay sau quyết định này, tỷ giá hối đoái giữa đồng Bảng Ai Cập (EGP) với USD tại các ngân hàng đã liên tục biến động và tỷ giá chính thức tại CBE tăng vọt lên 49,57 EGP/USD vào cuối ngày so với 30,96 EGP/USD ngày hôm trước, tương đương mức tăng 60% trong khi tỷ giá tại một số ngân hàng khác đã vượt ngưỡng 50 EGP/USD.

Mặc dù cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tại thị trường, tuy nhiên Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập đánh giá chính sách tiền tệ mới sẽ có tác động theo chiều hướng tích cực (ít nhất trong ngắn hạn) đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào Ai Cập.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, lý do là các ngân hàng tại Ai Cập từ nay có thể tự chủ huy động ngoại tệ theo giá thị trường để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhập khẩu trong nước cũng như khắc phục tình trạng chậm thanh toán do thiếu hụt ngoại tệ kéo dài trước đây.

Ngoài ra, việc Chính phủ Ai Cập quyết tâm giải phóng lượng lớn hàng hóa tồn đọng tại các cảng góp phần gỡ bỏ khó khăn cho doanh nghiệp đang có hàng nằm tại các cảng, giảm bớt tranh chấp thương mại liên quan đến vấn đề thanh toán cũng như tạo niềm tin cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động xuất khẩu sang thị trường.

Cũng liên quan tới những chính sách mới của Ai Cập, tháng 12/2023, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập đã thông tin về việc Tổng cục Dịch vụ Thú y (GOVS) thuộc Bộ Nông nghiệp và Cải tạo đất Ai Cập thông báo chính thức kéo dài thời gian bắt buộc áp dụng chứng chỉ Halal đối với sữa và các sản phẩm từ sữa nhập khẩu vào Ai Cập cho đến ngày 31/12/2024 sau nhiều lần gia hạn trong năm 2023.

Trước đó, ngày 6/8/2023 Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Ai Cập đã công bố tiêu chuẩn ES 4249/2023 Yêu cầu chung về thực phẩm Halal theo Hồi giáo Shariya thay thế cho tiêu chuẩn ES 2429/2014 trước đây.

Tiêu chuẩn này bao quát các yêu cầu chung đối với toàn bộ các giai đoạn trong quá trình sản xuất thực phẩm Halal theo luật Hồi giáo Shariya.

Mặc dù tiêu chuẩn không bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa tuy nhiên GOVS vẫn ra thông báo yêu cầu phải có chứng chỉ Halal đối với sữa và sản phẩm từ sữa nhập khẩu vào Ai Cập và tiếp tục kéo dài thời gian áp dụng cho đến ngày 31/12/2024./.

Theo vietnamplus.vn

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/bo-cong-thuong-luu-y-doanh-nghiep-truoc-nhung-chinh-sach-tien-te-moi-cua-ai-cap-post933787.vnp

Chia sẻ bài viết