Tiếng Việt | English

03/04/2024 - 07:01

Bỏ phố về quê - có phải trào lưu?

Câu chuyện người trẻ bỏ phố về quê không phải mới nhưng nếu như thời gian trước, nhiều người về quê để được sống gần gia đình sau đó tìm một công việc phù hợp thì nay, người trẻ đã có sự chuẩn bị, trở về để khởi nghiệp và làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Còn nhớ, thời điểm sau đại dịch Covid-19, nhiều người trẻ đổ xô về quê với những viễn cảnh về một cuộc sống yên bình, không áp lực, hòa mình với thiên nhiên nhưng chỉ được một thời gian lại “khăn gói” trở lại phố.

Hơn ai hết những người trong cuộc hiểu rằng cuộc sống ở quê không như tưởng tượng nếu không xây dựng kế hoạch làm việc và phát triển.

Mỗi người cần phải lao động, tạo ra thu nhập mà trước hết là phải lo được cho chính bản thân mình, thế nên nếu về quê mà không tạo dựng được công việc để lo cho cuộc sống thì lại trở thành gánh nặng cho gia đình.

Trước đại dịch, nhiều bạn trẻ cũng chọn bỏ phố đến Đà Lạt thuê nhà mở homestay, quán cà phê. Cuộc sống như trong mơ được dệt nên khi tránh xa ồn ào, khói bụi nơi phố thị, không còn những ngày tất bật chạy theo guồng máy công việc mà thay vào đó là chuỗi ngày thảnh thơi làm vườn, sáng uống trà, chiều đọc sách, tận hưởng bình yên,…

Nhưng cuộc sống không như tưởng tượng bởi tiền thuê nhà và các chi phí khác, nhất là khi doanh thu không bù được chi phí. Thế là thay vì áp lực công việc thì giờ đây họ lại bị áp lực cuộc sống với hàng trăm thứ chi phí. Rồi lại là một cuộc “tháo chạy” khỏi nơi mình từng cho là bình yên với khoản nợ đầu tư vào homestay, quán cà phê.

Trên mạng xã hội, các bạn trẻ vẫn thường dựng video clip, chia sẻ những nội dung về cuộc sống thảnh thơi ở quê nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề, điều còn lại là chúng ta đã chuẩn bị gì cho cuộc sống khi “về vườn”?

Sau những tháng ngày bôn ba nơi phố thị, có lẽ ai cũng muốn quay về cuộc sống bình yên ở quê nhưng nếu về quê theo trào lưu, về để có cuộc sống yên bình thì không ít người “vỡ mộng”.

Ở quê có rất nhiều những “điểm trừ” cũng như khó khăn bởi ít cơ hội việc làm hơn ở thành thị và có nhiều người quay ngược trở lại thành phố vì không thể tìm việc phù hợp ở quê.

Không ít bạn trẻ chọn cách về quê khởi nghiệp, biến cái khó thành cái thuận lợi, tận dụng điều kiện tự nhiên, lợi thế vùng miền để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Việc khởi nghiệp đó cần có kế hoạch, sự tính toán kỹ lưỡng chứ không phải theo trào lưu. Và chính người trong cuộc phải có đủ ý chí, kiên trì để vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu.

Đã có nhiều bạn trẻ thành công khi chọn bỏ phố về quê, mang những kiến thức đã được học về áp dụng vào thực tế tại địa phương, xây dựng nên những thương hiệu nông sản đạt chuẩn OCOP, từng bước cùng địa phương đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, thậm chí vươn ra thị trường quốc tế.

Vài năm trở lại đây, về quê lập nghiệp đã trở thành xu hướng, lối sống của một bộ phận người trẻ. Đó không còn là trào lưu mà đang trở thành một dòng dịch chuyển việc làm, lao động; là cơ hội nhưng cũng sẽ là thử thách cần sự kiên trì, bản lĩnh vượt qua khó khăn.

Đây không phải là sự lựa chọn ngắn hạn, thích thì làm, không thích thì bỏ mà là câu chuyện của ý chí lập nghiệp, có sinh kế bền vững, áp dụng kiến thức, kinh nghiệm để xây dựng sự nghiệp.

Với sự đồng hành của địa phương và sự phát triển của công nghệ thông tin cùng những kiến thức đã học, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc, tin rằng thành công sẽ đến với những bạn trẻ nghiêm túc với quyết định về quê khởi nghiệp. Điều cần có là được sự định hướng của địa phương, chuyên gia cố vấn về lĩnh vực định khởi nghiệp và nhất là phải hiểu rõ lợi thế của địa phương, nắm bắt được nhu cầu của thị trường./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết