Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Hai mặt hành xuất khẩu lớn của Việt Nam là tôm và cá tra đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các nước khác có thể bị “tổn thương.”
Chuẩn bị kịch bản cho tôm, cá tra
Đây là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu lên tại buổi họp Chính phủ tổ chức chiều 03/7.
Tổng kết lại 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, tổng giá trị xuất khẩu nửa đầu năm toàn ngành đạt hơn 17 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016. GDP toàn ngành theo tính toán tăng 2,65%. Mức tăng trưởng này theo Bộ trưởng là tích cực trong hoàn cảnh hiện tại. Ông khẳng định, nếu không có điều kiện bất lợi thì ngành nông nghiệp có thể hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.
Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, vấn đề thị trường của ngành nông nghiệp đang nảy sinh những thách thức mới. Đặc biệt, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra vào Mỹ đang gặp phải những “vấn đề khắc nghiệt.”
Trước đó, phía Mỹ đã quyết định, từ ngày 1/9, cá tra nhập khẩu vào Mỹ sẽ tuân theo các quy định như các sản phẩm cá da trơn sản xuất tại Mỹ, và sẽ chịu sự giám sát nghiêm ngặt của Bộ nông nghiệp nước này.
Với quy định mới này, người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam cho rằng “cần phải chuẩn bị kịch bản” bởi những quy định mới này có thể tổn thương tới mặt hàng tôm trong trong tương lai.
“Ngành đang cùng các hiệp hội chuẩn bị cho vấn đề này,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Nói thêm về câu chuyện này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, riêng với mặt hàng tôm, Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ thị trường khác như Ấn Độ về cả giá cả và chất lượng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, vấn đề là phải quyết liệt tái cơ cấu các ngành chế biến sản xuất, chăn nuôi và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ông đặc biệt lưu ý việc mở cửa thị trường.
Ông lấy ví dụ về thị trường Nga. Hiện tại mới có 25 doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Mặc dù còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường này nhưng phía Nga không đồng ý.
“Họ phản ứng với ta vì ta không mở cửa thị trường,” Bộ trưởng nói.
Mưa lớn có thể kéo lùi sự phát triển?
Một lo lắng khác đặt ra với ngành nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm là sắp vào mùa mưa bão. Riêng với vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm nay, yếu tố hạn mặn không cực đoan như năm ngoái nhưng lại xuất hiện một số hình thái mới.
Bộ trưởng lấy ví dụ về tình trạng lệch Đông của gió mùa đông bắc và mưa phùn kéo dài trái vụ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Những yếu tố này đã ảnh hưởng tới các loại cây công nghiệp, đặc biệt là cây điều và càphê.
Đặc biệt, Bộ trưởng cảnh báo, mới đầu mùa nhưng có nơi lượng mưa đã lên tới 1.000 mm. Mực nước các hồ tại Việt Nam, nhất là khu vực miền Trung theo Bộ trưởng cũng đã “khá đầy.”
Từ đó, Bộ trưởng cũng dự báo tình hình thiên tai thời gian tới “không đơn giản.” Thậm chí, theo ông, mưa lớn có thể là thiên tai kéo lùi sự phát triển của ngành.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định, giải pháp ứng phó với thiên tai sẽ là nội dung quan trọng của ngành trong 6 tháng sắp tới, nhất là công tác tổ chức sản xuất theo hướng lường trước nguy cơ.
“Năm nay dự báo mưa về sớm và lũ cao hơn hai năm vừa rồi nên cần rà soát lại toàn bộ cơ cấu, nơi nào có đê bao, hệ thống tốt thì mới tập trung sản xuất,” Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị cần rà soát lại các hồ khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên trước mùa mưa bão bởi đây là những khu vực dễ bị tổn thương./.
Theo TTXVN