Tiếng Việt | English

16/03/2016 - 08:45

Bộ Xây dựng kiến nghị giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng

Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục thực hiện giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Xây dựng, việc Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ kể từ ngày 01/6/2016 và khách hàng đã ký hợp đồng vay vốn mà sau thời điểm này chưa được giải ngân thì lãi suất cho vay sẽ được tính theo lãi suất thỏa thuận đã tạo ra nhiều ý kiến lo ngại, băn khoăn trong dư luận và người được vay vốn.

Nếu tiếp tục giải ngân, cuối năm 2016 sẽ hết 30.000 tỷ đồng

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, NHNN dừng giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kể từ ngày 01/6/2016 và khách hàng đã ký hợp đồng vay vốn mà sau thời điểm này chưa được giải ngân hoặc chưa giải ngân hết thì lãi suất cho vay của phần vốn chưa giải ngân sẽ tính theo lãi suất thỏa thuận là đã nằm trong tính toán từ trước của Ngân hàng Nhà nước và phù hợp với quy định của pháp luật về tín dụng hiện hành.

Dự kiến dừng giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng từ 1/6/2016 đang tạo dư luận đa chiều (Ảnh minh họa: KT)

Thực tế sau 3 năm triển khai thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, đến nay tổng số tiền đã ký hợp đồng cam kết cho vay đạt trên 29.500 tỷ đồng (trên 98%), đã giải ngân trên 20.300 tỷ đồng (gần 70%). Với tiến độ giải ngân như các tháng gần đây, dự kiến đến 01/6/2016 sẽ giải ngân được khoảng 85% và cuối năm 2016 sẽ giải ngân hết gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Ông Hà cho rằng, kết quả thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã tạo ra những hiệu ứng tích cực đối với thị trường bất động sản; lượng giao dịch hàng hóa ngày càng tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình, giá thấp; cơ cấu sản phẩm nhà ở đã từng bước được điều chỉnh theo hướng phù hợp với khả năng thanh toán của khách hàng.

Đặc biệt, đã hỗ trợ cho khoảng gần 50.000 hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở có điều kiện cải thiện nhà ở, góp phần thực hiện định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.

Mặt khác, “số lượng vốn trong gói 30.000 tỷ đồng dự kiến giải ngân sau ngày 01/6/2016 cũng không nhiều, đồng thời các Bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương thực hiện việc triển khai khoản hỗ trợ tín dụng thường xuyên cho phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội”- ông Hà lưu ý.

Đề nghị kéo dài thời hạn giải ngân sau 1/6/2016

Từ các phân tích trên và để bảo đảm sự nhất quán và ổn định đối với chính sách hỗ trợ nhà ở, Thứ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết theo hướng sau ngày 01/6/2016 mà chưa giải ngân hết gói hỗ trợ này thì kéo dài thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Trường hợp không thể kéo dài thời hạn giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng thì Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn giải quyết theo hướng sau thời hạn 01/6/2016 thì các khách hàng vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, đã được cam kết cho vay vốn ưu đãi mà chưa giải ngân hết thì được tiếp tục vay vốn ưu đãi theo quy định tại Thông tư số 25/2015/TT-NHNN từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất.

Bộ Xây dựng cam kết phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành có liên quan sớm triển khai khoản tín dụng ưu đãi thường xuyên để hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Trước đó, ngày 07/01/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó, giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để cho vay đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và một số đối tượng có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở.

Theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước thì việc giải ngân gói tín dụng này sẽ kết thúc khi giải ngân hết số tiền tái cấp vốn, nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (chậm nhất đến ngày 01/6/2016 sẽ kết thúc).

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước ngày 13/11/2015 gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, phần dư nợ vay của khách hàng được giải ngân từ ngày 01/6/2016 trở về trước sẽ được hưởng lãi suất vay ưu đãi của Chương trình, phần dư nợ được giải ngân sau ngày 01/6/2016 sẽ áp dụng lãi suất vay thông thường theo thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng đã ký của khách hàng và ngân hàng cho vay”./.

Xuân Thân/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích