Hôm nay (22/3), Bộ GTVT phát đi thông tin báo chí cho biết, ngày 14/3/2019, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang đã thống nhất tổ chức thu tiền dịch vụ tại trạm Cai Lậy dự kiến từ ngày 25/3/2019. Đồng thời, các bên đã thống nhất mở rộng phạm vi miễn, giảm giá từ bán kính 5km lến 10km (tương ứng từ 8 lên 31 xã, phường). Tuy nhiên, đến nay, công tác rà soát, thống kê các phương tiện miễn, giảm được mở rộng nói trên chưa hoàn thành, do vậy thời gian dự kiến thu tiền dịch vụ trở lại ngày 25/3/2019 chưa thể thực hiện được.
Trạm BOT Cai Lậy sẽ chưa thu phí trở lại từ ngày 25/3/2019
“Hiện Bộ GTVT đang tích cực khẩn trương phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan rà soát để thống nhất các phương tiện miễn giảm nhằm sớm tổ chức việc thu tiền dịch vụ trở lại hoàn vốn cho dự án và sẽ thông báo chính thức đến các phương tiện thông tin đại chúng”, Bộ GTVT thông tin.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng QL1 qua TX.Cai Lậy dài 38,5km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.398 tỷ đồng, gồm hai hợp phần: Hợp phần 1 - Cải tạo, tăng cường mặt đường QL1 dài 26,4km, sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến; Hợp phần 2 - Xây dựng tuyến tránh TX Cai Lậy dài 12,1km và xây dựng 7 cầu trên tuyến. Vị trí trạm thu phí dịch vụ để hoàn vốn đặt tại khoảng Km 1999+900, QL1 nằm trong phạm vi dự án.
Dự án được triển khai xây dựng từ năm 2014, sau khi dự án hoàn thành, nhà đầu tư đã tổ chức thu phí để hoàn vốn từ ngày 1/8/2017. Tuy nhiên, do có những diễn biến phức tạp, mất ANTT, ATGT, đến ngày 14/8/2017, dự án đã tạm dừng thu phí. Sau đó, Bộ GTVT đã làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Tiền Giang và thống nhất phương án xử lý miễn giảm giá vé (giảm 30% cho toàn bộ phương tiện và miễn 50-100% cho 4 xã lân cận), tuyên truyền cho nhân dân và xây dựng kế hoạch tổ chức thu giá dịch vụ trở lại.
Đến ngày 30/11/2017, trạm thu phí Cai Lậy hoạt động trở lại, nhưng tình hình tiếp tục diễn biến rất phức tạp, mất ANTT. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 4/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng thu phí để nghiên cứu phương án xử lý.
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tiến hành khảo sát lưu lượng giao thông thực tế trên tuyến trong 4 ngày liên tục (24/24h) tại 3 địa điểm trên tuyến tránh và QL1. Kết quả, lưu lượng phương tiện trung bình qua dự án khoảng 26.214 lượt/ngày đêm, gồm 16.779 lượt/ngày đêm trên tuyến QL1 và 9.435 lượt/ngày đêm trên tuyến tránh. Đồng thời, Bộ GTVT đã rà soát, tính toán lại toàn bộ chi phí đầu tư dự án, đàm phán sơ bộ với nhà đầu tư và lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ 5 phương án xử lý đối với dự án BOT Cai Lậy.
Đến ngày 23/4/2018, tại cuộc họp thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết luận: “Thường trực Chính phủ nhất trí với báo cáo của Bộ GTVT. Giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan: Công an, KH&ĐT, Tài chính, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư quyết định phương án tối ưu”.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã nghiên cứu và chuẩn bị đầy đủ tài liệu, phân tích ưu, nhược điểm các phương án để làm việc với địa phương và các bộ, ngành liên quan. Các phương án đưa ra thảo luận, xin ý kiến là phương án ưu tiên 1 (giữ nguyên trạm thu phí Cai Lậy, thực hiện giảm giá cho các phương tiện và mở rộng phạm vi giảm giá cho nhân dân khu vực lân cận trạm) và phương án ưu tiên 2 (xây dựng thêm một trạm trên tuyến tránh, thu trên cả 2 trạm, phương tiện đi trên tuyến nào, doanh thu sẽ hoàn vốn cho tuyến đó, mở rộng tối đa phạm vi miễn giảm giá vé cho người dân khu vực lân cận trạm thu phí).
Tiếp đó, ngày 1/6/2018, Bộ GTVT đã họp và báo cáo đánh giá ưu, nhược điểm các phương án với Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH và các sở, ban, ngành, huyện, thị xã có liên quan của tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, ngày 27/8/2018, Bộ GTVT đã làm việc với các Bộ: Công an, KH&ĐT, Tài chính, TT&TT, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư.
Đại diện các bộ đều có ý kiến phương án 1 là lựa chọn hợp lý, có nhiều ưu điểm hơn. Đến ngày 8/11/2018, Thường trực Chính phủ tổ chức họp xử lý vướng mắc các dự án BOT giao thông. Tại cuộc họp, ý kiến của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đều cho rằng, phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn và cần thiết sớm triển khai thu phí trở lại tại trạm Cai Lậy để không ảnh hưởng lan truyền đến các dự án tương tự có đầu tư tuyến tránh. Sau đó, ngày 20/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản và có ý kiến chỉ đạo Bộ GTVT triển khai theo phương án giữ nguyên trạm Cai Lậy như hiện nay và thực hiện miễn giảm giá vé cho các phương tiện.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhà đầu tư sẽ triển khai thu phí dự án BOT Cai Lậy theo phương án 1. Trong đó, mức giá tại dự án sẽ được giảm tối đa cho tất cả phương tiện qua trạm (xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, tương ứng giảm 57%...) và mở rộng phạm vi miễn giảm giá vé vùng lân cận lên đến khoảng 10km. Trạm thu phí sẽ được giữ nguyên ở vị trí hiện tại và tổ chức thu tiền dịch vụ với công nghệ thu tự động không dừng và một dừng, đồng thời tiến hành phân luồng giao thông, các phương tiện xe tải, xe khách không đi vào trung tâm TX Cai Lậy..../.
Phi Long/VOV.VN