Tiếng Việt | English

14/03/2017 - 09:30

Bước đầu đi tìm Cây di sản Quốc gia: Cây me làng Ba Cụm trải qua 3 thế kỷ

Cây me làng Ba Cụm, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An được chính quyền địa phương đề nghị Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xem xét, cấp bằng công nhận Cây di sản Việt Nam.

Một góc khu di tích Cây Me (có Bia căm thù và Bia tưởng niệm)

Cây me cổ thụ ai trồng?/ Trải bao chinh chiến bão giông vẫn còn/ Hiên ngang vươn ngọn xanh rờn/ Biểu trưng tiên tổ giữ hồn nước non/ Dân làng bao lớp cháu con/ Mấy mùa kháng chiến sắt son một lòng/ Nhìn cây cảm xúc trào dâng/ Thân đầy thương tích vẫn tròn bóng râm/ Gốc già cỗi nảy xanh mầm/ “Nụ cười chiến thắng” đẹp lòng quê hương”.

Tháng 6/1976, một trong những người con của quê hương Ba Cụm (ấp 6, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) giã từ chinh chiến trở về xây dựng quê hương. Đó là ông Ba Phong (đồng chí Phạm Thanh Phong - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An) về thăm lại quê nhà sau bao năm chinh chiến. Chưa kịp về đến nhà, ông đã tạt vào miễu Cây Me để thăm lại cây me cất giấu bao kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu của ông. Như bao người con của đất làng Ba Cụm, vừa lớn lên đã thấy cây me đầu làng từ bao đời vẫn thế, không còn sức lớn mà chỉ già cỗi thêm.

Hỏi ông nội hay ông cố đều nói, hồi nhỏ ông đã thấy cây me cỡ đó; lớn lên, mấy chục năm sau cũng thấy cây me chỉ có vậy thôi. Xưa, họ Phạm từ tỉnh Quảng Ngãi di cư vào đất Ba Cụm khẩn hoang sớm nhất khi nơi này còn là rừng rậm hoang vu, đầy thú dữ và chướng khí. Năm 1997, họ Phạm cho ra đời nhà thờ họ và ra mắt Chi hội Khuyến học họ Phạm. Trước nhà thờ họ có cặp liễn đối: “Lớp trước mở mang, đức sáng lưu truyền vĩnh viễn/ Đời sau tiếp nối, phước cao thừa kế huy hoàng”. Đồng thời dựng bia liệt sĩ, ghi tên những người họ Phạm ở đây hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến vừa qua. 2 bên bia có 2 câu thơ: Ngoan cường muôn thuở giống Lạc Hồng/ Anh dũng ngàn thu rạng núi sông” cho thấy, họ Phạm ở đây có bề dày truyền thống cách mạng.

Ông Phạm Hồng Phước - thành viên của họ Phạm, Bí thư Chi bộ ấp 6 cho biết, mới đây, có đoàn khảo sát của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đến ấp 6 nghiên cứu các bia mộ cổ (chữ Hán) và cho biết, họ Phạm đến đây từ đầu thế kỷ XVIII. Họ cũng nói cây me làng Ba Cụm trên dưới 300 tuổi.

Trong tập hồi ký Từ Ba Cụm ra đi và ước hẹn (hoàn thành năm 2015) của ông Phạm Thanh Phong có viết: “Dân quê tôi tự hào coi cây me như là biểu tượng sinh tồn của cư dân từ ngày đầu đặt chân đến mở đất, sinh con đẻ cháu, lập làng, lập ấp”. Tập hồi ký của ông cũng ghi: “Ngày 24/7/1964, máy bay Mỹ bất ngờ lao tới xả súng xuống khu vực cây me làm chết 32 người dân, trong đó có 24 trẻ em chăn trâu từ 13-15 tuổi, đang ngồi dưới bóng mát cây me và hơn 100 con trâu ngã chết la liệt”.

Hiện nay, kế cây me có dựng Bia căm thù về vụ thảm sát này; cạnh đó có Bia tưởng niệm, ghi lại vụ giặc Pháp mở đợt càn quét, lùng sục tại đây ngày 14/5/1948, bắt 2 ông Lâm Văn Hội và Nguyễn Văn Tám mang về quận Gò Vấp (nay thuộc TP.HCM) tra tấn. Đến ngày 24/5/1948, chúng tiếp tục càn quét, lùng sục, bắt thêm 4 ông: Lâm Văn Lắm, Nguyễn Văn Sáu, Phan Văn Hớn và Mười Hĩ, đưa về quận Gò Vấp khảo tra, rồi xử bắn tất cả 6 ông. Đây là 6 nông dân yêu nước của làng tham gia kháng chiến từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám - 1945.

Ngày 10/3/2017, chúng tôi đến di tích cây me để đo và khảo tả. Cây me mà các cụ cao niên đều nói tưởng đâu “ổng” chết vì bom đạn thời chống Mỹ vì có ngày hàng trăm trái bom, trái đạn đại bác trút xuống đây. Cây me bị bom phạt đứt ngọn, cành lá trơ trụi, thân đầy mảnh bom, mảnh đạn. Vậy mà, sau ngày hòa bình lập lại chỉ vài năm, “cụ” me hồi sinh, cành lá sum sê.

Cán bộ kỹ thuật đang đo các tiêu chí của cây me

 Hàng năm, cứ đến mùa là me ra hoa, kết trái từng chùm. Trẻ con thường đến bẻ cành hái trái, người lớn phải giả làm ma núp sau lùm dừa nước dưới rạch Rít kế bên để hù dọa. Từ đó, bọn trẻ sợ ma, mỗi lần thèm ăn me chín đều “xin ông Me cho con vài trái”, tức thì tiếng “ma” vọng lại: “Ừ, hái đi. Đừng làm gãy nhánh!”.

Dưới gốc me có đặt lư nhang và tượng Thổ Địa để thờ, làm tăng vẻ linh thiêng,... Trong hồi ký của ông Phạm Thanh Phong có viết: “Dân làng chăm sóc cây me như báu vật của tổ tiên”; và “miếu Ngũ hành, theo thông lệ, cứ vài năm người dân trong ấp chung đậu cúng lớn, có múa bóng rỗi và hát địa nàng mấy ngày liền”. Miếu Ngũ hành còn gọi miếu Cây Me, cạnh có miếu Cọp. Người xưa dựng miếu Cọp, hàng năm cúng xin “Ông ba mươi” đừng gieo rắc cái chết cho dân làng!

Qua đo đạc, cho thấy cây me chỉ cao 10m, chu vi gốc (cách mặt đất 1,3m) là 2,6m và đường kính tán lá 9,2m. Xem ra, các tiêu chí này quá khiêm tốn. Tuy nhiên, như trên đây cho thấy, do cây sớm bị ảnh hưởng bom đạn chiến tranh (cắt đứt ngọn và cành, nhánh, khoét vào thân từng lỗ; ruột me bị mối mọt đục rỗng (trẻ con có thể chui vào được). Về tuổi đời của cây thì vượt cao hơn mức quy định. Hy vọng, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và môi trường Việt Nam xem xét, cấp bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho cây me làng Ba Cụm./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết