Tiếng Việt | English

18/11/2020 - 10:00

Buồn vui chuyện nghề “shipper”

Mua sắm trực tuyến phát triển kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng. Từ đó, nghề vận chuyển hàng hóa ra đời để đáp ứng nhu cầu tất yếu của người tiêu dùng hiện đại.

Phát triển theo xu hướng mới

Khi thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến “lên ngôi” thì nhiều doanh nghiệp vận chuyển ra đời, nghề shipper cũng từ đó “nở rộ”. Hiện nay, nhiều công ty giao hàng chuyên nghiệp ra đời để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm, J&T Express, Viettel Post, Best Express, Vietnam Post,... Tại các thành phố lớn còn có hình thức đặt đồ ăn trực tuyến qua các ứng dụng như Now, Grabfood, Lozi, Go-Food, Foody,...

Người giao hàng (thường được gọi là “shipper”) có thể làm việc bán thời gian, chuyên nghiệp hoặc tự do. Bất cứ ai cũng có thể trở thành shipper, chỉ cần có xe máy và điện thoại di động, công việc này cũng không yêu cầu trình độ cao, chẳng cần vốn liếng, chủ yếu là sự nhanh nhạy, thạo đường sá, trung thực và chịu khó. Nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng những ai theo đuổi nghề này phải kiên trì bởi rất dễ nản lòng nếu không chịu được vất vả.

Anh Nguyễn Phước Lộc luôn cố gắng giao hàng đúng giờ cho khách hàng

Anh Nguyễn Phước Lộc (SN 1998, ngụ phường 1, TP.Tân An), hiện đang làm shipper của Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm. Anh làm công việc này hơn 1 năm, phụ trách địa bàn phường 3, TP.Tân An. Mỗi ngày, anh phải hoàn thành trên 80% đơn hàng để đạt chỉ tiêu. Theo anh, trong một chuyến đi, shipper phải biết cách sắp xếp những điểm giao hàng sao cho hợp lý, chọn những đơn hàng trên cùng tuyến đường, hướng đi để tiết kiệm xăng lẫn thời gian.

Công việc tương tự anh Lộc nhưng anh Cố Trường Giang (SN 2001, ngụ phường 2, TP.Tân An) làm việc cho Công ty Best Express (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa). Tốt nghiệp Trung cấp chuyên ngành Cơ khí, anh làm đúng ngành một thời gian thì chuyển hướng sang làm shipper vì thu nhập cao hơn. Anh phụ trách địa bàn phường 4 và phường Tân Khánh (TP.Tân An). Mỗi ngày, anh được giao khoảng 100 đơn và phải đạt khoảng 85% chỉ tiêu. Được biết, anh trai của Giang hiện cũng là shipper cùng công ty.

“Một ngày làm việc của chúng tôi bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều, mỗi tuần được nghỉ 1 ngày bất kỳ. Với mỗi đơn hàng hoàn tất, shipper sẽ nhận được một khoản tiền từ phí vận chuyển. Cuối tháng, trừ tiền xăng xe, điện thoại, tôi nhận trung bình hơn 7 triệu đồng, tháng ít thì tầm 5 triệu đồng. Đặc biệt, nếu hoàn thành tốt hơn thì công ty thưởng thêm, tạo động lực để cố gắng. Với công việc này, chúng tôi có thu nhập ổn định trang trải cuộc sống” - anh Giang bộc bạch.

Nghề lắm nhọc nhằn

Nghề shipper cũng lắm nhọc nhằn mà những ai đã trải qua mới thấu hiểu, chưa kể những rủi ro khi suốt ngày phơi nắng, đội mưa ngoài đường. “Ngày nắng ráo thì công việc thuận lợi, gặp phải những ngày mưa bão mà hàng nhiều, để giao đúng hẹn thì chúng tôi cũng rất áp lực, chưa kể phải bảo quản hàng hóa không bị thấm ướt, hư hại, bảo đảm đến tay khách hàng được nguyên vẹn, nếu không thì phải chấp nhận đền tiền” - anh Lộc chia sẻ.

Đôi khi, shipper cũng bị cho “leo cây”, nhất là giao thức ăn, nhiều trường hợp giá trị đơn hàng quá cao, shipper phải “ôm trọn” vì không thể trả lại nơi bán, ngày làm việc ấy xem như lỗ vốn. Em Nguyễn Hoài Anh (ngụ phường 7, TP.Tân An, hiện là sinh viên năm 3 tại TP.HCM) bộc bạch: “Ngoài giờ học, em làm thêm bằng việc giao thức ăn qua ứng dụng trực tuyến. Công việc tuy không vất vả nhưng nguy cơ bị “bom” hàng (khách không nhận hàng) dễ xảy ra. Do đó, em mong người mua hàng biết đồng cảm với những người giao hàng vì số tiền chúng em kiếm được vô cùng vất vả”.

Anh Nguyễn Đức Tài giao hàng cho khách tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành

Gặp anh Nguyễn Đức Tài (SN 1991, ngụ phường 5, TP.Tân An, nhân viên của Viettel Post) khi đang tất bật giao hàng tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành. Cuộc trò chuyện tuy vội vàng nhưng anh rất cởi mở, sẵn lòng chia sẻ. Anh nói: “Mỗi tháng, thu nhập trung bình xấp xỉ 5 triệu đồng, tháng nào có nhiều đơn hàng thì được gần 8 triệu đồng. Số tiền tuy đủ trang trải cuộc sống nhưng công việc này khá vất vả lại tiềm ẩn hiểm nguy vì suốt ngày phải chạy ngoài đường. Chưa kể, shipper cũng như “làm dâu trăm họ” vì ngoài những khách dễ chịu thì cũng có nhiều người hối thúc, có khi còn “khó dễ”, đòi kiểm hàng, thử hàng, trong khi chủ shop không cho phép, điều này khiến shipper rất khó xử, phải biết cách thuyết phục, trao đổi thật khéo léo để khách hàng hiểu và cảm thông”.

Tuy cực là thế nhưng trên thực tế, nhiều khách hàng vẫn chưa thực sự coi trọng nghề shipper, có người yêu cầu shipper đi lại nhiều lần, thậm chí cho sai địa chỉ, quấy phá và tình huống xấu nhất là “bom” hàng. Ngược lại, cũng có những người giả mạo shipper, lấy cắp thông tin khách hàng và lừa đảo, giao hàng giả hoặc vô giá trị để lấy tiền. Do đó, bất kỳ nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp. Và hơn hết, hãy đặt vị trí của mình vào người khác để cảm thông, chia sẻ vì nghề nào cũng đáng quý, đáng trân trọng. Mỗi người hãy là người mua hàng văn minh, có “tâm”, biết nói tiếng “cảm ơn” khi nhận hàng để chia sẻ với những người đã vất vả đường xa, trao tận tay món hàng đến cho mình./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết