Tiếp nối truyền thống gia đình
Chuyện về gia đình anh chị là những chuỗi ngày vượt qua khó khăn, động viên nhau, giữ vững chất lính. Thượng tá Lê Văn Riêng kể, anh sinh ra, lớn lên ở vùng đất Đức Hòa giàu truyền thống cách mạng. Mặc dù cha mẹ anh là nông dân nhưng có công nuôi giấu cán bộ cách mạng, anh hai của anh đi bộ đội và là liệt sĩ. Từ nhỏ, anh cũng yêu màu xanh áo lính nên sau này tham gia quân ngũ và trở thành người Bộ đội Cụ Hồ.
Phát huy truyền thống gia đình, anh Lê Văn Riêng và chị Nguyễn Thị Hoàng luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ
Còn chị Nguyễn Thị Hoàng có cha là sĩ quan quân đội và là thương binh. Bà cố của chị là Mẹ Việt Nam Anh hùng, bà nội là người có với công cách mạng. Thế hệ tiếp nối của đôi vợ chồng là con trai đầu lòng, Trung úy Lê Hoàng Trọng Hiếu - Đại đội trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 1, Trung đoàn Bộ binh 738, Bộ CHQS tỉnh. Từ nhỏ, Trọng Hiếu được nghe kể về truyền thống gia đình và nuôi dưỡng ước mơ trở thành quân nhân. “Lúc tôi còn công tác ở Tiểu đoàn Bộ binh 1, mỗi lần con trai lớn nghỉ hè, nếu có dịp, tôi sẽ cho con lên đây để có thể cảm nhận, rèn luyện,... Chính môi trường quân ngũ đã giúp con trưởng thành và trở thành người lính như hiện nay. Con trai út đang học lớp 10, vợ chồng tôi cũng định hướng và mong muốn con sẽ nối nghiệp nhà binh nhưng không áp đặt bởi con đường binh nghiệp cần phải có đam mê. Hiện nay, tính luôn 2 cháu ruột của tôi thì gia đình có đến 5 bộ đội” - Thượng tá Lê Văn Riêng nói.
Hậu phương vững chắc
Làm vợ của lính đã thấy khó khăn, huống hồ cả 2 vợ chồng đều là lính. Hẳn mái ấm ấy phải cần lắm sự cố gắng và hy sinh. Trả lời cho câu hỏi “Vào những ngày lễ, tết có khi nào chị cảm thấy chạnh lòng?”, Đại úy Nguyễn Thị Hoàng bộc bạch: “Có chứ, nhưng chỉ thoáng qua thôi! Vì hơn ai hết, mình thấy anh Riêng mới thiệt thòi hơn cả”. Sự thiệt thòi mà chị nhắc đến chính là điều kiện sống, sinh hoạt của chồng khi những lần đóng quân ở địa bàn xa xôi. Một thiệt thòi nữa là anh không được ở bên cạnh để chứng kiến, cảm nhận những giây phút con chào đời cũng như quá trình con trưởng thành, không có nhiều thời gian để lắng nghe, chia sẻ những tâm tư, tình cảm của con,... Chính vì hiểu rõ công việc, hiểu cả những thiệt thòi hàng ngày anh Riêng phải chịu nên chưa một lần chị hờn giận, trách móc. Thay vào đó, chị luôn sắp xếp việc nhà, việc cơ quan một cách khoa học và hợp lý, chăm lo, nuôi dạy 2 con trai nên người để anh yên tâm công tác. Chị Hoàng chia sẻ: “Khó khăn nhiều nhưng có một gia đình quân nhân là điều khiến mình luôn tự hào. Nếu được chọn lựa lần nữa, mình vẫn yêu nghề lính và chọn một người lính làm chồng”.
Còn Thượng tá Lê Văn Riêng cho rằng, nhờ có hậu phương vững chắc từ gia đình, sự sẻ chia, động viên của vợ, con là động lực để anh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Cùng nhau vượt khó
Nên duyên nhờ quân đội, anh Riêng và chị Hoàng cho rằng cuộc sống hôn nhân là một hành trình dài luôn nỗ lực, chấp nhận, vì đối phương mà yêu thương, san sẻ và cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Chị Hoàng trải lòng, lấy nhau trên 25 năm nhưng thời gian vợ chồng gần nhau tính ra khoảng chỉ vài năm. Là lính, anh Riêng được điều động, luân chuyển khắp các đơn vị trong tỉnh, ít khi được gần gia đình, trong đó có 10 năm anh công tác tại Tiểu đoàn Bộ binh 1, huyện Thạnh Hóa. Thời gian đó, mỗi tháng anh về nhà có 1 lần. Nhiều khi vợ bệnh, con đau hoặc người thân phải nằm viện, anh cũng chỉ tranh thủ nghỉ được vài ngày hoặc có những lúc do yêu cầu nhiệm vụ, anh chỉ có thể hỏi thăm qua điện thoại,... Hai năm nay, anh Riêng chuyển về Ban CHQS huyện Bến Lức công tác, được gần vợ, con hơn cũng là lúc chị Hoàng bị bệnh.
Gia đình nhỏ của Thượng tá Lê Văn Riêng và Đại úy Nguyễn Thị Hoàng
Anh Riêng nhớ lại, năm 2019, lúc ấy anh là Trưởng ban Quân lực, Bộ CHQS tỉnh, được đơn vị cử đi học tại TP.Đà Lạt thì chị Hoàng không may bị tai biến. “Lúc ấy, tôi khá sốc, bỏ hết tất cả để ở bên cạnh nhưng vợ tôi không đồng ý, hết lời khuyên nhủ... Thế là tôi chỉ ở bên chăm vợ vỏn vẹn được 10 ngày, sau đó đi học hơn 3 tháng” - anh Riêng kể. Lúc anh đi học, sức khỏe chị Hoàng yếu, nằm liệt giường nhưng chị kiên trì châm cứu kết hợp uống thuốc, nghỉ ngơi điều độ, sau 6 tháng, cơ thể của chị dần bình phục. Nhớ lại thời điểm đó, chị Hoàng tủi thân phát khóc vì xa chồng, một mình phải xoay xở việc gia đình, chăm sóc các con nhưng chị vẫn không kể với con trai lớn để con yên tâm. Đó cũng là cách chị vượt qua biến cố. Chị tự dặn lòng phải luôn mạnh mẽ để làm hậu phương vững chắc cho chồng. Không chỉ vậy, ngày anh đi, chị động viên anh rằng, gia đình anh chị chọn con đường binh nghiệp. Ba thế hệ trong quân ngũ, được phục vụ Tổ quốc, gia đình luôn cảm thấy tự hào nên dù gặp bất cứ chuyện gì cũng phải dặn lòng vượt qua. Chính những lời an ủi, động viên của chị đã giúp anh vơi đi mọi lo toan chuyện gia đình để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Chị Hoàng là “chị nuôi” chăm lo từng bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ ở Ban CHQS huyện Bến Lức nên một ngày của chị thường bắt đầu từ 3, 4 giờ sáng. Vừa lo việc cơ quan, vừa chăm sóc, đưa rước các con đến trường, nhiều năm qua, chị lẳng lặng đứng sau chồng để hỗ trợ anh và chưa từng than vãn. Chỉ đến khi chị bị tai biến lần thứ 2, chỉ cách đợt tai biến đầu khoảng 1 năm, lúc ấy, anh mới hiểu hết những khó nhọc của vợ.
Anh Riêng cho hay: “Lúc đó, may mắn là tôi ở bên cạnh nên đưa vợ đến bệnh viện kịp thời. Tôi vừa làm chuyên môn, vừa đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc gia đình mới thấy vợ tôi đã phải cố gắng như thế nào. Bây giờ, vợ tôi còn tập vật lý trị liệu. Sau giờ hành chính, nếu không có trực, tôi tranh thủ sắp xếp để hỗ trợ cho vợ. Đơn vị thấy sức khỏe của vợ tôi không tốt nên cũng tăng cường 1 đồng chí phụ trách công việc của vợ khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp”.
Anh Riêng tâm sự, để bản thân có thể yên tâm công tác, chu toàn công việc ở đơn vị, anh phải cảm ơn vợ của mình. Mấy chục năm qua, chị luôn đồng hành, gánh trọn “2 vai” cho dù sức khỏe không cho phép sau 2 lần bị tai biến. Vợ chồng anh cũng thấy ấm lòng khi được thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh cũng như lãnh đạo huyện Bến Lức, các đồng chí, đồng đội đã quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ gia đình khi vợ anh bị bệnh.
Phát huy truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, thế hệ hôm nay như gia đình Thượng tá Lê Văn Riêng và Đại úy Nguyễn Thị Hoàng nói riêng, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nói chung đang cùng nhau ra sức góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Thanh Nga