Tiếng Việt | English

27/04/2017 - 10:34

Các công trình trọng điểm còn nhiều vướng mắc

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra 2 chương trình đột phá cùng 3 công trình trọng điểm nhằm đưa Long An có những bước tiến vượt bậc, toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện nay, các công trình trọng điểm vẫn còn nhiều vướng mắc.

Mặc dù năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện nghị quyết nhưng trong số 3 công trình trọng điểm, đến nay chỉ có công trình Đường tỉnh 830 được khởi công xây dựng, còn 2 công trình đường Vành đai TP.Tân An và Trục đô thị kết nối TP.HCM – Long An – Tiền Giang mới chỉ dừng lại ở thống nhất phương án tuyến, công tác lập quy hoạch, phê duyệt gói thầu và làm các bước ban đầu trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.


Một số đoạn Đường tỉnh 830 thuộc huyện Bến Lức đang được đơn vị thi công bảo đảm tiến độ

Đường tỉnh 830 còn vướng giải phóng mặt bằng

Theo Sở Giao thông Vận tải, đến nay, trong số 3 công trình trọng điểm gồm Đường tỉnh 830 (Đức Hòa – Cảng Long An), đường Vành đai TP.Tân An và trục đô thị kết nối TP.HCM – Long An và Tiền Giang thì chỉ có công trình Đường tỉnh 830 được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, công trình vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là khi một số hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Theo đó, công trình Đường tỉnh 830 được chia làm 3 đoạn: Đoạn 1 từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa, đoạn 2 từ Bến Lức đến Quốc lộ 50 và đoạn 3 từ Quốc lộ 50 đến Cảng Long An. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, tại đoạn 1, đơn vị thi công liên danh Băng Dương – Bamboo Capital đang gấp rút triển khai các hạng mục thi công.

Toàn dự án đoạn 1 được chia thành 7 gói thầu xây lắp gồm 5 gói thầu thi công cầu và đường cùng 2 gói thầu xây dựng trạm thu phí và hệ thống chiếu sáng. Hiện cả 5 gói thầu xây lắp cầu và đường đều được đơn vị thi công tích cực thực hiện.

Tại gói thầu số 1, đoạn Km1+502,69 đến Km10+400 được triển khai 4 mũi thi công, đánh giá sơ bộ khối lượng thực hiện gồm nạo vét hữu cơ đạt 27%, đóng cọc cừ tràm đạt 77%, cát lấp đạt 27% và bảo đảm 100% hố ga đúc sẵn phục vụ gói thầu. Các gói thầu xây lắp số 2, 3, 4 tiến độ thực hiện cũng bảo đảm theo cam kết của đơn vị thi công với chủ đầu tư.

Đối với phần thi công 3 cầu gồm cầu An Hạ, cầu Xáng Lớn và cầu Xáng Nhỏ, đến nay cũng được các đơn vị thi công cọc thử mố, trụ, sàn giảm tải. Bên cạnh đó, các đoạn thi công trên toàn tuyến tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc cũng được phía đơn vị thi công tích cực thực hiện.

Bên cạnh những thuận lợi thì hiện nay, trên một số đoạn của toàn bộ công trình vẫn còn vướng về giải phóng mặt bằng, gây khó khăn không nhỏ cho đơn vị thi công cũng như ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Theo Sở Giao thông Vận tải, đến hết ngày 20/4/2017, trong việc thi công đoạn 1 từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa, UBND huyện Đức Hòa mới bàn giao mặt bằng thi công 7,2km phía bên phải tuyến và cầu An Hạ cho nhà đầu tư, còn lại chưa bàn giao mặt bằng 1,5km phía bên phải tuyến và 8,7km phía bên trái tuyến, cầu Cá Trong và cầu Cá Ngoài. Qua kê biên, xác minh, huyện Đức Hòa có 478 hộ có tài sản trên đất công, hiện có 222 hộ đồng ý tháo dỡ, di dời, bàn giao mặt bằng; còn lại 256 hộ yêu cầu bồi thường hỗ trợ.

Tại huyện Bến Lức, hiện vẫn còn 5,6km bên phải tuyến, 2,5km bên trái tuyến cùng cầu Rạch Mương, cầu Gia Miệng, cầu Nước Mục và mố B cầu Xáng Nhỏ chưa bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó là 38 trường hợp chưa kiểm kê được do dân ở xa đến xâm canh. Tương tự, tại huyện Cần Đước, ngày 28/02/2016, UBND huyện Cần Đước tiến hành bàn giao mặt bằng nhưng vẫn còn hơn 80 hộ chưa đồng ý phương án bồi thường.

Chủ tịch UBND huyện Cần Đước – Phạm Chí Tâm cho biết: “Việc giải phóng mặt bằng của công trình Đường tỉnh 830 qua địa bàn huyện cơ bản nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Sau khi kê biên bổ sung, lập phương án bồi thường, ngày 25-4-2017, UBND huyện cùng các ngành chuyên môn của huyện tổ chức họp với Sở Giao thông Vận tải tháo gỡ một số khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Chủ yếu một số hộ dân đề nghị kiểm tra về diện tích và kiến trúc để hỗ trợ phù hợp. Hiện, các ngành của huyện cũng đang tích cực rà soát lại các trường hợp còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để có phương án hỗ trợ tốt nhất. Song song đó, các ngành của huyện cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng để thực hiện công trình theo đúng tiến độ dự kiến”.


Một số đoạn Đường tỉnh 830 từ Bến Lức - Cần Đước dần hoàn thiện

"Mỗi công đoạn thi công đều phải có sự kiểm tra, giám sát của các bên liên quan trước khi thi công tiếp, bảo đảm chất lượng công trình."

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tảiNguyễn Văn Chỉnh

Đường vành đai TP.Tân An chưa có vốn thưc hiện

Nếu như công trình Đường tỉnh 830 còn vướng một số khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng thì đối với công trình đường Vành đai TP.Tân An chưa biết khi nào khởi công do còn thiếu nguồn vốn.

Theo Sở Giao thông Vận tải, trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh ký bản ghi nhớ với Tập đoàn Phúc Lộc về việc đầu tư dự án. Và giữa UBND tỉnh cùng liên danh Tập đoàn Phúc Lộc – Tổng Cty Xây dựng Công trình giao thông 8 thống nhất đối với dự án chia thành 4 đoạn, trong đó 1 đoạn do TP.Tân An làm chủ đầu tư và 3 đoạn còn lại do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Đối với 3 đoạn do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư được đầu tư theo hình thức BT và BOT, theo báo cáo đề xuất của liên danh Tập đoàn Phúc Lộc - Tổng Cty Xây dựng Công trình giao thông 8 thì chi phí giải phóng mặt bằng thuộc phạm vi xây dựng tuyến đường do ngân sách tỉnh chi trả và nhà đầu tư không tạm ứng cho ngân sách tỉnh mượn và chi trả theo kế hoạch bố trí vốn hàng năm. Trong khi đó, tổng chi phí giải phóng mặt bằng toàn tuyến khoảng 603 tỉ đồng.

Đối với đoạn từ đường Phạm Văn Tuấn nối đường Nguyễn Tấn Chính (từ Km3+450 – Km9+400) do TP.Tân An làm chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn WB đến nay cũng mới chỉ xong các công tác quy hoạch và đang tích cực thương thảo các điều khoản vay vốn với WB. Chủ tịch UBND TP.Tân An – Lê Công Đỉnh cho biết: “Hiện nay, do nguồn vốn vay thành phố chưa chủ động được nên việc thực hiện dự án do thành phố làm chủ đầu tư chưa thể triển khai. Dự kiến ngày 28-4-2017, đoàn của tỉnh cùng Ngân hàng Nhà nước tiến hành đàm phán với WB về các điều khoản hợp đồng vay vốn như thời hạn vay, lãi suất,... Dự kiến đến tháng 7 mới ký hiệp định vay vốn. Lúc đó, thành phố mới có nguồn vốn để tiến hành kê biên đền bù, giải phóng mặt bằng và tiến hành khởi công công trình. Còn hiện tại, thành phố mới bước đầu thực hiện các bước lập quy hoạch, thực hiện các kế hoạch đấu thầu, tư vấn thiết kế”.

Bên cạnh đó, đối với công trình trục đô thị kết nối TP.HCM – Long An – Tiền Giang, hiện nay Sở Giao thông Vận tải tổ chức phối hợp đơn vị tư vấn và nhà đầu tư về việc đề xuất phương án trục hạ tầng đô thị kết nối và được Tỉnh ủy thống nhất. Hiện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình làm việc với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Tổng Cty Thái Sơn để đề xuất 1 trong 2 doanh nghiệp hoặc liên danh để thực hiện phương án tuyến này. Dự kiến công trình sẽ được đầu tư theo hình thức BOT.

Thực hiện các công trình trọng điểm theo đúng kế hoạch

Trước những khó khăn còn gặp phải trong việc triển khai các công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải – Nguyễn Văn Chỉnh khẳng định: “Thời gian tới, sở sẽ phối hợp các địa phương có công trình đi qua đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, nhất là công tác vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trong đó, thường xuyên tổ chức làm việc với chính quyền địa phương, tìm giải pháp, tháo gỡ các nút thắt, khó khăn trong việc triển khai các công trình; tham mưu UBND tỉnh, Sở Tài chính kịp thời bố trí nguồn vốn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, trong điều kiện khó khăn chung về nguồn vốn, sở chủ động làm việc với các nhà thầu thi công để huy động thêm nguồn vốn và tham mưu kịp thời UBND tỉnh trong quá trình làm việc với các bộ, ngành Trung ương trong việc bố trí nguồn vốn cho tỉnh trong thực hiện các công trình. Phấn đấu thực hiện các công trình theo đúng kế hoạch”.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện các công trình, sở giao cho Phòng Quản lý chất lượng phối hợp đơn vị tư vấn giám sát trực tiếp tổ chức kiểm tra, giám sát về chất lượng thi công các hạng mục của từng dự án công trình đang triển khai. “Mỗi công đoạn thi công đều phải có sự kiểm tra, giám sát của các bên liên quan trước khi thi công tiếp, bảo đảm chất lượng công trình” - ông Chỉnh cho biết thêm./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết