Thực hiện lối sống lành mạnh, tập luyện thể thao để phòng tránh nhồi máu cơ tim - Ảnh: NAM TRẦN
Nhồi máu cơ tim thường có dấu hiệu cảnh báo trước. Người bệnh đôi khi không biết để tự cứu mình. Làm sao phát hiện sớm những dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim cấp và cách phòng tránh?
Dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở mỗi người khác nhau
Theo bác sĩ Lê Thị Thanh Mai, khoa cấp cứu Bệnh viện Trung ương quân đội 108, nhồi máu cơ tim cấp là một tình trạng nguy hiểm tính mạng, xảy ra khi dòng máu đến cơ tim đột ngột bị ngừng trệ, dẫn đến thiếu máu mô cơ tim.
Nhồi máu cơ tim cấp thường là kết quả của sự tắc nghẽn của hệ thống mạch vành. Tắc nghẽn có thể do sự hình thành mảng xơ vữa tại chỗ với thành phần chủ yếu là chất béo, cholesterol và sản phẩm thải của tế bào hoặc do huyết khối từ nơi khác đến làm giảm đột ngột dòng máu đến tim.
"Dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp rất đa dạng nhưng điển hình là đau ngực và khó thở. Các triệu chứng bao gồm cảm giác nặng ngực hoặc thắt bóp trong tim. Đau vùng ngực lan ra sau lưng, lên hàm hoặc cánh tay trái, kéo dài hơn vài phút hoặc có thể hết, sau đó tái phát.
Người bệnh có thể có những dấu hiệu như khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn và nôn, hồi hộp, cảm giác ngột thở, nhịp tim nhanh, mệt mỏi. Tuy nhiên các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thường có biểu hiện rất khác nhau về triệu chứng và mức độ.
Trong đó đau ngực là triệu chứng điển hình và phổ biến nhất ở cả hai giới.
Tuy nhiên triệu chứng ở phụ nữ thường ít điển hình hơn nam giới, có thể là: khó thở, đau hàm, đau vùng lưng, choáng váng, buồn nôn và nôn. Thậm chí có một vài phụ nữ bị nhồi máu cơ tim nhưng triệu chứng giống như nhiễm cúm", bác sĩ Hiền nêu rõ.
Ai có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cấp?
PGS Phạm Mạnh Hùng, viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm, tỉ lệ tử vong trên 70%.
Nhiều nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi, trong đó lối sống ảnh hưởng rất lớn như chế độ sinh hoạt không khoa học, thiếu lành mạnh dễ hình thành các mảng xơ vữa nhanh chóng. Một số nguyên nhân khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh như căng thẳng, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá.
Ngoài ra nhóm bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, từng bị tai biến mạch máu não hoặc có tiền căn nhồi máu cơ tim, tiền căn gia đình có người mắc bệnh động kinh có nguy cơ cao hơn.
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, các bác sĩ khuyến cáo cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn mỡ, da động vật, gan, thức ăn nhanh. Tích cực tập luyện thể thao, hạn chế bia rượu và các chất kích thích. Đặc biệt, người trẻ không nên chủ quan nghĩ rằng bệnh chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo.
Các bác sĩ cũng nhấn mạnh người bị nhồi máu cơ tim cần được tái lưu thông mạch máu nuôi tim càng sớm càng tốt. Thời gian vàng là 48 giờ đầu tiên, nhất là 12 giờ đầu. Vì vậy khi có biểu hiện nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất./.
Theo TTO
Nguồn: https://tuoitre.vn/cac-dau-hieu-canh-bao-nhoi-mau-co-tim-cap-20231107230445938.htm