Số các tuyến đường được đầu tư ở các địa phương vùng Ðồng Tháp Mười của tỉnh còn ít
Chưa đồng bộ
Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm xây dựng NTM. Nhờ vậy, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Chủ tịch UBND xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng - Trương Đông Hồ cho biết: Khi có chủ trương xây dựng NTM, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, xã giao nhiệm vụ cho các đoàn thể tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức rõ về lợi ích của việc xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông, từ đó, tự nguyện góp công, góp của, cùng với chính quyền xây dựng NTM.
Đoạn đường đal cặp Tuyến dân cư Lê Văn Khương có chiều dài 1,3km, rộng 2m, được đầu tư xây dựng với nguồn vốn 1,9 tỉ đồng. Từ khi con đường hoàn thành, người dân trong khu vực rất vui mừng vì không còn lầy lội khi mùa mưa đến. Ông Nguyễn Tư Bình - người dân ấp Láng Biển, phấn khởi nói: “Trước đây, con đường này đi lại rất khó khăn, chủ yếu đi bộ nhưng từ khi được xây dựng hoàn thành thì đi lại dễ dàng, học sinh đi học thuận tiện hơn”.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu, trao đổi hàng hóa của người dân giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ, xã chi 2,4 tỉ đồng trải nhựa tuyến đường từ trung tâm xã đến ấp Ba Gò, dài gần 2km, mặt đường rộng 3,5m, thay thế con đường nhỏ, hẹp, sình lầy trước đây. Tuy nhiên, đến nay, toàn xã chỉ có 2,5/11,3km đường liên xã được nhựa hóa, 2,1/9,7km đường liên ấp được cứng hóa, gần 70% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng - Trần Thanh Tâm chia sẻ, những năm gần đây, diện mạo xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng ngày càng khởi sắc, đời sống người dân vùng biên dần ổn định và từng bước được nâng lên. Ai đến đây đều nhận thấy đường sá được trải nhựa, đá thẳng tắp. Đến nay, xã có đường ôtô về đến trung tâm, các tuyến đường liên ấp cơ bản hoàn thành phần nền và được trải sỏi đỏ, thuận lợi cho đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, xã chỉ có hơn 50% tuyến đường trục xã, liên xã được nhựa, bêtông hóa (quy định đạt 70%), 57,6% tuyến đường trục xóm, ấp được cứng hóa (quy định đạt ≥ 80%), chỉ đạt 48% đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm (quy định 100%).
Cần được quan tâm hơn
Các huyện, thị xã Đồng Tháp Mười địa bàn rộng, nền đất yếu, kênh, mương chằng chịt, đòi hỏi nguồn kinh phí xây dựng rất lớn. Việc huy động nguồn lực trong xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước hỗ trợ còn thấp so với yêu cầu. Mặt khác, điều kiện phát triển KT-XH còn khó khăn, thách thức, nguồn vốn huy động trong dân còn hạn chế, người dân chủ yếu góp công, hiến đất làm đường. “Khát” vốn, thiếu nguồn đầu tư là nguyên nhân chính khiến việc xây dựng NTM ở các huyện, thị xã Đồng Tháp Mười còn nhiều khó khăn.
Năm 2017, huyện Mộc Hóa huy động nguồn vốn gần 140 tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH. Trong đó, đầu tư hơn 30 tỉ đồng cho TC giao thông. Đến nay, đường giao thông từ trung tâm xã đến các ấp hoàn thành cơ bản phần nền, một số tuyến đường được bêtông, trải đá xanh, sỏi đỏ nhưng hiện chưa có xã nào đạt TC giao thông.
Nhiều tuyến đường cần được đầu tư nâng cấp
Qua thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đến nay, xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa mới hoàn thành 11 TC. Để đạt các TC còn lại, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, xã huy động tối đa nội lực. Tuy nhiên, với điều kiện của xã biên giới, địa bàn rộng, dân cư không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo cao thì việc huy động sức dân để góp phần hoàn thành các TC xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa - Lê Công Trường cho biết: Thời gian qua, chính quyền xã nỗ lực vận động, lồng ghép các nguồn vốn, tập trung đầu tư xây dựng giao thông, thủy lợi,... đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân đóng góp xây dựng. Tuy nhiên, đời sống người dân còn khó khăn nên việc đóng góp cũng hạn chế. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn gần như không có. Do vậy, kinh phí thực hiện chương trình phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn được phân cấp hàng năm. Giao thông là một trong những TC khó của xã. Tổng chiều dài đường xã 21km nhưng chỉ bêtông hóa được 1,8km (8,58%); 35,7/46km tuyến đường trục ấp, liên ấp bảo đảm cứng hóa. Tuyến đường từ Đường tỉnh 817 về trung tâm xã có chiều dài 7,5km chỉ được cứng hóa nền hạ, mặt đường được trải đá đỏ tạm thời, đang chờ kinh phí đầu tư.
“Chính quyền địa phương và người dân phải nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức khi cố gắng hoàn thiện 8 TC còn lại. Trong đó, TC giao thông rất khó đạt nếu không có nguồn hỗ trợ của Nhà nước vì kinh phí thực hiện quá lớn, vượt xa khả năng tài chính của xã” - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh - Lê Công Trường trăn trở.
Tuyến Đường tỉnh 819 từ Tân Hưng đến Hưng Điền có chiều dài gần 20km, qua các xã: Hưng Thạnh, Hưng Điền B, Hưng Điền được đầu tư nâng cấp, trải đá, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Chủ tịch UBND xã Hưng Điền - Trương Đông Hồ cho biết: “Từ khi có con đường này, vùng biên giới của huyện phát triển nhanh. Thế nhưng, để đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay, đoạn đường sỏi đỏ này cần được đầu tư trải nhựa, tạo sự đồng bộ cũng như thuận lợi hơn cho người tham gia giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế biên giới phát triển cũng như bảo đảm an ninh - quốc phòng. Nhưng đầu tư nhựa hóa tuyến đường này cần nguồn vốn lớn, vượt ngoài khả năng của địa phương. Đường hư hỏng nặng, nhiều ổ voi, ổ gà, mùa nắng bụi mù mịt, mùa mưa sình lầy nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân rất khó khăn”.
Nhiều hộ dân hiến đất, góp tiền, ngày công xây dựng giao thông
Theo Chủ tịch UBND xã Hưng Điền, đường giao thông nông thôn của xã chưa tốt, chưa đồng bộ ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân, hạn chế việc giao thương. Xã nhiều lần kiến nghị cấp trên sớm quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông kiên cố hơn nhưng đến nay, do chưa có kinh phí nên vẫn phải chờ, trong khi huy động nguồn đóng góp từ địa phương rất hạn hẹp. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT-XH của xã.
Hoàn thành TC về giao thông tuy khó nhưng không có nghĩa không thực hiện được. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về xây dựng NTM, tạo sự đồng thuận để người dân tích cực tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các cấp, các ngành và cần có những chính sách hỗ trợ đặc thù đối với những địa phương khó khăn.
Năm 2017, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông từ vốn ngân sách nhà nước hơn 600 tỉ đồng, huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư gần 134 tỉ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 62 xã đạt tiêu chí giao thông, chiếm 37,3%./. |
Văn Đát