6 tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện, xử lý trên 500 trường hợp vi phạm
Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới của tỉnh được kiểm soát, kiềm chế giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng có lúc, có nơi, hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra tương đối phức tạp. Ngoài hoạt động buôn lậu, trong thời gian gần đây, trên tuyến biên giới của tỉnh nổi lên một số hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật đáng chú ý như hoạt động của tội phạm về ma túy; buôn lậu pháo nổ, đường cát, trâu, bò. Địa bàn là điểm nóng về hoạt động buôn lậu gồm các xã: Mỹ Bình, Bình Hòa Hưng, Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông của huyện Đức Huệ; xã Hưng Hà, Hưng Điền của huyện Tân Hưng; xã Thạnh Trị, Bình Tân, Bình Hiệp của thị xã Kiến Tường.
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu là lợi dụng địa hình thuận lợi (sông liền sông, đất liền đất), nhiều đường mòn, lối tắt qua lại biên giới, nơi vắng người qua lại, móc nối với người phía Campuchia và thuê mướn một số cư dân địa phương, chia nhỏ hàng hóa mang, vác qua biên giới. Khi hàng hóa được vận chuyển về biên giới, các đối tượng nhanh chóng tập kết đưa lên xe ôtô, xe gắn máy vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Hành vi buôn lậu của các đối tượng ngày càng tinh vi để qua mặt các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, tình trạng gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn còn xảy ra, hành vi vi phạm tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặt hàng nổi cộm, thường xuyên vi phạm là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản. Các vụ vi phạm khi kiểm tra phát hiện không chỉ nhỏ, lẻ mà còn có những vi phạm lớn liên quan đến nhiều địa bàn, nhiều tổ chức, cá nhân.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng của tỉnh thực hiện 2.964 lượt thanh, kiểm tra. Qua đó, phát hiện, xử lý 1.804 trường hợp vi phạm. Trong đó, các lực lượng phát hiện, xử lý 410 trường hợp buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hàng cấm, nhập lậu; 3 trường hợp vi phạm sở hữu trí tuệ; 1.373 trường hợp gian lận thương mại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực thuế, hải quan,... Qua đó, các lực lượng thu nộp ngân sách 185,9 tỉ đồng (tăng 130,4 tỉ đồng so cùng kỳ). Trong đó, thu từ xử phạt vi phạm hành chính 59,6 tỉ đồng; phạt, truy thu thuế 125,4 tỉ đồng; thu từ bán hàng hóa tịch thu 891 triệu đồng. Các lực lượng thực hiện khởi tố điều tra 42 vụ/45 đối tượng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, mua bán hàng cấm, nhập lậu, hàng giả. Đặc biệt, các lực lượng chức năng của tỉnh đã đấu tranh các chuyên án, phát hiện, bắt giữ 13 đối tượng, thu 50 bánh heroin, 11,4kg ma túy đá, 9 viên thuốc lắc, 1 súng quân dụng, 7 súng tự chế.
Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh thực hiện trên 700 lượt kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý trên 500 trường hợp vi phạm, xử lý vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước trên 4,35 tỉ đồng, đạt 67% chỉ tiêu được giao năm 2023. Các lực lượng đã thu giữ 12.796 gói thuốc lá ngoại, 2.500kg đường cát, 120 thùng bia, 40 thùng nước giải khát, 2.456 sản phẩm quần áo,... Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường còn tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm; kinh doanh, hành nghề dược; kinh doanh xăng, dầu;...
Theo Ban Chỉ đạo 389, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận trong lĩnh vực thuế, hải quan,... trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra phức tạp. Các mặt hàng nhập lậu qua biên giới vẫn là đường cát, pháo nổ, thuốc lá; lĩnh vực thường xuyên xảy ra vi phạm là nông nghiệp; hoạt động mua bán hàng hóa bằng hình thức online. Ngoài các mặt hàng nhập lậu trên, dự báo thời gian tới, hoạt động buôn lậu ma túy, trâu, bò qua biên giới trên địa bàn tỉnh sẽ có chiều hướng tăng, phức tạp.
Thời gian tới, để chủ động triển khai các giải pháp, biện pháp phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, địa phương, xác định địa bàn, mặt hàng trọng tâm, trọng điểm như xăng, dầu, ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền để chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra phù hợp từng thời điểm, từng địa bàn, chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, các ngành, địa phương tiếp tục nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp đấu tranh, phòng ngừa phù hợp với tình hình, chức năng, nhiệm vụ được giao./.
Mai Hương