Tiếng Việt | English

29/08/2015 - 12:33

Cách dạy văn trong nhà trường đang "góp phần” rập khuôn văn học

Một thời gian dài, cách dạy văn trong nhà trường rập khuôn, vô tình làm hạn chế cảm nhận văn chương của học sinh.

Ngày 28/8 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm về văn học thiếu nhi và sơ kết 2 năm thực hiện chương trình phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam về "Tăng cường các hoạt động sáng tác văn học nhằm giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi giai đoạn 2013 - 2017".

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu cho rằng: Một thời gian dài, cách dạy văn trong nhà trường góp phần "giết chết" văn học, bởi cách học cách dạy rập khuôn, vô tình làm hạn chế cảm nhận văn chương của học sinh.

(Ảnh minh họa)

Không ít phụ huynh bắt con em mình học thuộc những bài văn mẫu trước mỗi giờ kiểm tra, thi học kì. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho học sinh sợ học văn, đồng thời làm cho văn hóa đọc suy giảm.

Cô Nguyễn Thị Huyền Hậu - giáo viên dạy Văn trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương, Hà Nội cho rằng, khó khăn của giáo viên dạy văn hiện nay là phải đảm bảo phương pháp, kĩ năng, phục vụ cho việc thi cử của các em.

“Sự bó buộc là ở cách thi, cách kiểm tra. Nó làm bó hẹp cách dạy của giáo viên. Chẳng hạn như với tác phẩm này mình buộc phải dạy những ý như thế này để trẻ con cần biết mà đi thi, chứ không phải mình giảng theo cảm hứng nào đó của mình. Đôi khi trẻ con có những phát kiến bất ngờ mà mình không dám đồng ý hoặc không dám khuyến khích. Theo tôi, cái lớn nhất là có một cái khung cần phải theo, cứng quá, máy móc quá” – cô Hậu chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho rằng, học văn trong nhà trường giúp cho các em học cách nhập vai, cảm nhận cuộc sống và thân phận con người. Để thay đổi cách học, cách dạy văn trong nhà trường cần có sự đối thoại. Nếu học văn không đem lại cảm xúc thì đó là một thất bại lớn của việc học văn và của nền giáo dục.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân khẳng định: “Học văn và dạy văn bắt đầu và khởi nguồn từ cảm xúc. Nếu không khởi nguồn từ cảm xúc sẽ không có gì hết. Người sáng tạo là nghệ sĩ, người dạy văn cũng phải mang phẩm chất của nghệ sĩ. Phải để cho các em độc lập suy nghĩ. Cũng giống như khi viết một tác phẩm văn học, phải để lại một khoảng để người đọc tiếp nhận, suy nghĩ thêm. Việc trao đổi, đối thoại với nhau là vô cùng bổ ích. Bên cạnh đó, tổ chức cho các em đọc sách là hết sức quan trọng, kích thích các em yêu văn hóa đọc”.

Ban tổ chức cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi giai đoạn 2013 - 2015 cũng cho biết: Thành quả đáng lưu ý trong 2 năm qua là tổ chức thành công 5 trại sáng tác văn học tuổi học trò và lễ trao giải Cây bút tuổi hồng tại 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Huế và Quảng Ninh, tiếp tục tìm kiếm và bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi trong lĩnh vực văn học./.

Phương Thúy/VOV-Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích