Tiếng Việt | English

01/12/2015 - 16:11

Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng

Theo thống kê sơ bộ, tỉnh Long An hiện có 1.776 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tăng gấp 2,56 lần so với năm 2011.


Một cơ sở điều trị Methadone tại TP.Tân An

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đa số các đối tượng nghiện sử dụng heroin. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp đang có xu hướng gia tăng, nhất là giới trẻ. Việc gia tăng sử dụng các loại ma túy tổng hợp khiến cho công tác phòng ngừa và cai nghiện phục hồi cho nhóm người nghiện loại ma túy này gặp rất nhiều khó khăn.

Công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy được thực hiện dưới các hình thức như cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục, Lao động xã hội, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, được thực hiện theo 3 hình thức: Cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng và cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng.

Sau từ 5 - 7 ngày điều trị cắt cơn tập trung tại cộng đồng, người nghiện được giao về cho gia đình và địa phương quản lý thông qua sự hướng dẫn, theo dõi của các tổ công tác cai nghiện trong 12 tháng.

Sau khi cắt cơn, các đối tượng được tham gia sinh hoạt nhóm tự lực hoặc các câu lạc bộ dành cho người sau cai nghiện. Định kỳ 10 ngày, người nghiện báo cáo kết quả cai nghiện với tổ công tác. Sau 12 tháng nếu không tái nghiện sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận hoàn thành quy trình cai nghiện và được tiếp tục quản lý sau cai nghiện trong vòng 12 tháng, nếu không tái nghiện thì được ra khỏi danh sách quản lý.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 565 người, dạy nghề 216 người, hỗ trợ việc làm 19 người.

Tuy nhiên, việc cai nghiện còn thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghiện cao. Nguyên nhân chủ yếu là phác đồ điều trị, năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ làm công tác điều trị nghiện ở cấp xã còn hạn chế, cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu; kinh phí cho hoạt động này hạn hẹp; công tác tuyên truyền, vận động cai nghiện chưa tác động mạnh đến cộng đồng dân cư, người nghiện và gia đình họ; việc cung cấp các dịch vụ tư vấn điều trị nghiện và dự phòng tái nghiện còn hạn chế, các dịch vụ hỗ trợ xã hội khác như dạy nghề, tạo việc làm,... còn thấp.

Công tác quản lý sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa được chính quyền, đoàn thể ở xã, phường, thị trấn quản lý, giám sát; môi trường buôn bán, tổ chức sử dụng ma túy chưa được ngăn chặn nên đối tượng dễ dàng sử dụng lại ma túy.

Ngoài ra, trong xã hội vẫn còn nhiều người có tâm lý định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện. Vì vậy, nhiều người sau cai nghiện không tìm được việc làm khiến họ rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế, chán nản, bất mãn, dễ dẫn đến hậu quả tái nghiện.

Để cai nghiện ma túy đạt hiệu quả cao, cần xây dựng môi trường không có người nghiện và những kẻ buôn bán ma túy. Để làm được điều này, chính quyền các cấp phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triệt phá các đối tượng, ổ nhóm mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy; xóa bỏ các điểm nóng, không để phát sinh địa bàn phức tạp về ma túy. Đối với việc cai nghiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa địa phương, gia đình và người; triển khai rộng rãi việc điều trị nghiện bằng Methadone.../.

 T.Sinh

Chia sẻ bài viết