Tiếng Việt | English

13/07/2022 - 10:06

Cai nghiện thuốc lá thành công nếu quyết tâm

Cai thuốc lá là một việc không dễ dàng nhưng vẫn có thể làm được nếu thật sự muốn từ bỏ. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An - bác sĩ (BS) CKII Huỳnh Hữu Dũng có những chia sẻ với phóng viên (PV) Báo Long An về việc làm thế nào để việc cai thuốc lá được diễn ra thuận lợi.

Bạn sẽ được trang bị kỹ năng từ chối nếu bạn thật sự muốn từ bỏ thuốc lá

Bạn sẽ được trang bị kỹ năng từ chối nếu bạn thật sự muốn từ bỏ thuốc lá

PV: Thưa BS, việc từ bỏ thuốc lá có phải là điều dễ dàng và để quá trình cai thuốc lá được thuận lợi thì phải làm gì?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Thuốc lá là chất gây nghiện vì có chứa nicotin. Với bất kỳ chất gây nghiện nào thì việc từ bỏ cũng không hề dễ dàng. Tuy nhiên, các BS sẽ giúp việc từ bỏ thuốc lá được thuận lợi hơn qua 4 bước.

Bước 1: Người hút thuốc suy nghĩ và điền bảng so sánh về lợi - hại của hút - cai thuốc lá đối với bản thân.

Ví dụ như hút thuốc lá có lợi cho bản thân như làm giảm căng thẳng, buồn bã, tăng hưng phấn trong công việc, là công cụ giao tiếp,... Còn nếu bỏ thuốc lá thì có thể tăng cân sau khi cai, khó tập trung làm việc,...

Tuy nhiên, hút thuốc lá có hại như người hút bị ho do tác hại thuốc lá, bệnh hen suyễn của con trẻ hoặc người lớn tuổi trong nhà sẽ nặng thêm do hít phải khói thuốc lá hoặc đang muốn có con mà hút thuốc lá có thể dẫn tới vô sinh, hút thuốc gây tốn kém tiền bạc,...

Và cai thuốc lá có lợi cho sức khỏe như là làn da sáng hơn, thành tích thi đấu thể thao tốt hơn, dễ thở hơn, ít ho hơn, không có mùi khó chịu trên người, tránh được nguy cơ mắc các bệnh ung thư có liên quan đến thuốc lá,...

PV: Sau khi liệt kê lợi - hại của việc từ bỏ thuốc lá thì bước thứ 2 sẽ là gì, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Bước 2 là người cai thuốc lá suy nghĩ và liệt kê các việc làm có thể thực hiện để tăng lợi ích của cai thuốc lá; giảm lợi ích của hút thuốc lá; tăng tác hại của hút thuốc lá; giảm tác hại của cai thuốc lá.

Ví dụ như khi buồn bã, căng thẳng thì dự định sẽ làm việc gì để giải tỏa hoặc tìm cách nào khác để tăng sự tập trung vào công việc, suy nghĩ về sự khỏe mạnh của cha mẹ, của những đứa con yêu thương khi mình từ bỏ thuốc lá,...

PV: Còn bước thứ 3 có khó không, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Bước 3 là người cai thuốc lá chuẩn bị các “chỗ dựa” cần thiết khi thực hiện cai thuốc lá.

Người hút thuốc lá tự định ra một ngày bắt đầu cai thuốc lá phù hợp với điều kiện thực tế của bản thân nhưng ngày thực hiện không nên quá xa so với ngày có ý định cai thuốc lá vì nếu để lâu quá ý định này có thể không còn. Sau khi chọn được ngày thì cho mọi người biết về quyết định cai thuốc lá; đồng thời, dọn dẹp khỏi tầm tay tất cả vật dụng liên quan đến thuốc lá như gạt tàn, hộp quẹt, thuốc lá.

Người cai thuốc nên yêu cầu mọi người xung quanh hỗ trợ cai thuốc lá bằng cách không hút thuốc lá trước mặt mình, không mời hút thuốc lá; nhờ mọi người cảm thông về sự thay đổi tính tình nếu có, chịu khó lắng nghe chia sẻ mỗi khi gặp khó khăn trong quá trình cai thuốc lá.

Còn nếu thèm hút thuốc lá đột ngột, người cai thuốc lá hãy uống một ly nước mát, đi bộ một vòng, hít thở thật sâu 3 lần. Nếu thèm thuốc lá khi thấy người khác hút, hãy tránh đến những nơi có nhiều người hút thuốc lá. Nếu thèm hút thuốc lá khi uống cà phê, sau khi ăn cơm thì hãy thay đổi địa điểm, thời gian, bạn bè cùng uống cà phê như uống cà phê nhanh thay vì uống 30 phút, ăn cơm xong đi đánh răng.

PV: Sau khi đã thực hiện 3 bước, bước thứ 4 là gì, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Bước 4 là chúng ta thực hiện cai thuốc lá. Ví dụ bạn quyết định cai thuốc lá kể từ ngày hôm nay thì nên được thực hiện sau khi đắn đo suy nghĩ và thực hiện đầy đủ các bước chuẩn bị trong 3 bước trên. Quyết định này không nên thực hiện một cách ngẫu hứng vì có thể dẫn đến thất bại và làm nản ý định cai thuốc lá ở những lần sau (nếu có).

Cứ mỗi khi có ham muốn hút thuốc lá, hãy nhớ làm ngay một chuyện khác: Uống một ly nước mát, đi bộ một vòng, súc miệng, hít thở thật sâu,... Tránh đi đến những nơi mà bản thân dễ bị cám dỗ hút thuốc lá như quán nhậu, lễ hội,... Nếu cảm giác thèm thuốc lá quá độ đến mức “không thể chịu nổi” cũng đừng sợ, cảm giác này sẽ giảm theo thời gian. Đặc biệt, cố gắng không hút thuốc lá dù chỉ một hơi, kiên nhẫn, mỗi ngày trôi qua, người cai thuốc lá sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

PV: BS cho biết thời điểm nào là cột mốc quan trọng khi cai thuốc lá?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Một tuần sau cai thuốc lá là thời điểm quan trọng vì người cai thuốc lá đã vượt qua được 7 ngày đầu tiên. Hãy ghi lại các “ích lợi” do việc cai thuốc lá mang lại trong tuần đầu tiên mà bản thân cảm nhận được. Ví dụ: Bạn cảm thấy tự hào vì đã cai thuốc lá được 1 tuần, hơi thở sâu hơn, cảm thấy dễ thở hơn, mồ hôi giảm mùi thuốc lá, tiết kiệm được khoản tiền kha khá,...

Tuy vậy vẫn có các “khó chịu” cần phải tiếp tục giải quyết như không thể suy nghĩ chuyện gì khác ngoài chuyện hút thuốc lá, không thể tập trung vào công việc. Do vậy hãy sắp xếp công việc cho bớt căng thẳng trong giai đoạn này, tìm cách thư giãn giải trí như chơi thể thao, đánh cờ, sử dụng thuốc hỗ trợ cai thuốc lá. Nếu khó ngủ hơn thường lệ, hãy tránh uống trà và cà phê vào buổi tối. Nên tắm trước khi đi ngủ, ngủ đúng giờ, có thể nhờ BS kê một chút thuốc giúp dễ ngủ hơn. Nếu ho nhiều hơn, đây là dấu hiệu tốt cho biết phế quản đang hoạt động trở lại, thường thì đàm khạc ra có màu đen và sẽ giảm sau vài ngày. Nếu bạn thèm ăn nhiều hơn ngoài các bữa ăn chính, đây là cảm giác giả tạo xuất hiện khi cai thuốc lá, hãy uống nước mỗi khi thấy thèm ăn, có thể ăn một chút trái cây, tránh ăn ngọt.

Nhiều người cai thuốc lá đánh giá giai đoạn 2 tuần đầu tiên là khó khăn nhất, giai đoạn này tương ứng với giai đoạn cơ thể tiếp tục làm quen với tình trạng không có nicotin trong máu. Ghi nhận tiếp tục những “ích lợi” do cai thuốc lá mang lại xuất hiện trong giai đoạn này như thở sâu hơn dễ dàng, cảm giác mũi có thể ngửi mùi tốt hơn, lưỡi cảm giác vị thức ăn tốt hơn, người nhà vui hơn vì mình bỏ thuốc lá,...

PV: Bao lâu thì người cai thuốc lá có thể đánh giá lại sự cố gắng của mình, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Sau khi cai thuốc lá được 1 tháng, cần kiểm tra lại xem tình hình thực sự như thế nào bằng cách trả lời các câu hỏi sau: Có giảm ham muốn hút thuốc lá hoặc không còn cảm thấy ham muốn hút thuốc lá nữa hay không? Mỗi khi có ham muốn hút thuốc lá, bạn đã sẵn sàng các giải pháp chống lại như nhai kẹo, uống nước mát, đi bộ một vòng,...? Cân nặng tăng không quá 2kg? Ngủ ngon? Tinh thần ổn định?

Sau khi cai thuốc lá được 3 tháng, các khó chịu do cai thuốc lá đã giảm rất nhiều. Đây là thời điểm người cai thuốc lá cảm nhận ngày càng nhiều hơn những ích lợi của cai thuốc lá. Ví dụ: Không còn ho vào mỗi buổi sáng, da dẻ đẹp hẳn ra, ăn ngon miệng hơn, người cảm thấy thư thái hẳn,... Nếu tăng 2-3kg là bình thường, nếu tăng hơn 3-4kg là có yếu tố khác ngoài việc cai thuốc lá làm tăng cân như chế độ ăn uống và tập luyện thể lực chưa phù hợp, ăn vặt nhiều, ăn ngọt, béo nhiều, vận động quá ít.

Sau 6 tháng, người cai thuốc lá cảm thấy dễ chịu vì đã vượt qua được hầu như tất cả khó chịu do cai thuốc lá nhưng chính lúc này lại xuất hiện tâm lý chủ quan. Nên nhớ rằng, việc hút thuốc lá lại dù “chỉ một hơi” có thể đánh thức trở lại nhu cầu nicotin của cơ thể và sau đó là ham muốn hút thuốc lá “không cưỡng lại được”. Người cai thuốc lá sẽ nhanh chóng tái nghiện.

Một năm là thời điểm theo định nghĩa là thành công cai thuốc lá nhưng nên nhớ thành công cai thuốc lá không phải là vĩnh viễn. Khả năng tái nghiện lúc nào cũng tồn tại. Nguy cơ tái nghiện sẽ cao nhất vào lúc có những “biến cố” lớn trong cuộc sống: Thất bại, phá sản, mất người thân, thất nghiệp,...

PV: Xin cảm ơn BS!

Thanh Bình(thực hiện)

Chia sẻ bài viết