Tiếng Việt | English

07/12/2021 - 14:17

Thật sự có quyết tâm sẽ cai nghiện thuốc lá thành công

Chiến dịch toàn cầu “Cam kết bỏ thuốc lá (TL)” sẽ hỗ trợ ít nhất 100 triệu người khi họ cố gắng từ bỏ TL thông qua cộng đồng những người cai thuốc nhằm giảm tỷ lệ hút TL, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến TL. Nhân chiến dịch này, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An - bác sĩ (BS) CKII Huỳnh Hữu Dũng có những chia sẻ về việc làm thế nào để cai TL thành công.

Sẽ cai nghiện huốc lá thành công nếu thật sự có quyết tâm

Sẽ cai nghiện huốc lá thành công nếu thật sự có quyết tâm

Phóng viên (PV): Xin BS cho biết thế nào là nghiện TL?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Nghiện TL là trạng thái rối loạn tâm thần - hành vi do tương tác giữa cơ thể với nicotine trong TL, biểu hiện bằng cảm giác thôi thúc mạnh mẽ buộc người nghiện phải hút TL. Hành vi hút TL giúp người nghiện có được cảm giác sảng khoái và tránh được cảm giác khó chịu vì thiếu TL. Người hút TL tiếp tục hút ngay cả khi biết rõ hay thậm chí là bị các tác hại do TL gây ra.

Nghiện TL là một bệnh lý, được xếp vào nhóm rối loạn tâm thần và hành vi, mã bệnh là F17 nghiện nicotine. Nicotine chính là thủ phạm gây nghiện trong TL. Nghiện TL thường là kết hợp của nghiện tâm lý, hành vi với nghiện thực thể - dược lý.

PV: Thưa BS, thế nào là nghiện tâm lý?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Nghiện tâm lý là hút TL để tìm kiếm các hiệu ứng tâm thần kinh như sảng khoái, hưng phấn, tăng khả năng tập trung chú ý. Đặc điểm nghiện TL tâm lý trên mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh, không gian, thời gian và nhu cầu hiệu ứng tâm thần kinh. Ví dụ: Hút TL khi uống cà phê cùng bạn bè để tìm cảm giác sảng khoái, khi làm việc để tăng mức độ tập trung, trước khi bước vào giải quyết một tình huống căng thẳng, nguy hiểm để giảm căng thẳng,...

PV: Nghiện hành vi là như thế nào, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Nghiện hành vi là việc hút TL như là một phản xạ có điều kiện đã phát sinh trong một hoàn cảnh cụ thể. Hút TL theo phản xạ chứ không phải là do nhu cầu cơ thể thực sự thiếu nicotine. Hành vi hút TL xuất hiện trong các tình huống cụ thể, lặp đi lặp lại, theo đúng thứ tự trong thời gian dài. Ví dụ: Sau khi ăn cơm thì hút TL, khi uống cà phê hoặc gặp bạn hữu.

PV: Còn nghiện thực thể - dược lý là gì, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Đó là khi việc hút TL trở thành một nhu cầu cần thiết, không thể thiếu, không thể cưỡng lại được trong cuộc sống. Cơ thể người nghiện cần nicotine để có thể hoạt động bình thường. Thiếu nicotine sẽ xuất hiện các triệu chứng của hội chứng cai TL như thèm hút mãnh liệt; cảm giác kích thích, bứt rứt, căng thẳng; không tập trung được; buồn bã, lo lắng; thèm ăn; rối loạn giấc ngủ. Các triệu chứng này sẽ biến mất ngay khi hút TL trở lại. Và hậu quả là người nghiện phải tiếp tục hút TL để duy trì được những cảm giác dễ chịu và tránh né những cảm giác khó chịu do thiếu TL gây ra.

PV: Thưa BS, có phải người nào hút TL cũng sẽ nghiện?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Không hẳn như vậy, vì có sự khác biệt do gen quy định. Các tế bào thần kinh và thụ thể nicotine không đồng nhất giữa các cá thể và vì thế sẽ phản ứng khác nhau khi tiếp xúc với nicotine. Một số người, thụ thể trơ với nicotine nên nicotine không gây ra hiệu ứng tâm thần kinh, do đó họ sẽ không nghiện. Một số khác, ngay lần đầu tiên tiếp xúc với nicotine, thụ thể nicotine phản ứng mạnh, gây ra nhiều hiệu ứng tâm thần kinh và khởi phát con đường gây nghiện TL. Không thể tiên đoán được ai là người không đáp ứng với nicotine, cho nên tốt hơn hết là đừng bao giờ thử!

PV: Thế nào được cho là cai nghiện TL thành công, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Cai nghiện TL được xem là thành công thì người đó phải từ bỏ hoàn toàn, liên tục TL trong ít nhất 12 tháng. Nghĩa là người đó hoàn toàn không hút TL chủ động cũng không hút TL thụ động liên tục trong vòng 12 tháng. Còn cai thành công rồi nhưng sau đó quay lại hút thì được gọi là tái nghiện TL. Và đây được xem là một bước quá độ trong tiến trình cai TL vì thật sự cai TL không hề dễ dàng. Do vậy, chúng ta không nên tồn tại khái niệm thất bại trong cai TL mà chỉ tồn tại khái niệm cai TL chưa thành công.

PV: BS có thể chia sẻ về phương pháp cai nghiện TL tốt nhất?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Không có phương pháp nào được gọi là “tuyệt vời” để cai TL. Không có loại thuốc nào có thể biến một người hôm qua còn hút cả gói TL thành người không hút TL chỉ sau 1 ngày. Thành công cai TL không phải nhờ vào “phép lạ” mà dựa vào nỗ lực của bản thân. Như vậy, điều kiện tiên quyết để cai TL thành công là quyết tâm cai TL của bản thân người hút TL. Muốn vậy, người hút TL xây dựng ý định và tìm lý do để cai TL. Ví dụ như nhà có em bé sắp chào đời hay nhà có người lớn tuổi thường bị bệnh hay bản thân bị bệnh.

Người hút TL củng cố quyết tâm cai TL bằng cách: Thông báo với các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp biết về việc cai TL của mình để mọi người ủng hộ, giúp đỡ cũng như không mời hút TL, tránh đến những nơi có người hút TL tụ tập,...Người hút TL chọn ngày thích hợp để bỏ TL nhưng ngày đó không nên xa quá vì như vậy sẽ dễ bỏ cuộc hoặc cho qua; lên kế hoạch hoạt động để giảm bớt căng thẳng và thèm thuốc. Ví dụ, chuẩn bị sẵn sau khi ăn cơm sẽ làm gì để không hút TL hoặc nhờ ai nhắc nhở nếu thấy mình có ý định muốn hút TL, lựa thời điểm ít căng thẳng để bỏ thuốc.

Người hút TL cũng cần tìm đến các nhà tư vấn để gặp trực tiếp, nói chuyện qua điện thoại. Hiện nay, Chương trình hỗ trợ cai nghiện TL miễn phí của Bệnh viện Bạch Mai được triển khai, thực hiện bằng cách giải đáp các câu hỏi liên quan đến cai TL và hỗ trợ bệnh nhân cai TL. Người muốn cai TL có thể gọi điện đến Tổng đài tư vấn cai TL miễn phí, số điện thoại đường dây nóng 18006606 trong khoảng thời gian từ 8 giờ đến 20 giờ 30 phút vào tất cả các ngày trong tuần, trừ ngày lễ, tết hoặc có thể đến các bệnh viện tuyến tỉnh của Long An để được hỗ trợ tư vấn cai TL.

PV: Những thói quen nào ảnh hưởng đến việc cai nghiện TL, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Khi cai TL, người cai phải tập thói quen mới là uống cà phê không hút TL. Khói TL có chứa hydrocarbure làm tăng hoạt động của men chuyển hóa cà phê ở gan. Khi cai TL, men này không hoạt động mạnh nữa, làm lượng cafein được giữ lâu hơn trong cơ thể, nếu tiếp tục uống nhiều cà phê như trước sẽ gây kích thích, bứt rứt và mất ngủ trong một số trường hợp.

Ngoài ra, việc uống rượu nhiều, liên tục là yếu tố cản trở cai TL. Mối liên hệ giữa rượu, bia và TL là rất chắc chắn. Rượu có tác động giảm lo âu, còn TL thì chủ yếu là tác động gây hưng phấn. Cai TL sẽ dễ hơn nhiều khi không uống hay uống rượu vừa phải. Trong trường hợp vừa nghiện rượu, vừa nghiện TL, cần phải tiến hành cai đồng thời. Một người còn đang uống rượu nhiều thì rất khó cai TL.

PV: Thưa BS, làm thế nào để tránh mất ngủ và không tăng cân khi cai TL?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Mất ngủ là triệu chứng của hội chứng cai TL xuất hiện khi người nghiện TL nặng tự cai, không dùng thuốc. Mất ngủ thường chỉ thoáng qua và biểu hiện dưới dạng là khó đi vào giấc ngủ. Người cai TL có dùng nicotine thay thế cũng có thể mất ngủ. Liều nicotine không đủ làm xuất hiện triệu chứng thiếu thuốc, người cai TL sẽ cảm thấy khó khăn khi đi vào giấc ngủ. Do tác dụng của nicotine thay thế, nhất là dạng thuốc dán trong 24 giờ, người cai TL không gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ nhưng thường thức giấc vào giữa đêm, gặp ác mộng. Chỉ cần tháo miếng dán vào ban đêm, các triệu chứng này sẽ giảm đi.

Sau khi bỏ TL, bạn sẽ tăng cảm giác thèm ăn, ăn ngon hơn, ăn vặt nhiều hơn,... do vậy dễ tăng cân. Để tránh tăng cân quá mức, nên thực hiện chế độ ăn hợp lý: Ăn sáng nhiều, trưa vừa phải, tối ít. Ăn uống đều đặn, tránh bỏ bữa, ăn ít mỡ, nhiều rau và đa dạng. Cần chuẩn bị sẵn một chút thức ăn vặt như trái cây, yaourt đề phòng có những lúc hạ đường huyết; tránh dùng kẹo, bánh ngọt làm thức ăn vặt vì sẽ dẫn đến tăng cân.

PV: Có loại thuốc nào hỗ trợ cai nghiện TL không, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Các loại thuốc dùng cho người cai nghiện TL thường là nicotine thay thế, Bupropion, Varenicline được chỉ định rộng rãi, trừ khi có chống chỉ định tuyệt đối. Mục tiêu là giúp giảm nhẹ hội chứng cai TL, làm quá trình cai TL diễn ra nhẹ nhàng hơn, kết quả làm tăng gấp đôi tỷ lệ cai TL thành công. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc là thành tố quan trọng trong cai nghiện TL, tăng cao hiệu quả tư vấn nhưng không thể thay thế tư vấn. Phối hợp tư vấn và thuốc bao giờ cũng hiệu quả hơn từng thành phần riêng biệt./.

PV: Xin cảm ơn BS!

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết