Cải thiện PCI là cải thiện môi trường đầu tư
Lo ngại về sự sụt giảm
Theo VCCI, PCI năm 2015 nhận được sự phản hồi của 10.158 DN tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 1.823 DN thành lập trong năm 2015 và gần 1.600 DN có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 43 quốc gia đang làm ăn tại Việt Nam.
Theo đó, năm 2015, Long An được xếp hạng 9 trên toàn quốc và đứng thứ 2 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với số điểm 60,86. So với năm 2014, Long An tụt 2 hạng, giảm 0,51 điểm và được xếp ở nhóm Tốt. Trong 10 chỉ số thành phần, Long An có 6/10 chỉ số có điểm số tăng (gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, đào tạo lao động và cạnh tranh bình đẳng) và 4 chỉ số có điểm giảm. Từng chỉ số có điểm tụt giảm là “tiếp cận đất đai” giảm 0,1 điểm; “tính minh bạch” giảm 0,37 điểm; “hỗ trợ DN” giảm 0,24 điểm; “thiết chế pháp lý” giảm 0,73 điểm.
Trong 4 chỉ số tụt giảm thì liên tiếp 4 năm, chỉ số “tiếp cận đất đai” tụt giảm. Tuy nhiên, so với năm 2014, năm 2015, tỉnh chỉ giảm 0,1 điểm số. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường - Huỳnh Thị Phép, thời gian qua, nhằm cải thiện chỉ số PCI, đặc biệt trên lĩnh vực tiếp cận đất đai, ngành Tài nguyên-Môi trường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, hạn chế thấp nhất phiền hà cho DN. Nhờ đó mà chỉ số tụt giảm ít hơn các năm trước.
Cải thiện PCI là cải thiện môi trường đầu tư
Tạo niềm tin cho doanh nghiệp
Trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với DN vào giữa năm 2015, nhiều DN phản ánh tuyến đường 30-4 (đường Hàn Quốc) thuộc địa bàn huyện Đức Hòa xuống cấp trầm trọng, nhất là đoạn đi qua Bệnh viện Đa khoa tư nhân Long An Segaero, gây khó khăn trong việc đi lại, chuyên chở hàng hóa. Với phản ánh này, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Nguyên chỉ đạo UBND huyện Đức Hòa phải sửa chữa ngay tuyến đường này. Căn cứ chỉ đạo của ông Nguyễn Thanh Nguyên, UBND huyện lập tức lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật, trình UBND tỉnh hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng. Được sự hỗ trợ từ UBND tỉnh, tuyến đường 30-4 được triển khai thi công sửa chữa với mức đầu tư hơn 1,1 tỉ đồng và hoàn thành vào cuối năm 2015.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trần Thế Luân cho biết, từ phản ánh của DN và cách xử lý công việc của UBND tỉnh cũng như UBND huyện Đức Hòa tạo niềm tin cho chủ DN. Ngoài ra, trước khi có văn bản chỉ đạo các ngành giải quyết những vấn đề liên quan đến DN, UBND huyện đều tổ chức đối thoại, lấy ý kiến của chủ DN khi xây dựng văn bản liên quan đến DN. Trong công tác giải quyết TTHC về đất đai cho DN, UBND huyện luôn có những chỉ đạo kịp thời nhằm giải quyết những khó khăn của DN.
Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, huyện tập trung giải quyết, hướng dẫn thủ tục cho Cty CP Ngọc Phong, Cty CP Bất động sản Trần Anh;...
Hiện nay, huyện Đức Hòa triển khai cơ chế một cửa liên thông ở 12 phòng, ban chuyên môn, nhằm tránh việc đi lại và phiền hà cho người dân cũng như DN.
Bến Lức là địa bàn kinh tế trọng điểm của tỉnh và cũng là nơi tập trung nhiều DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp. Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho biết, thời gian qua, huyện luôn tập trung thực hiện và có giải pháp cụ thể đối với các vấn đề nóng của huyện như: Giải tỏa đền bù, tái định cư, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đối thoại với chủ DN,...
Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ DN trong việc xác định giá đất, hoàn chỉnh các thủ tục nộp tiền sử dụng đất, xin thuê đất, nhất là đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Vấn đề kết nối DN với nguồn lao động cũng được Bến Lức quan tâm. Hằng năm, huyện chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tiến hành điều tra về cung - cầu lao động trên địa bàn; tổng hợp dự báo nhu cầu lao động. Sau đó, huyện đề ra kế hoạch đào tạo lao động nhằm gắn kết và củng cố hệ thống trung tâm, trường dạy nghề, giới thiệu việc làm. Nhờ làm tốt công tác dự báo cũng như đào tạo, hằng năm, huyện giới thiệu khoảng 7.000 lao động cho DN. Đồng thời, huyện cũng tăng cường năng lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện dịch vụ công theo hướng đa dạng hóa, mở rộng các loại hình dịch vụ sát với yêu cầu của DN.
Chỉ số PCI của Long An luôn nằm trong top 10 của cả nước
Cải thiện PCI là cải thiện môi trường đầu tư
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, mấy năm gần đây, chỉ số PCI của Long An luôn nằm trong top 10 của cả nước. Tuy nhiên, trong đó có sự tụt giảm, vì vậy, tỉnh cần tập trung thực hiện các giải pháp, phát huy sức mạnh và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từng bước cải thiện đáng kể điểm số và thứ hạng, nhất là ở những chỉ số giảm điểm nhằm khôi phục thứ hạng.
Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế - Nguyễn Văn Tiều, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác phối hợp nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc mà DN gặp phải trong quá trình hoạt động trên tinh thần đồng hành cùng DN. Bên cạnh đó, các hoạt động đối thoại với chủ DN cần được tăng cường, từ đó giải quyết kịp thời ý kiến, kiến nghị của DN nhằm nâng cao hiệu quả tiếp xúc với DN, tạo sự an tâm, hài lòng cho nhà đầu tư và thu hút đầu tư cho tỉnh tốt hơn.
Với tinh thần cầu thị, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường - Huỳnh Thị Phép cho biết thêm, thời gian qua, sở có nhiều nỗ lực cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai rất nhiều, thay đổi thường xuyên nên DN khó nắm bắt kịp; vì vậy, thời gian tới, sở tiếp tục hỗ trợ DN theo luật pháp quy định. Ngoài ra, sở tiếp tục thực hiện công tác cải cách TTHC; hạn chế thấp nhất sai sót; thường xuyên rà soát, cắt giảm hoặc đề xuất bãi bỏ các TTHC, những quy định không còn phù hợp; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC liên quan lĩnh vực ngành;... nhằm tạo thuận lợi cho người dân cũng như DN trong môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh./.
Thanh Tùng