Đã 29 năm trôi qua, sau trận hải chiến bảo vệ đảo đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) diễn ra ngày 14/3/1988, những dòng chữ trong bức thư người chiến sĩ Gạc Ma vẫn còn vẹn nguyên hào khí: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo!”.
Chúng tôi về thăm gia đình liệt sĩ Trần Văn Bảy - chiến sĩ tàu HQ 604 (SN 1966, trú tại thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) hy sinh cùng đồng đội trong trận chiến anh dũng bảo vệ Gạc Ma năm ấy.
Ông Thịnh (trái) cùng người thân trong gia đình
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, ông Trần Văn Thịnh (anh trai liệt sĩ Trần Văn Bảy) cho biết: “Mẹ tôi - bà Hà Thị Vạo có 8 người con 7 nam, 1 nữ thì có tới 4 người con trai xung phong lên đường nhập ngũ, nhưng chỉ có duy nhất chú Trần Văn Thu là trở về với quê hương".
Kể về liệt sĩ Trần Văn Bảy, ông Thịnh trầm tĩnh: “Lúc đó, Bảy làm đơn xin nhập ngũ nhưng xã kiên quyết không cho đi vì gia đình tôi lúc đó đã có hai anh trai là anh Trần Văn Uống hy sinh ở chiến trường B (Quảng Nam), Trần Văn Uộng hy sinh tại chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị)”.
Nhưng với trái tim tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, với lòng quyết tâm cống hiến tất cả để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Bảy đã xuống tận UBND huyện gặp Chủ tịch và xin đi bộ đội cho bằng được.
Di ảnh của liệt sĩ Trần Văn Bảy
Theo lời ông Thịnh, sau khi được cán bộ huyện chấp nhận cho nhập ngũ vào 2/1985, anh Bảy về nhà tâm sự với cha rằng: “Con là thanh niên, với trách nhiệm chúng con phải tham gia công tác gìn giữ và bảo vệ đất nước, theo chân hai anh trai đi trước…”.
Không ai trong gia đình ông Thịnh có thể ngờ rằng, ngày anh Bảy lên đường nhập ngũ cũng là lần cuối cùng các thành viên trong gia đình được nhìn thấy anh. Lá thư anh gửi về cho gia đình là những dòng tâm sự cuối cùng mà anh Bảy gửi lại cho đất liền - đó là báu vật thiêng liêng, là kỷ niệm còn sót lại của gia đình mỗi khi nhớ đến anh.
Lá thư cuối cùng ấy được anh Bảy viết vào ngày 3/3/1988 gửi về cho gia đình. Trong thư anh viết: “Tết trong này nói chung là vui vẻ, nhưng thiếu mỗi tình cảm thôi…”. Con vẫn khoẻ, bố mẹ và các anh chị cứ an tâm. Còn tình hình công tác, mồng 1 tháng 3 tàu rời Sài Gòn đi Cam Ranh, chở hàng Cam Ranh đi Trường Sa, cho nên ngày mai tàu con rời bến đi đảo, nói đi đảo Trường Sa có lẽ bố mẹ buồn, nhưng không có gì nguy hiểm cả...”.
“Tất cả con đã nói với anh hết rồi. Còn tình hình gia đình ra sao rồi, bố mẹ có được khỏe không? Tết vừa rồi gia đình và các anh chị ăn tết có to không? Chắc là gia đình mong con lắm phải không? Con không về thì gia đình cũng buồn nhỉ? Bệnh tình của mẹ sao rồi, có nguy hiểm lắm không? Bố có khỏe không? Các anh chị kinh tế có gì khó khăn không? Các cháu khỏe chứ, các cháu cố gắng ngoan học giỏi cho bố mẹ cháu mừng… Thôi con sơ qua vài lời để gia đình biết tin khỏi mong vậy thôi. Bố mẹ an tâm con sẽ trở về”.
Bức thư cuối cùng của liệt sĩ Trần Văn Bảy gửi về gia đình
Khi viết lá thư ấy, anh Bảy đang công tác tại tàu HQ 604. Ông Thịnh cho hay, mới ngày hôm trước nhận được thư của anh Bảy thì chiều ngày hôm sau nghe tên anh Bảy trong danh sách các chiến sĩ Hải quân hy sinh tại đảo Gạc Ma trên Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Thịnh như chết lặng.
“Lúc nghe đến tên Trần Văn Bảy, tôi làm rơi bát cơm xuống đất, nín lặng bỏ bữa cơm chạy ra ngoài, không dám báo hung tin cho mọi người”- ông Thịnh ngậm ngùi nói.
Ông Thịnh rơm rớm nước mắt: “Trước khi mẹ tôi mất có căn dặn chúng tôi rằng: “Phải tìm được di cốt của Bảy, đưa nó về quê hương. Nhưng có lẽ, lời trăng trối cuối cùng của mẹ tôi khó thực hiện được”. Những kỷ vật của liệt sĩ Trần Văn Bảy, trong đó có lá thư cuối cùng đã được gia đình đồng ý hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Hà Nam để lưu giữ và trưng bày.
29 năm đã trôi qua, tinh thần, ý chí anh dũng của người chiến sĩ Gạc Ma năm ấy vẫn còn nguyên vẹn trong bức thư anh gửi về đất liền. Máu của anh và đồng đội đã hòa vào biển xanh. Biển bao la, mênh mông như tấm lòng của mẹ, giang rộng cánh tay ôm anh và đồng đội vào lòng, sóng vẫn ngân nga mãi bản hùng ca của người chiến sỹ kiên trung.../.
Theo VOV.VN