Tiếng Việt | English

05/05/2024 - 08:19

Cảm xúc Điện Biên 

Đã đến nhiều vùng, địa danh của đất nước nhưng cảm xúc khi đặt chân đến Điện Biên vẫn để lại trong tôi những điều rất đặc biệt. Nơi có những cảnh sắc thiên nhiên núi rừng hùng vĩ của những cánh rừng hoa ban đẹp đến nao lòng. Hơn hết, mảnh đất ấy còn là chứng tích của Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Khách tham quan các hoạt hình trong Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cách đây vài tháng, trong chuyến đi Tây Bắc, đoàn chúng tôi đã đến nhiều địa phương. Trong hành trình ấy, chúng tôi đã đến và lưu trú tại TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên 2 ngày.

Khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng phần nào chúng tôi cũng cảm nhận được tình đất, tình người và lịch sử hào hùng của vùng đất Điện Biên.

Trong đoàn chúng tôi, có người đã từng đến nơi này nhưng cũng có người mới đặt chân đến lần đầu. Những cung đường dốc và những dải núi rừng hùng vĩ đã làm những vị khách đến từ Vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ thích thú.

TP.Điện Biên Phủ đón chúng tôi vào một buổi chiều mát mẻ, khung cảnh hữu tình, cùng những con người thân thiện. Ngay trong đêm, tôi đón xe lướt qua những dãy phố phường của TP.Điện Biên Phủ.

Trên chuyến xe taxi, tôi hỏi nhiều về những địa danh, công trình di tích lịch sử như Cánh đồng Mường Thanh, Đèo Pha Đin, Mường Nhé, Đồi A1, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Đền thờ liệt sĩ Điện Biên Phủ,  Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ (nghĩa trang A1), Hầm De Castries,...

Di tích Hầm De Castries

Hóa ra, nhiều địa điểm ấy cũng ở ngay gần với khách sạn nơi chúng tôi lưu trú ở TP.Điện Biên Phủ. Trong cảm giác hơi mệt, xây xẩm của chuyến đi dài trên những cung đường đèo, dốc ngả nghiêng từ Sơn La qua, đêm hôm ấy tôi chờ đợi trời mau sáng để được khám phá, tham quan những địa danh và di tích lịch sử vốn chỉ từng nghe và biết qua những trang sách, báo.

6 giờ sáng, không khí của miền Tây Bắc thật dễ chịu, chúng tôi đến địa điểm đầu tiên trong chuyến hành trình mang tên Đồi A1. Rồi sau đó là Đồi D1, Đền thờ liệt sĩ Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ, hầm De Castries, tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ,... Và điểm cuối cùng trong ngày chúng tôi đến là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Ở mỗi địa danh, di tích lịch sử chúng tôi đến đều để lại nhiều ấn tượng đặc biệt sâu sắc. Những hình ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ như những thước phim quay chậm, tái hiện cho chúng tôi về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân ta với “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Thế hệ trẻ hôm nay thắp nén nhang tri ân tại các phần mộ các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ, chúng tôi kính cẩn thắp những nén nhang thơm tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với những anh hùng liệt sĩ quê ở mọi miền đất nước đang an nghỉ tại đây.

Tôi đã đứng trầm ngâm, cúi đầu khá lâu trước 4 ngôi mộ lớn được đặt trang trọng, ghi tên 4 anh hùng liệt sĩ: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn và Trần Can. Đó là những biểu tượng về tinh thần dũng cảm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Qua quan sát, trong số những hàng mộ dày đặc tại nghĩa trang liệt sĩ, chúng tôi thấy có nhiều bia mộ ghi chưa biết tên. Như lời một người dân địa phương, không chỉ ở đây mà rất nhiều phần mộ liệt sĩ được quy tập về Nghĩa trang Him Lam, Nghĩa trang Độc Lập của tỉnh Điện Biên cũng đều chưa biết tên tuổi, địa chỉ.

Nhìn những hàng mộ trải dài tít tắp, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn những mất mát, đau thương của chiến tranh. Để giành lại hòa bình, độc lập, để có được chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", biết bao người đã ngã xuống.

Khách tham quạn và chiêm ngưỡng bức tranh panorama Trận chiến Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được tham quan, tìm hiểu nhiều hiện vật được quân và dân ta sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Nếu bên kia là những khí tài tối tân, hiện đại nhất thì phía ta là những gì thô sơ, thủ công nhất. Nhưng chúng ta đã làm nên điều phi thường mà thực dân Pháp không ngờ tới.

Tôi và các thành viên trong đoàn như đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi được tận mắt nhìn thấy những hiện vật thực tế rất thô sơ nhưng cha, ông ta đã sử dụng để đánh và giành chiến thắng trước một đội quân hùng mạnh của thế giới. Đó là những dụng cụ cuốc, xẻng để đào hầm, mở đường,... Đó là hình ảnh chiếc xe đạp thồ lương thực, vũ khí. Đó còn là những góc hình ảnh về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - những người lãnh đạo, vị tướng tài ba đã có công rất lớn trong chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử và giải phóng dân tộc.

"Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng".

Chiếc xe đạp thồ trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Hình ảnh Bộ đội kéo pháo được tái hiện bằng mô hình

Hình ảnh tái hiện người dân và Bộ đội dùng những dụng cụ thô sơ phá đá mở đường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Và tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đoàn chúng tôi được chiêm ngưỡng Bức tranh panorama Trận chiến Điện Biên Phủ. Đây là một trong những bức tranh lớn nhất thế giới.

Theo người thuyết minh, bức tranh panorama Trận chiến Điện Biên Phủ có chiều dài 132m, cùng với phần mái vòm liền kề đã tạo ra một bề mặt tranh có diện tích lên đến hơn 3.225m2 với hơn 4.500 nhân vật và khung cảnh núi rừng Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện chân thực, sống động.

Với chất liệu acrylic trên nền vải toan, bức tranh được vẽ liên hoàn theo một vòng tròn trong không gian 360 độ, cao 20,5m, dài 132m, đường kính 42m, kết hợp nghệ thuật phù điêu và sắp đặt hiện vật.

Bức tranh khổng khổ được hơn 200 họa sĩ vẽ, do ông Nguyễn Văn Mạc - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo tồn di sản văn hóa phụ trách thực hiện từ tháng 11/2019 đến tháng 5/2021 hoàn thành, đến năm 2022 mở cửa đón khách tham quan.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ sừng sững

Trích lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Bức tranh tái hiện sống động 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tác phẩm Trận chiến Điện Biên Phủ được chia làm bốn trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử; Chiến thắng. Tất cả đã tạo nên một pho sử hoành tráng, sống động bằng tranh về chiến dịch Điện Biên Phủ.

2 ngày tại TP.Điện Biên Phủ với những kỷ niệm thật khó quên với đất và người ở nơi này. Tạm biệt Điện Biên, tạm biệt TP.Điện Biên Phủ, vùng đất phía Tây Bắc thiêng liêng và hùng vĩ của Tổ quốc, đoàn chúng tôi trở lại Long An, vùng đất ở miền Tây Nam Bộ nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bồi hồi xao xuyến, xen lẫn tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc. Nơi mà 70 năm trước, cha, ông ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Hẹn Điện Biên một ngày không xa sẽ trở về./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết