Giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới
Ông Thạch Sa Thi - người dân khu vực biên giới, phấn khởi: “Trước đây, tình hình an ninh, trật tự ở đây phức tạp lắm! Từ ngày có ĐBP Bình Thạnh đóng quân, an ninh, trật tự được bảo đảm. Nhờ vậy, người dân yên tâm bám đất, bám làng, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng lên, số hộ khá, giàu tăng”.
Đồn Biên phòng Bình Thạnh tặng quà người nghèo khu vực biên giới
ĐBP Bình Thạnh hiện quản lý đường biên giới dài gần 10km với 4 vị trí mốc chính. Thiếu tá Phạm Khắc Thụ - Chính trị viên ĐBP Bình Thạnh, thông tin, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị định 34/2014/CP của Chính phủ, Hiệp ước bổ sung Hiệp ước 1985 về công tác phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, đồn còn phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền Đề án 03-1133 về Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới giai đoạn 2014-2016; tuyên truyền các văn bản về quản lý, bảo vệ biên giới và các thỏa thuận của Ủy ban Liên hợp Biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Với phương châm: “Ở đâu có đường biên, cột mốc, ở đó có quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ”, người dân biên giới luôn có ý thức cao về chủ quyền biên giới quốc gia, tự nguyện tham gia thực hiện tốt phong trào, nắm rõ vị trí, lịch sử của đường biên, cột mốc; kịp thời phát hiện, báo cáo cho lực lượng chức năng những thông tin liên quan đến công tác đấu tranh bảo vệ biên giới. “Hàng ngày, CBCS đồn chuyển báo chí đến người dân khu vực biên giới đọc, cập nhật tin tức trong và ngoài tỉnh, nhất là những vấn đề liên quan đến tình hình biên giới, hải đảo. Qua đó, giúp chúng tôi ý thức được nhiệm vụ, trách nhiệm của mình đối với quê hương, thường xuyên theo dõi và phát hiện sớm những vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự biên giới, báo cho chính quyền và ĐBP để kịp thời có biện pháp xử lý” - ông Nguyễn Văn Đa - người dân địa phương, bộc bạch.
Song song với thường xuyên phối hợp các cơ quan, đoàn thể, công an, xã đội tổ chức phát quang đường tuần tra, khu vực cột mốc, giữ gìn các dấu hiệu của đường biên, mốc giới, ĐBP Bình Thạnh còn tăng cường hợp tác, phối hợp phía bạn Campuchia trong việc nắm bắt, trao đổi, thông báo tình hình liên quan đến an ninh, trật tự 2 bên biên giới để cùng nhau giải quyết hiệu quả nhất những vụ việc xảy ra; đồng thời, tạo điều kiện cho người dân 2 bên qua lại thăm thân nhân, sản xuất, kinh doanh, mua bán, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.
Nâng bước em đến trường
Theo Thiếu tá Phạm Khắc Thụ, cuộc sống của người dân ở địa bàn đồn phụ trách còn khó khăn. Để con em mình được đến trường, nhiều gia đình phải cật lực làm thuê, làm mướn. Chia sẻ với nỗi khó nhọc của người nghèo, những năm qua, đồn vận động các tổ chức, cá nhân và CBCS trong đơn vị quyên góp gây quỹ, tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà học sinh nghèo, động viên các em vươn lên trong học tập. Năm học 2018-2019, thực hiện chương trình Nâng bước em đến trường, đồn phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường chọn 3 học sinh hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, có ý chí vươn lên trong học tập để hỗ trợ, giúp đỡ (2 em nội biên và 1 em ngoại biên) mỗi em 500.000 đồng/tháng.
Đồn Biên phòng Bình Thạnh phối hợp Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Cụm thi đua số 2 trực thuộc Tỉnh đoàn tặng quà học sinh khu vực biên giới
Lương Minh Hoài - học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Bình Thạnh, có hoàn cảnh hết sức khó khăn, cha mẹ em không có nghề nghiệp ổn định, không ruộng đất, chủ yếu đi làm thuê kiếm sống. “Gia đình em có 4 anh em đều trong độ tuổi ăn học, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên 2 anh phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình. Từ khi được CBCS biên phòng nhận đỡ đầu, gia đình em giảm bớt gánh nặng, tiếp thêm động lực để em vươn lên học tập tốt” - Minh Hòa thổ lộ.
“Bên cạnh thực hiện chương trình Nâng bước em đến trường, đồn còn thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ tiền, dụng cụ học tập để hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn; đồng thời, giúp người dân lao động, sản xuất, hỗ trợ quà tết, xây tặng nhà tình thương, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân biên giới” - Thiếu tá Phạm Khắc Thụ thông tin thêm.
Phát huy truyền thống vẻ vang của Bộ đội Biên phòng, CBCS ĐBP Bình Thạnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc. Hình ảnh CBCS quân hàm xanh luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân biên giới về hoạt động an sinh xã hội, nhất là quan tâm, hỗ trợ người nghèo, nâng bước học sinh khó khăn đến trường, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh./.
Phong Nhã