Tiếng Việt | English

05/12/2018 - 09:04

Người dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", Đồn Biên phòng (ĐBP) Bình Thạnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Phát quang khu vực cột mốc 200

Hiệu quả từ phong trào

ĐBP Bình Thạnh đóng quân trên địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Thực hiện phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, người dân tham gia cùng lực lượng bộ đội BP bảo vệ đường biên, mốc giới. Đại úy Phạm Khắc Thụ - Chính trị viên phó ĐBP Bình Thạnh, cho biết: “Ngay từ những ngày đầu thực hiện phong trào, Đảng bộ, chính quyền xã Bình Thạnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể của địa phương phối hợp chặt chẽ với đồn xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn, đấu tranh chống buôn lậu đạt hiệu quả cao; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị định 34/2014/CP của Chính phủ, Hiệp ước bổ sung Hiệp ước 1985 về công tác phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, góp phần giữ vững và ổn định tình hình an ninh, trật tự trên tuyến biên giới. Đồn chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp duy trì các cuộc họp giao ban đối ngoại, giải quyết các vụ việc xảy ra trên biên giới và đề ra phương hướng, chỉ đạo kịp thời, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, tinh thần trách nhiệm, ý thức của cán bộ, nhân dân trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh - Nguyễn Văn Cương cho biết: “Thời gian qua, ĐBP Bình Thạnh thực hiện hiệu quả các phong trào: Chung sức xây dựng nông thôn mới; Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh;... Đồn phối hợp vận động, hướng dẫn người dân đăng ký thực hiện tốt các nội dung: Gia đình không có người vi phạm pháp luật, không có người phạm tội, không có người tàng trữ, mua bán và sử dụng chất ma túy, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu,... gắn với các mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; vận động các cụ cao niên, những người có uy tín gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào, thành lập tổ an ninh tự quản, tổ dân quân tự vệ,... Qua đó, nhận thức của người dân biên giới được nâng lên và hiểu hơn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

ĐBP Bình Thạnh còn thực hiện tốt công tác đối ngoại BP, tăng cường hợp tác, phối hợp phía bạn Campuchia trong việc nắm bắt, trao đổi, thông báo tình hình liên quan đến an ninh, trật tự 2 bên biên giới để cùng nhau giải quyết hiệu quả nhất những vụ việc xảy ra; đồng thời tạo điều kiện cho người dân 2 bên qua lại thăm thân nhân, sản xuất, kinh doanh, mua bán, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Mỗi người dân là một chiến sĩ biên phòng

Với phương châm “Ở đâu có đường biên, cột mốc, ở đó có quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ”, người dân biên giới luôn có ý thức cao về chủ quyền biên giới quốc gia, tự nguyện tham gia thực hiện tốt phong trào, nắm rõ vị trí, lịch sử của đường biên, cột mốc, do đó luôn theo dõi và phát hiện sớm vụ việc liên quan đến an ninh biên giới, báo cho chính quyền và ĐBP để kịp thời có biện pháp xử lý.

Giao lưu bóng chuyền

Ông Nguyễn Văn Độc, ngụ ấp Mây Rắc, xã Bình Thạnh, chia sẻ: “Năm qua, người dân phát hiện, báo cho đồn hàng chục nguồn tin liên quan đến công tác đấu tranh bảo vệ biên giới. Chúng tôi thường xuyên tổ chức phát quang đường tuần tra, khu vực cột mốc, giữ gìn các dấu hiệu của đường biên, mốc giới. Trong thực hiện phong trào, có nhiều cách làm hay và xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong bảo vệ đường biên, mốc giới. Người dân biên giới luôn tạo điều kiện thuận lợi cho ĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ, bố trí nơi ăn, nghỉ cho cán bộ, chiến sĩ trên đường tuần tra. Vào các dịp lễ, tết, người dân đến thăm hỏi, động viên, tặng quà đơn vị,... Những việc làm đó tạo nên sự đoàn kết, gắn bó quân - dân, là nguồn động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, xem “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”.

Bên cạnh việc động viên người dân thực hiện tốt phong trào bảo vệ đường biên, mốc giới, chính quyền địa phương và đồn còn tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất,... Nhờ vậy, người dân biên giới yên tâm bám đất, bám làng, đoàn kết phát triển KT-XH.

Phong trào đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thế trận quốc phòng toàn dân được củng cố; an ninh, trật tự biên giới được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đời sống người dân biên giới ngày càng phát triển./.

Thanh Chương

Chia sẻ bài viết