Tiếng Việt | English

23/06/2015 - 11:21

Cần chủ động phòng, chống các bệnh mùa nóng

Vào mùa hè, với đặc điểm nóng ẩm là thời điểm thuận lợi của nhiều bệnh, trong đó đáng lưu ý nhất là các bệnh do nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Đặc biệt, ở trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên vào mùa nắng nóng có nguy cơ cao mắc một số bệnh nguy hiểm.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bác sĩ chuyên khoa 1 - Ngô Văn Hoàng cho biết: “Trong mùa hè, các trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh thường mắc các bệnh như: Bệnh rôm sảy, tiêu chảy cấp, tay-chân-miệng, sốt xuất huyết, viêm màng não và bệnh sởi”.

Cũng theo bác sĩ Ngô Văn Hoàng, bệnh tiêu chảy cấp có thể do vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn lỵ, thương hàn, tả,... hoặc virus, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Cơ chế gây bệnh có thể do độc tố của vi khuẩn gây ra, triệu chứng thường xuất hiện sớm (dưới 6 giờ sau khi nhiễm bệnh).

Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, việc quan trọng nhất là đánh giá mức độ mất nước và bù nước điện giải bằng đường uống với dung dịch oresol. Truyền dịch chỉ thực hiện khi mất nước nặng, trẻ nôn nhiều, không thể uống được hoặc tiêu chảy rất nhiều không thể bù kịp bằng đường uống.

Mùa hè, bệnh rôm sảy thường xuất hiện ở trẻ nhỏ. Đây là hiện tượng viêm các nang tuyến chân lông khiến chúng lồi lên mặt da thành các bọc nước nhỏ, đỏ và ngứa ngáy. Nguyên nhân chủ yếu là do bít tắc lỗ chân lông bởi các chất bẩn. Đặc biệt, khi thời tiết nắng nóng, cơ thể tăng cường hoạt động của các tuyến mồ hôi và tuyến nhầy trong cơ chế tăng thải nhiệt.

Xử lý đơn giản là tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng hay quả chanh nhằm thông các ống thoát đổ ra ngoài của các tuyến trên bề mặt da. Khi nặng hơn và cần thiết thì có thể bôi các loại kem chống viêm chứa sterocorticoid. Đặc biệt ở trẻ nhỏ, nếu không chú ý lau sạch và khô mồ hôi thì chỉ sau vài giờ, những vùng da kín như bẹn, nách, cổ (dưới cằm), khe mông có thể nổi mụn ngứa, thậm chí loét da.

Cần tiêm ngừa các bệnh theo chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng, chống các bệnh

Mùa hè còn là điều kiện để virus gây bệnh tay-chân-miệng, thủy đậu, zona (giời leo) xuất hiện. Nguyên nhân do thời tiết nóng nực, gây đau họng, sổ mũi, đó là triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi trẻ bị nhiễm virus từ 3-5 ngày. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em, lây rất nhanh, dễ lan thành dịch làm nhiều người mắc. Nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm não dẫn đến tử vong ở trẻ.

Hiện chưa có vắc-xin tiêm phòng cho trẻ nên biện pháp phòng tránh bệnh chủ yếu là thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ, kể cả người chăm sóc trẻ. Nếu phát hiện trẻ mắc bệnh, hãy đưa đến các bệnh viện gần nhất để kiểm tra và điều trị.

Không chỉ vậy, vào đầu mùa mưa, các bậc cha mẹ cần chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cho trẻ. Bệnh do muỗi đốt mang virus bệnh sốt xuất huyết gây ra.

Cùng với đó, sởi và viêm màng não ở trẻ là những bệnh xuất hiện trong mùa hè. Trẻ mắc tay-chân-miệng biến chứng thành bệnh viên màng não ở trẻ. Các bậc phụ huynh cần rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ, rửa tay trẻ thường xuyên, lau chùi nhà cửa, đồ chơi của trẻ bằng chất sát khuẩn thông thường, vệ sinh như tắm cho bé và chăm sóc bé thật tốt, tránh tình trạng trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng. Nếu trẻ bị sốt cao đột ngột, nổi bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông thì nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời (lưu ý trẻ dưới 5 tuổi).

Riêng bệnh sởi ở trẻ là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên. Bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp. Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là: Sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau: Ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch, sưng đau khớp.

Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm nên bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: Mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sẩy thai, đẻ non.

Để phòng tránh bệnh, cần đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh sởi theo đúng lịch tiêm phòng vắc-xin sởi. Ngoài ra, cần thường xuyên vệ sinh thân thể cho các trẻ nhỏ để tránh mắc một số bệnh về đường hô hấp. Ngoài các bệnh trên, vẫn còn một số bệnh khác như ngộ độc thực phẩm và say nắng ở trẻ, các bậc phụ huynh cần chú ý để trẻ có sức khỏe tốt trong mùa hè.

Nhằm góp phần tham gia hoạt động hè năm 2015 cho học sinh trong tỉnh, ngành Y tế đã tổ chức tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm; giáo dục sức khỏe cho học sinh về biện pháp phòng ngừa các bệnh thường gặp trong mùa hè như: Tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, sốt phát ban; tuyên truyền phòng, chống nhiễm giun ở trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS.

Ngành Y tế phối hợp Hội Chữ thập đỏ tuyên truyền phòng, chống thảm họa, tai nạn thương tích ở trẻ em, hướng dẫn các kỹ năng sơ cấp cứu: Đuối nước, điện giật, tai nạn giao thông.

Song song đó, tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho thanh thiếu nhi và nhân dân, hướng dẫn chăm sóc răng, mắt cho các em trong mùa hè.

Đặc biệt, ngành còn tổ chức tư vấn, khám, điều trị sức khỏe sinh sản vị thành niên và cung cấp các biện pháp tránh thai cho lứa tuổi vị thành niên trong dịp hè.

 

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết