Tiếng Việt | English

16/05/2017 - 05:30

Cần đầu tư thỏa đáng hơn Khu bảo tồn sinh thái Láng Sen - Long An

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An - Đỗ Hữu Lâm có chuyến công tác đến thăm và làm việc với Ban Giám đốc Khu bảo tồn (KBT) Đất ngập nước Láng Sen tại huyện Tân Hưng, Long An; cùng dự có Bí thư Huyện ủy Tân Hưng - Lương Sơn Cầu.


Đoàn công tác nghe báo cáo về hoạt động của KBT Láng Sen

KBT Đất ngập nước Láng Sen với tổng diện tích 4.802ha, chia làm 12 tiểu khu, trong đó, riêng khu vực vùng lõi khoảng 2.000ha được bảo vệ nghiêm ngặt, khu rừng tràm kinh tế với diện tích 1.200ha và vùng đa dạng sinh học trên địa bàn 3 xã: Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.

Với hệ sinh thái đa dạng cùng hệ động, thực vật phong phú, mỗi năm vào mùa nước nổi, đây chính là nơi trú ngụ của hàng trăm ngàn cá thể chim di trú. Trong đó, có nhiều loài quý hiếm: Sếu đầu đỏ, quắm đen, điên điển,... và các loài cá hiếm khi xuất hiện ngoài tự nhiên: Cá tra dầu, cá hô, cá éc mọi, cá chài,...


Hoa sen làm cho khu bảo tồn thêm sinh động, dịu mát. Ảnh: Ngọc Mận

Ngày 22/5/2015, KBT Đất ngập nước Láng Sen chính thức được công nhận là khu Ramsar thứ 2.227 trên thế giới và là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam. Chính vì vậy, công tác bảo tồn, gìn giữ môi trường sống của hệ động, thực vật tự nhiên trong KBT luôn được cán bộ, nhân viên và người dân chung sức tham gia.

Việc gìn giữ, phát huy vai trò, hiệu quả KBT Láng Sen góp phần vào việc bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ các nguồn gen quý hiếm cho nghiên cứu khoa học, thông qua các biện pháp bảo vệ như cấm săn bắt, phá rừng, từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân trong vùng...


Chụp ảnh lưu niệm tại KBT Láng Sen

Tại buổi làm việc, Giám đốc KBT - Trương Thanh Sơn và Phó Giám đốc - Nguyễn Công Toại báo cáo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể cán bộ, nhân viên KBT trong việc phối hợp chính quyền, nhân dân địa phương cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn môi trường sống cho hệ động, thực vật, bảo tồn, lưu giữ, phục hồi cảnh quan, môi trường sinh thái và phát triển du lịch nơi đây.


Từng đàn cá thể chim (ảnh: Cá thể Giang Sen) di trú giữa KBT Đất ngập nước Láng Sen. Ảnh: Ngọc Mận

Đồng thời, nêu một số khó khăn, bức xúc cần được lãnh đạo tỉnh quan tâm: Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhân dân nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và hệ sinh thái KBT; đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu, lưu trữ mẫu động, thực vật, gen; công tác cán bộ; xây dựng hệ đài quan sát theo dõi hoạt động các loài chim từ xa, quan sát cháy rừng, trạm bơm phục vụ chống hạn trong mùa khô,...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu của cán bộ KBT trong việc vượt qua khó khăn, ổn định tư tưởng, an tâm công tác, giúp duy trì và ngày càng phát triển hệ động, thực vật KBT, đây là niềm tự hào của tỉnh Long An; lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư thỏa đáng hơn cho việc duy trì và phát huy hiệu quả KBT Láng Sen trong thời gian tới./.

Thanh Hùng

Chia sẻ bài viết