Tiếng Việt | English

14/09/2016 - 16:39

Khai thác hiệu quả du lịch từ Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

Khu Bảo tồn đất ngập nước (KBTĐNN) Láng Sen, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An hiện vẫn giữ được nét hoang sơ của tự nhiên, ít chịu tác động từ con người. Tập thể cán bộ nơi đây đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để từng bước khai thác hiệu quả vùng đất này.


KBTĐNN Láng Sen có tổng diện tích 5.030ha trên địa bàn xã Vĩnh Lợi và một phần thuộc xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng

Tiềm năng du lịch

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Phạm Văn Trấn chia sẻ: “Để khai thác tiềm năng du lịch của KBTĐNN Láng Sen cũng như để nơi đây trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu của Long An, kết nối hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành chức năng đề xuất, kiến nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 24/ND-HĐND, ngày 22-7-2016 về việc bổ sung danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề; y tế; văn hóa; thể dục-thể thao; môi trường trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở áp dụng chính sách xã hội hóa mời gọi đầu tư”.

Được biết, hiện nay, Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái đang tiến hành lập dự án tiền khả thi Khu du lịch sinh thái Trần Thái Láng Sen, có quy mô khoảng 100ha/5.030ha vị trí vùng đệm của KBT, nhằm phát triển các dịch vụ phù hợp trên nền tảng bản sắc văn hóa, truyền thống và lối sống địa phương kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với giáo dục về bảo vệ môi trường, tài nguyên đa dạng sinh học đất ngập nước.

Khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường

Phó Giám đốc KBTĐNN Láng Sen - Nguyễn Công Toại cho biết: Cả KBT chỉ có 41 cán bộ, nhân viên. Hàng ngày, lực lượng bảo vệ vẫn xuyên rừng thay nhau tuần tra 24/24, bảo đảm đóng quân trên 7 chốt. Nơi đây đang thí điểm thực hiện mô hình nông nghiệp thông minh hay còn gọi là mô hình nông nghiệp giảm phát thải nhằm hạn chế rác thải, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường, gây ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản ở KBT.


Hoa sen làm cho khu bảo tồn thêm sinh động, dịu mát

Mô hình nông nghiệp thông minh được phối hợp với Tổ chức Động vật hoang dã Thế giới (WWF) thực hiện. Hiện có 9 nhóm, 140 thành viên tham gia, với nguồn vốn xoay vòng 960 triệu đồng do WWF hỗ trợ. Phó phòng Vùng đệm và Phát triển cộng đồng KBTĐNN Láng Sen - Nguyễn Thanh Nhu chia sẻ: “Mô hình giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn những giá trị đang hiện hữu tại KBT. Người dân dần từ bỏ thói quen săn bắt chim rừng và tàn phá tự nhiên. Với nguồn vốn xoay vòng này, người dân sử dụng để nuôi trồng thủy sản, trồng nấm và trồng lúa theo hướng khoa học, hiện đại vừa góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ sinh cảnh đa dạng sinh học trong KBT, vừa giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập”.

“Nơi đây sẽ trở thành điểm trung tâm về du lịch sinh thái và giáo dục về tài nguyên đa dạng sinh học đất ngập nước Đồng Tháp Mười. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, lượng khách trong nước đến KBTĐNN Láng Sen là 30.000 người/năm với thời gian lưu trú 2 ngày/người. Lượng khách quốc tế là 200 người/năm với thời gian lưu trú 2 ngày/người” - ông Nguyễn Công Toại cho biết thêm.

Để khai thác hiệu quả đi đôi với bảo vệ môi trường, dự kiến khu du lịch sinh thái sẽ được hình thành ở bờ bên kia kênh 79 nhằm hạn chế tiếng ồn và sự tác động đến môi trường sống của các loài động vật, vì mọi hoạt động chỉ diễn ra phía bên ngoài vùng lõi. Và những con đường để khách tham quan nếu được hình thành cũng sẽ đề nghị dùng xe điện để hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên.


Từng đàn Giang Sen di trú giữa KBTĐNN Láng Sen

Bên cạnh đó, người dân sẽ phối hợp KBT ký cam kết vừa bảo vệ, vừa khai thác các phụ phẩm như rau dại, bông điên điển, bông súng,... Vì nếu không khai thác, khi qua mùa, các loại này cũng chết đi, rất uổng phí. Riêng những cây tràm nhỏ bị cây lớn ép chết, không khai thác sẽ dần hình thành lớp thực bì, dễ gây nên hỏa hoạn.

Để KBT được khai thác hiệu quả cũng như lưu giữ mãi những loại động, thực vật hoang dã quý hiếm, rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng và sự chung tay bảo vệ của người dân./.

KBTĐNN Láng Sen có tổng diện tích 5.030ha trên địa bàn xã Vĩnh Lợi và một phần thuộc xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, trong đó có một giới hạn tự nhiên khá đặc biệt là một “cù lao” với diện tích khoảng 1.500ha, là một vùng đầm lầy có nhiều sinh cảnh thích hợp cho động thực vật ưa nước và là nơi dễ khôi phục các hệ sinh thái đồng cỏ, bãi ăn của nhiều loài chim nước, được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Tây. Vùng đất này chính thức trở thành khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 trên thế giới. Thực vật hoang dã trong KBTĐNN Láng Sen khá phong phú với 156 loài. Kết quả điều tra chưa đầy đủ cho thấy, ở KBT có 149 loài động vật có xương sống (không kể cá). Trong tổng số các loài động vật thì có tới 13 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích