Tiếng Việt | English

01/11/2019 - 06:50

Cần Đước: Trung tâm phát triển nông thôn Saemaul Undong làm việc về chương trình OCOP

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM - Giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn Saemaul Undong làm trưởng đoàn làm việc với UBND huyện Cần Đước, tỉnh Long An về thực hiện chương trình OCOP.

Trung tâm phát triển nông thôn Saemaul Undong làm việc tại Cần Đước về chương trình OCOP

Đoàn trao đổi về công tác quản lý lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ về chương trình OCOP, tinh thần Saemaul Undong, hướng tạo giá trị tăng thêm cho 2 sản phẩm chủ lực của Cần Đước là cải bẹ xanh Long Khê và lạp xưởng Cô Châu, chuẩn hóa sản phẩm tham gia chương trình OCOP, quảng bá và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cải bẹ xanh Long Khê và lạp xưởng Cô Châu là 2 trong số nhiều sản phẩm của tỉnh Long An được chọn trong chương trình OCOP. Tổng nguồn vốn thực hiện dự án cho 2 sản phẩm này là 670 triệu đồng. Để chuẩn hóa 2 sản phẩm này, huyện hỗ trợ 50% vốn của Chương trình OCOP xây dựng khu chế biến, lắp đặt hệ thống sấy lạnh, đóng gói, trục in bao bì phục vụ đóng gói, bảo quản thành phẩm, bảo đảm năng suất đạt khoảng 500kg nguyên liệu/ngày; đa dạng hóa sản phẩm lạp xưởng, tạo sản phẩm lạp xưởng ăn liền, tạo ra dòng sản phẩm cao cấp, nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản; đầu tư máy xay trộn, máy tiệt trùng, máy sấy sản phẩm ăn liền, máy phân khúc, tạo website quảng bá, đăng kí mã vạch tem truy xuất nguồn gốc,...

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ về khoa học công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: Rà soát, xây dựng, công bố, hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa, áp dụng công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm và đăng ký bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn.

Ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục hành chính, tranh thủ nguồn vốn, phân bổ cho hợp tác xã và doanh nghiệp để dự án hoàn thành cuối năm 2019. Từ đó, khẳng định chất lượng sản phẩm, lan tỏa thương hiệu sản phẩm cải bẹ xanh và lạp xưởng của huyện Cần Đước./.

Kim Thoa 

Chia sẻ bài viết