Tiếng Việt | English

12/10/2019 - 09:15

Cần giải pháp hiệu quả trong sử dụng, xử lý lục bình

Hiện, lục bình vẫn phát triển tràn lan trên các sông, kênh, rạch; ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, đời sống và sản xuất. Nhân dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Long An có giải pháp quyết liệt trong việc trục vớt lục bình trên các tuyến sông, rạch; hỗ trợ, hướng dẫn người dân tận dụng cây lục bình để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hoặc làm phân bón.

Lục bình vẫn phát triển, cản trở giao thông đường thủy

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến đề nghị lãnh đạo tỉnh có giải pháp quyết liệt, triệt để hơn trong việc chỉ đạo trục vớt lục bình trên các tuyến sông rạch. Đây cũng là vấn đề cử tri các huyện Đồng Tháp Mười quan tâm, phản ánh nhiều năm nay.

Theo đó, từ những năm trước đây, UBND tỉnh chỉ đạo phân công, phân cấp nhiệm vụ vớt lục bình, ở phạm vi hành chính của địa phương nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm làm sạch lục bình trên sông, kênh, rạch. Đồng thời, nghiêm cấm các hoạt động thả chà trên kênh, sông, rạch.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Long An yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường cấp huyện, chỉ đạo cấp xã, ấp huy động lực lượng đoàn thể và nhân dân thực hiện. Đồng thời, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 04/4/2014 của UBND tỉnh, kiểm tra, kiên quyết xử lý các hoạt động thả chà trên kênh, sông, rạch để lưu giữ lục bình. Các địa phương phải chủ động huy động các nguồn lực và vận động nhân dân thường xuyên vớt, diệt lục bình trên sông rạch để bảo đảm tưới tiêu, lưu thông đường thủy và vệ sinh môi trường.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) triển khai thực hiện 3 đề tài liên quan đến xử lý, tận dụng nguyên liệu cây lục bình. Trong đó, có đề tài “Nghiên cứu áp dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất và sơ chế, nguyên liệu rơm và lục bình”; đề tài “Nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ từ lục bình” đã định lượng được cơ bản tỷ lệ phối trộn giữa lục bình với phân chuồng, các loại phân vô cơ khác để làm phân bón khá hiệu quả; đề tài "Quy trình sản xuất nấm rơm và nấm bào ngư trên nguồn nguyên liệu rơm và lục bình" hiện đã có các cơ sở và cá nhân ứng dụng sản xuất hiệu quả.

Bên cạnh đó, Sở ứng dụng kết quả từ đề tài “Ứng dụng công nghệ biogas xử lý lục bình ở Tây Ninh” của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ Tây Ninh để làm các mô hình biogas từ lục bình .

Đồng thời, đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống máy, thiết bị cắt rong, cỏ dại, vớt bèo tây, rác thải nổi trong lòng kênh, mương, hồ chứa nước” của Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM thiết kế, chế tạo máy cắt – vớt rong, lục bình thành công. Tuy nhiên, hiện giá trị 1 máy lên tới trên 2 tỉ đồng nên chưa ứng dụng rộng rãi. Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu giảm giá thành máy để nông dân, doanh nghiệp có thể thu gom lục bình.

Nông dân vẫn chưa quan tâm đến việc khai thác lục bình làm phân hữu cơ và ủ khí biogas

Thời điểm này, các đề tài trên đã được nghiệm thu, quy trình sử dụng lục bình làm nguyên liệu trồng nấm rơm và phân hữu cơ từ kết quả các đề tài đều được áp dụng rộng rãi vào thực tế. Sở KHCN thực hiện các mô hình điểm để nông dân, doanh nghiệp làm theo nhưng trên thực tế còn gặp khó khăn.

Nguyên nhân do nguồn nguyên liệu lục bình chưa được nông dân thu gom thường xuyên, việc sử dụng lục bình để làm phân hữu cơ và làm nguyên liệu nấm rơm chưa được áp dụng rộng rãi, nhất là ở vùng có nhiều lục bình; chưa có cơ chế ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư khai thác, chế biến lục bình. Tại một số nơi, người dân sau khi khai thác lục bình cố tình đẩy đuổi gốc lục bình ra sông, rạch. Mặt khác, nguồn nước sông, kênh rạch tại nhiều nơi bị ô nhiễm nặng nên lục bình phát triển rất nhanh.

Những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển nghề thủ công từ cây lục bình để làm giỏ xách, chậu hoa, ghế, thảm, khay giấy, sọt rác,… vừa góp phần giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho người dân nông thôn, vừa giảm tình trạng dày đặc lục bình trên sông, rạch.

Hiện nay, tại các huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường dần hình thành các làng nghề đan lát lục bình. Người dân biết tận dụng lục bình để cắt, phơi, đan lát theo các mẫu mã, khuôn mẫu có sẵn do các công ty mỹ nghệ từ TP.HCM và Long An đặt hàng sản xuất. Hiện tại, một số ấp trên địa bàn các huyện đủ tiêu chí để công nhận làng nghề.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động tổ chức tham quan, học tập ở một số nơi thành công trong việc làm đồ thủ công mỹ nghệ từ lục bình, giúp người nông dân tạo ra mẫu mã, sản phẩm mới nhằm tăng sức cạnh tranh; đồng thời chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành liên quan thực hiện các thủ tục để công nhận thành làng nghề đan lát lục bình.

Theo Sở KHCN, cấp chính quyền cơ sở và ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ nông dân sống cặp kênh rạch tăng cường biện pháp vớt, khai thác lục bình thường xuyên, phục vụ cho chế biến phân hữu cơ và nấm rơm, nấm bào ngư, vừa hạn chế lục bình phát sinh vừa có thêm thu nhập.

Đối với hộ có điều kiện có thể ủ lục bình làm chất đốt biogas, vừa tiết kiệm chi phí vừa đem lại hiệu quả cho môi trường, Sở KHCN Long An sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp quan tâm khai thác hiệu quả nguyên liệu lục bình, phục vụ cho sản xuất và đời sống người dân./.

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết