Tiềm lực sẵn có
Toàn huyện có 1.800ha chuyên canh rau màu, tập trung ở các xã: Phước Hậu, Phước Lâm, Mỹ Lộc, Thuận Thành,... Cơ cấu chủng loại gồm: Rau ăn lá 65%; rau gia vị 25%; rau ăn quả 10%, năng suất 20-22 tấn/ha/vụ, sản lượng khoảng 130.000 tấn/năm, chủ yếu tiêu thụ ở TP.HCM.
Huyện tổ chức học tập kinh nghiệm trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại Đà Lạt. Ảnh: Thanh Nga
Nhằm khắc phục các diễn biến bất lợi về thời tiết, thiếu nước sản xuất, giá vật tư tăng cao, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản, huyện tích cực quy hoạch, đầu tư nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện phục vụ sản xuất rau an toàn; hướng dẫn nông dân liên kết, chia sẻ quy trình, kỹ thuật canh tác, sơ chế, tiêu thụ rau theo chuẩn VietGAP;... Chủ động tổ chức hội thảo, mời gọi các nhà đầu tư tham gia sản xuất, tiêu thụ rau an toàn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với tái cơ cấu sản xuất,...
Đến nay, đa số nông dân trong huyện tiếp cận và bắt đầu chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác, tiêu thụ rau an toàn, bước đầu mang lại năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế khá cao.
Ngoài ra, toàn huyện có 22 tổ sản xuất rau an toàn và 6 hợp tác xã (HTX), 1 Liên hiệp HTX sản xuất, dịch vụ rau an toàn với 739 hộ nông dân tham gia. Đến nay, huyện có 341ha sản xuất rau an toàn, 3 HTX được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Hầu hết các HTX sản xuất rau đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.
Bên trong cơ sở sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao của một công ty tại Khu công nghiệp Long Hậu. Ảnh: Thanh Nga
Nhiều năm nay, rau là cây trồng chủ lực ở vùng thượng. Đây là những thuận lợi, tiền đề ban đầu để huyện thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Định hướng cho sự phát triển
Từ những kết quả của sản xuất rau ƯDCNC mang lại, hiện nay, huyện đang trong những “bước đi” đầu tiên. Huyện vận động người dân xây dựng các nhà màng, nhà lưới, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn nông dân những kỹ thuật mới như trồng theo phương pháp thủy canh và bón phân hữu cơ, hệ thống tưới nước tiết kiệm,... Toàn huyện xây dựng được 20 nhà lưới trồng rau ăn lá và rau gia vị ở các xã vùng thượng, nhiều nhất là Phước Hậu.
Ông Nguyễn Văn An, ngụ xã Thuận Thành là hộ thí điểm trồng rau thủy canh trong nhà màng với diện tích 400m2, kinh phí ban đầu 400 triệu đồng. Ngoài ra, có một hộ ở Long Hậu trồng rau mầm trong nhà lưới và hộ bà Nghiêm Thị Huệ xây dựng nhà lưới để trồng rau ở xã Phước Vĩnh Tây.
Địa phương có nhà máy rau an toàn do Công ty TNHH MTV Rrfarn Green Farm của Nhật Bản đầu tư tại Khu công nghiệp Long Hậu, chuyên sản xuất rau an toàn bằng phương pháp thủy canh, bắt đầu hoạt động từ tháng 7-2015. Công ty Cổ phần Tập đoàn Nông nghiệp Cần Giuộc đang xây dựng “Đề án quy hoạch vùng nông nghiệp ƯDCNC” tại 3 xã Phước Lâm, Thuận Thành và Trường Bình với diện tích 240ha, được UBND tỉnh chấp thuận.
Huyện tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm tại Tiền Giang và Lâm Đồng. Qua đó, giúp HTX, các hộ nông dân hiểu thêm về cách thức quản lý, phương pháp sản xuất, công tác tổ chức, đầu tư kỹ thuật,...Từ đó, huyện có thể chuẩn bị, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật để trồng rau ƯDCNC. Vừa qua, huyện phối hợp các sở, ngành tỉnh tổ chức Hội thảo Kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh. Trong 13 hợp đồng được ký kết toàn tỉnh, có 7 đơn vị ký kết nhận, tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao của huyện vào những siêu thị lớn.
Tuyên truyền, vận động nông dân trong vùng quy hoạch sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Thanh Nga
Sắp tới, huyện rà soát, quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên lựa chọn một số chủng loại rau đặc trưng là thế mạnh; hình thành các mô hình thí điểm khép kín từ khâu chọn giống, ươm, cấy ghép, chăm sóc, sơ chế sau thu hoạch, tiêu thụ; ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương, có khả năng nhân rộng, tạo sức lan tỏa lớn.
Củng cố lại các HTX, phát huy tối đa tổ liên kết các hộ nông dân, cùng sản xuất những sản phẩm có chất lượng, truy xét nguồn gốc, chú trọng vấn đề an toàn, để mọi người tin tưởng, tiêu thụ.
Thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư nâng cấp, sửa chữa, mở rộng các công trình hạ tầng bảo đảm tính đồng bộ trong khai thác, sử dụng phục vụ sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô, tập trung.
Đầu tư nâng cấp, sửa chữa đường giao thông, hệ thống điện phục vụ sản xuất. Phối hợp các sở, ngành tỉnh liên quan sớm kết nối nguồn nước, nạo vét, tích nước các lưu vực sông chính; kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, tổ chức chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.
Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển vùng rau ƯDCNC. Đề xuất, mời gọi nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, tiêu thụ rau an toàn. Phối hợp hỗ trợ giải ngân nguồn vốn cho nông dân vay sản xuất. Hướng dẫn các quy định của pháp luật giúp nông dân, nhà đầu tư chuyển đổi vị trí, diện tích, mục đích sử dụng đất phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rau an toàn. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của huyện.
Theo “Đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 2.000ha rau màu, trong đó, Cần Giuộc được quy hoạch 950ha. Phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 1.000ha sản xuất rau ƯDCNC, tập trung ở các xã: Phước Hậu, Mỹ Lộc, Long Thượng, Phước Lâm, Thuận Thành, Trường Bình,..../.
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy - Nguyễn Văn Thiệp