Tiếng Việt | English

26/10/2021 - 10:04

Cần Giuộc: Tập trung hỗ trợ người nuôi tôm phục hồi sản xuất sau dịch

Từ đầu năm 2021 đến nay, nông dân huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thả nuôi 1.422ha tôm, đã thu hoạch 1.267ha, năng suất bình quân đạt 3 tấn/ha, đạt 69,6% kế hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giá tôm trên địa bàn huyện giảm, tiêu thụ chậm.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, sản lượng tôm tồn đọng khoảng 104 tấn. Qua tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ kết nối tiêu thụ, đến nay huyện cơ bản “giải phóng” hết lượng tôm tồn đọng, giá tôm thương phẩm có tăng nhưng vẫn còn thấp so cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Tươi, ngụ ấp 3, xã Phước Vĩnh Tây, cho biết: Gia đình ông nuôi 4 ao tôm, mỗi ao 1.000m2, trong đó có 2 ao nuôi ứng dụng công nghệ cao. Vụ mùa năm nay, ông nuôi tôm thuận lợi, tuy nhiên đến thời điểm thu hoạch ngay thời gian thực hiện giãn cách xã hội nên việc tiêu thụ rất khó khăn, giá lại thấp. Ông thu hoạch hơn 1 tấn tôm nhưng thương lái không thu mua, phải bán lẻ cho người dân địa phương.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người nuôi tôm gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm

Huyện Cần Giuộc có 10 xã nuôi tôm nước lợ với diện tích thả nuôi hàng năm khoảng 2.000ha, sản lượng bình quân 5.000 tấn/năm, trong đó có 369ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản, trong đó có con tôm.

Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng của ngành Nông nghiệp năm 2021, đặc biệt là nghề nuôi tôm, huyện triển khai nhiều giải pháp tập trung hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất sau dịch, tăng cường kết nối với các kênh tiêu thụ nông sản, các điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn huyện, hỗ trợ vốn vay ưu đãi,...

Ông Nguyễn Văn Sáu, ngụ ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây, chia sẻ: “Tôi thuê đất nuôi 4.000m2 tôm, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không có lãi. Nhờ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tôi vay 30 triệu đồng để cải tạo ao đầm, chuẩn bị thả nuôi tôm vụ tết”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng theo khung lịch thời vụ, kỹ thuật nuôi và các quy định về biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, vận động người dân nuôi đúng quy trình kỹ thuật, nuôi ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất, chấp hành tốt các quy định về kiểm dịch giống thủy sản. Khuyến khích nông dân nuôi thủy sản an toàn sinh học theo hướng VietGAP.

Tăng cường công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật để nhân rộng các mô hình sản xuất công nghệ cao, mô hình liên kết sản xuất hiệu quả có giá thành hạ, nâng cao chất lượng, giá trị, khả năng truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, thường xuyên và kịp thời đưa thông tin về quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi thủy sản đến người dân để có giải pháp ứng phó khi môi trường diễn biến bất lợi; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người dân khai báo dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra dịch bệnh lây lan diện rộng.

Chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tham gia hỗ trợ thu mua, vận chuyển các sản phẩm thủy sản, phối hợp các địa phương có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm để thiết lập và duy trì các kênh phân phối sản phẩm thủy sản, bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm.

Tạo điều kiện cho các cửa hàng cung ứng con giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường phục vụ nhu cầu nuôi thủy sản của địa phương được kinh doanh nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch bệnh./.

Song Nhi - Phương Cảnh

Chia sẻ bài viết