Tiếng Việt | English

23/12/2020 - 09:35

Cần Đước: Hiệu quả từ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Thời gian qua, nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trên địa bàn huyện Cần Đước, tỉnh Long An được triển khai và mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng suất và tăng lợi nhuận cho người dân.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân, năm 2020, nông dân trên địa bàn huyện thả nuôi gần 1.800ha tôm, trong đó có khoảng 250ha tôm sú, còn lại là tôm thẻ chân trắng, tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Chánh, Tân Ân, Phước Tuy và Phước Đông. Huyện có nhiều mô hình nuôi tôm ƯDCNC do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thử nghiệm. Cụ thể, mô hình nuôi tôm theo công nghệ biofloc tại xã Tân Chánh với diện tích 7.000m2 (gồm ao lắng thô 2.500m2, ao lắng tinh 1.500m2, ao ươm 400m2 và ao nuôi 1.200m2), bước đầu mang lại hiệu quả, cho năng suất 30 tấn/ha (cao hơn ngoài mô hình 2,5 tấn/ha).

“Ngoài ra, huyện còn kết hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh thực hiện mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn ƯDCNC tại Hợp tác xã Nuôi tôm Hòa Quới (xã Tân Chánh), hiện tôm phát triển tốt. Ngoài diện tích thử nghiệm, hiện nay, toàn huyện có hơn 150ha nuôi tôm công nghiệp (mật độ trên 60 con/m2, được trang bị đầy đủ dụng cụ như máy quạt nước, máy thổi oxy đáy,…), năng suất trung bình từ 4-5 tấn/ha/vụ. Đặc biệt hơn, có hộ nuôi tôm đạt năng suất khá cao, từ 8-10 tấn/ha/vụ” - bà Vân thông tin thêm.

Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Văn Đát khảo sát mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Chánh

Anh Nguyễn Thanh Hùng, ngụ ấp Đông Trung, xã Tân Chánh, đang áp dụng mô hình nuôi tôm theo quy trình 2 giai đoạn. Với diện tích 2.200m2 mặt nước, anh Hùng chia thành 3 ao nuôi tôm thiết kế theo hình tròn, trong đó có 1.000m2 ao nuôi chính, 1.000m2 ao lắng và 200m2 ao ươm. Tôm giống nhập về, anh ươm thêm từ 12-30 ngày mới đưa ra ao nuôi. Trước khi đưa tôm ra ao, anh kiểm tra sức khỏe tôm, cân tính số lượng, đo độ pH,... giữa ao nuôi và ao ươm. Mỗi ao đều có lưới, che kín bạt, lót bạt đáy và bờ ao, dưới lớp bạt đáy có các ống nhựa được thiết kế theo hình xương cá để hút nước và khí ra ngoài. Với cách nuôi thâm canh này, sau 80 ngày nuôi, tôm đạt 40-60 con/kg, năng suất đạt 5,5 tấn/ao/vụ. Nuôi theo quy trình này được 3 vụ/năm, sản lượng 2 ao đạt tới 33 tấn/năm. Nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ để kiểm soát từ khâu làm ao, kỹ thuật nuôi, cho ăn đến quản lý môi trường nước, ước tính mỗi năm, gia đình anh Hùng thu lợi nhuận hơn 4 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Khải, ngụ ấp Hòa Quới, xã Tân Chánh, chia sẻ: “Hiện gia đình tôi có 200m2 ao ươm với mật độ 1 triệu con/m2, 1.000m2 ao nuôi với 400-600 con/m2, 1.000m2 ao nuôi với 70-150 con/m2 và khoảng 2.000m2 ao lắng. Sau khoảng 80 ngày thả nuôi, tôi thu hoạch tôm, sản lượng trung bình trên 3 tấn. So với nuôi truyền thống, mô hình nuôi tôm nước lợ ƯDCNC mang lại hiệu quả cao hơn. Tôm nuôi trong mô hình được cung cấp oxy dồi dào, lớn nhanh, chống dịch bệnh tốt, giảm hiện tượng chết sớm trong 20 ngày đầu, giúp giảm chi phí thả nuôi so với nuôi truyền thống khoảng 3 lần”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: So với các năm trước, những năm gần đây, việc nuôi tôm theo hướng ƯDCNC đã giúp tôm ít xảy ra các loại dịch bệnh và nông dân có lãi cao hơn. Để nuôi tôm tiếp tục đạt hiệu quả cao, huyện đang tiến hành nạo vét nhiều tuyến kênh, mương nội đồng, sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đê, xây dựng cống để phục vụ sản xuất,... Ngoài ra, huyện cũng đã kiến nghị các sở, ngành tỉnh về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, đầu tư xây dựng ao lắng cho người dân nuôi tôm trên địa bàn huyện và tăng cường triển khai thí điểm, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người nuôi tôm nước lợ sản xuất theo mô hình ƯDCNC./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết