Huyện Cần Giuộc hiện có khoảng 1.800ha chuyên canh trồng rau
Trồng rau ứng dụng công nghệ cao
Theo UBND huyện Cần Giuộc, hiện toàn huyện có 4.500 hộ chuyên canh trồng rau màu với diện tích hơn 1.800ha. Trong đó, gần 4.000 hộ nằm trong vùng dự án sản xuất rau ƯDCNC của huyện, chủ yếu ở các xã: Phước Hậu, Phước Lâm, Mỹ Lộc và Thuận Thành. So với trồng rau truyền thống, trồng rau ƯDCNC dần khẳng định tính ưu việt, giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất cũng như tạo đầu ra ổn định.
Trong năm 2017, các địa phương thành lập thêm 5 hợp tác xã (HTX) sản xuất rau gồm HTX nông nghiệp công nghệ cao Trần Gia Farm (xã Mỹ Lộc), HTX Phước Tiến (Phước Hậu), HTX rau an toàn Vĩnh Nguyên (Long An), HTX Mê Công (Trường Bình) và HTX rau an toàn Phước Vinh (Phước Lý). Tính đến nay, toàn huyện có 22 tổ liên kết sản xuất rau an toàn, 11 HTX rau và 1 liên hiệp HTX với tổng số gần 800 hộ tham gia. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ huyện xây dựng 4 mô hình giúp nông dân chuyển đổi sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh trong sản xuất rau tại các xã: Phước Lâm, Mỹ Lộc và Phước Hậu; 2 mô hình nhà lưới tại xã Phước Hậu... Đến cuối năm 2017, Cần Giuộc có khoảng 300ha sản xuất rau sử dụng phân hữu cơ, 78ha sản xuất rau có hệ thống tưới nước tiết kiệm, tập trung tại các xã vùng thượng của huyện, trong đó nhiều nhất là Phước Lâm, Phước Hậu và Mỹ Lộc.
Hợp tác xã Phước Thịnh, xã Phước Hậu, một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cần Giuộc
Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh, huyện còn tập trung hỗ trợ HTX, doanh nghiệp trong việc được chứng nhận sản xuất rau theo quy trình VietGAP, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, đăng ký mã vạch truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và xúc tiến thương mại... Từ đó, tạo bước tiến vững chắc trong phát triển, mở rộng vùng sản xuất rau ƯDCNC tại địa phương.
Hướng đi tất yếu
Thời gian qua, huyện Cần Giuộc thường xuyên tổ chức cho cán bộ và người dân trong vùng dự án tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh như Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM với 247 lượt người tham gia; tổ chức cho cán bộ chủ chốt tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Tiền Giang, Hà Nam để về tập huấn cho cán bộ và người dân tại địa phương. Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức triển khai các nghị quyết và tập huấn về sản xuất rau ƯDCND với hơn 310 cán bộ tham gia; phối hợp UBMTTQ huyện mở 8 lớp, trên 800 người tham gia; phát các tờ bướm, panô tuyên truyền để người dân thấy được hiệu quả, mạnh dạn đầu tư ƯDCNC vào sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Phước Hậu - Võ Phú Quốc cho biết, hiện toàn xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong và ngoài vùng dự án đẩy mạnh ƯDCNC vào sản xuất. Bởi, đây là hướng đi tất yếu trong xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay. Tuy còn lo lắng về đầu ra sản phẩm nhưng nếu giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học vào sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường thì chắc chắn, đầu ra nông sản sẽ không còn là nỗi lo của nông dân.
Theo UBND huyện Cần Giuộc, địa phương phấn đấu đến cuối năm 2018 có 500ha sản xuất rau bằng phân hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu vi sinh nhằm tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2020, toàn huyện có 1.000ha sản xuất rau ƯDCNC./.
Ngoài trồng rau, Chương trình tăng cường ƯDCNC trong nuôi tôm nước lợ tại huyện Cần Giuộc cũng bước đầu mang lại hiệu quả, người dân từng bước mạnh dạn tham gia vào mô hình.Năm 2017, huyện hỗ trợ 2 mô hình với 30% kinh phí xây dựng ao ươm tôm. Đến nay, toàn huyện có 31 hộ dân đầu tư các mô hình nuôi tôm tăng cường ƯDCNC với diện tích 36,2ha, đạt 103,4% kế hoạch. Sau thu hoạch cho thấy, hiệu quả nuôi tôm tăng cường ƯDCNC vượt trội so với cách nuôi truyền thống vì hạn chế được dịch bệnh và sốc môi trường nước, từ đó lợi nhuận tăng cao; có hộ nuôi 0,4ha, lãi trên 500 triệu đồng.
|
Kiên Định