Năm nay, chúng ta hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống KT-XH, sức khỏe của nhân dân. Ngày Quốc tế Trẻ em gái có chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, nhưng tình hình dịch Covid-19, trong đó có trẻ em bị mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm.
Tính đến nay, đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đã có trên 818.092 ca nhiễm, 757.086 người khỏi bệnh. Điều đau lòng là đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 20.098 người, hàng ngàn trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, mất đi cha, mẹ, người thân và sự yêu thương, chăm sóc,...
Ở Long An, theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 87 trẻ em mồ côi do ảnh hưởng dịch Covid-19, trong đó có một số em còn rất nhỏ, còn bú sữa mẹ. Việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em gái bị mồ côi luôn là nỗi lo đau đáu của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức Hội Phụ nữ các cấp. Lúc này chính là lúc các trẻ mồ côi rất cần nhận được sự quan tâm, bảo vệ đặc biệt và các giải pháp để giúp đỡ, chăm sóc trong thời gian tới khi thiếu đi những người thân yêu.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, trẻ em mất cha, mẹ, ngoài cuộc sống khó khăn, còn có nguy cơ bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng. Nếu không được hỗ trợ thích hợp, các em sẽ bị ảnh hưởng dài hạn tới sức khỏe tâm thần cũng như cơ hội thành công trong cuộc sống sau này. Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Đặng Hoa Nam, điều quan trọng nhất lúc này là cần giúp người thân, người chăm sóc trẻ hay cán bộ địa phương nơi các em sinh sống sớm phát hiện các dấu hiệu sang chấn (nếu có) để can thiệp kịp thời.
Trong lúc đại dịch còn diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều hậu quả, để hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có trẻ em mồ côi, thì chính quyền, đoàn thể và cộng đồng xã hội phải tích cực vào cuộc, chung tay hỗ trợ các em vượt qua khó khăn bằng nhiều nguồn lực, giải pháp thích hợp.
Trước hoàn cảnh đáng thương của trẻ em bị mồ côi do Covid-19, nhiều tổ chức đã vào cuộc. Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam triển khai chương trình “ATM yêu thương”, kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân đăng ký nhận bảo trợ cho trẻ em bị mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/tháng cho đến khi các em đủ 18 tuổi. Trung tâm Nâng cao Năng lực, Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em phát động chiến dịch “Em không lẻ loi” để kêu gọi ủng hộ, cung cấp hỗ trợ khẩn cấp và dài hạn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do mất cha, mẹ, hoặc người chăm sóc chính vì dịch Covid-19.
Ở Long An, ngoài chương trình tặng sữa cho trẻ em được Báo Phụ Nữ hỗ trợ 50 triệu đồng, còn có sự tham gia của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam hỗ trợ học bổng cho trẻ em mồ côi do ảnh hưởng dịch Covid-19 từ bậc tiểu học trở lên. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng vận động sữa nuôi 79 trẻ F0 dưới 6 tháng tuổi, được nuôi đủ sữa đến 6 tháng với tổng giá trị 250 triệu đồng,...
Với những trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, các cấp Hội Phụ nữ tập trung tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, giáo dục trẻ em, phòng, chống xâm hại và giáo dục giới tính,...
Bước vào năm học mới, các địa phương tập trung huy động, giúp đỡ kịp thời trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn với tinh thần dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em và không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, không có trẻ em phải bỏ học vì Covid-19.
Giúp đỡ trẻ em mồ côi do ảnh hưởng dịch bệnh là câu chuyện đang lay động trái tim của nhiều người, làm sáng bừng lên, lan tỏa mạnh mẽ tình yêu thương trẻ em của dân tộc. Số lượng trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhiều, cần phải có nhiều giải pháp căn cơ, toàn diện, lâu dài từ Nhà nước và cộng đồng xã hội để giúp các em vượt qua “nỗi ám ảnh” dịch bệnh, hòa nhập và phát triển sau này. Trước mắt, cần lắm những tấm lòng nhân ái, yêu thương trẻ em!
Kim Quy