Tiếng Việt | English

27/12/2019 - 19:35

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn rất nghiêm trọng

Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và rất nghiêm trọng. Đây là hệ quả của việc tâm lý của người dân coi trọng con trai, lựa chọn giới tính thai nhi.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tăng nhanh và rất nghiêm trọng. Có những kỹ thuật cao phát hiện sớm giới tính thai nhi sớm ở những tuần đầu của thai kỳ đang khiến tình trạng lựa chọn giới tính ngày càng tăng.

Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục diễn ra nghiêm trọng như hiện nay, đến năm 2050, Việt Nam sẽ dư thừa ít nhất 2,3 triệu và cao nhất là 4,3 triệu đàn ông. Đáng lo ngại, nhiều nam giới trong độ tuổi lập gia đình sẽ không thể tìm được bạn đời để kết hôn.

Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo như vậy tại hội nghị truyền thông về dân số và phát triển.

Theo ông Tân, tại Việt Nam, việc mất cân bằng giới tính khi sinh muộn hơn so với nhiều nước, năm 2006 với tỷ lệ là 109 bé trai/100 bé gái. Đặc biệt hơn, tình trạng này tại Việt Nam tăng rất nhanh, đến năm 2013 đã có 113 bé trai/100 bé gái và đến 2018 có 114,5 bé trai/100 bé gái. Hiện nay, tỷ lệ này giảm xuống 111/100, nhưng vẫn ở mức cao. Đây là hệ quả của việc tâm lý của người dân coi trọng con trai, lựa chọn giới tính thai nhi.

Theo chuyên gia dân số này, tình trạng mất cân bằng giới tính tương tự cũng xảy ra ở Đài Loan, Hàn Quốc khiến nhiều nam giới ở đây buộc phải tìm cô dâu ở các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Kết quả mới nhất từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới.

Tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người; trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%.

Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999 - 2009 (1,18%/năm).

Ngày 22/11, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Chiến lược nhằm tập trung mọi nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết