Tiếng Việt | English

03/12/2021 - 09:26

Cần quản chặt, xử nghiêm việc bán 'lúa non' tại dự án bất động sản

Cùng với các lĩnh vực khác, thị trường bất động sản trong tỉnh bắt đầu sôi động trở lại sau một thời gian khá dài “đóng băng” do ảnh hưởng của giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, khách hàng cần cảnh giác để tránh bị lừa đảo, mua phải đất nền ở dự án “ma” hoặc chưa đủ điều kiện pháp lý.

Bài cuối: Công khai, minh bạch dự án

Để quản lý, giám sát và ngăn ngừa những hành vi lừa đảo, huy động vốn bằng cách bán nền, nhận tiền cọc khi chưa đủ điều kiện pháp lý thì việc công khai, minh bạch các dự án (DA) là một trong nhiều giải pháp được yêu cầu phải thực hiện.

Cập nhật, công khai tiến độ dự án trên trang web

Năm 2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh khởi tố 2 vụ việc liên quan đến dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua chuyển nhượng đất nền ở DA khu dân cư (KDC) khi chưa đủ điều kiện. Hiện có một số đối tượng bị Cơ quan CSĐT truy tìm.

Ngoài nhiều vi phạm bán “lúa non” tại các DA KDC thương mại như thời gian qua, Công an TP.HCM đã khởi tố, điều tra, làm rõ một số vụ việc liên quan đến đối tượng ở TP.HCM đã lập khống, vẽ ra các DA “ma” bất động sản (BĐS) để lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng. Trong đó, có những DA “ma” được đối tượng vẽ ra tại Long An rồi lừa đảo những người ở địa bàn TP.HCM.

Việc cắm bảng công khai tiến độ các dự án cũng cần được thực hiện nghiêm túc

Để quản lý, giám sát và ngăn ngừa những hành vi lừa đảo, huy động vốn bằng cách bán nền, nhận tiền cọc khi chưa đủ điều kiện pháp lý thì việc thanh, kiểm tra tại nhiều DA KDC kinh doanh BĐS cần được ngành chức năng tăng cường, qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm.

Dù vậy, thời gian qua, thông tin từ dư luận, báo chí có nhiều phản ánh về sai phạm ở một số DA KDC, trong đó chủ yếu liên quan đến việc DA chưa đủ điều kiện pháp lý nhưng đã rao bán “lúa non”, huy động vốn. Trước tình hình phức tạp, huy động vốn trái phép tại nhiều DA kinh doanh BĐS dẫn đến phát sinh tố cáo, khiếu kiện, Sở Xây dựng thường xuyên phối hợp các ngành, địa phương kiểm tra, giám sát.

Trao đổi với phóng viên Báo Long An vào giữa tháng 11/2021, Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Đặng Thị Thúy Hà nói: “Cách đây ít ngày, chúng tôi nhận được những phản ánh của dư luận, báo chí về một DA ở huyện Cần Giuộc có sự mập mờ. Theo đó, chúng tôi sẽ xác minh, kiểm tra, nếu có vi phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định”. 

Ngoài xử phạt, yêu cầu chấm dứt, gỡ bỏ các thông tin rao bán và các hành vi mua, bán, chuyển nhượng, nhận tiền cọc giữ chỗ khi DA chưa đủ điều kiện kinh doanh BĐS, đình chỉ các hoạt động xây dựng hạ tầng trái phép thì Sở Xây dựng còn thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác.

Về quản lý nhà nước, thời gian qua, Sở có nhiều văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên lĩnh vực BĐS. Mặt khác, có những biện pháp mang tính chất tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo người dân biết để nhận diện và không thực hiện các giao dịch khi DA chưa đủ pháp lý. Sở thực hiện công khai thông tin, tiến độ các DA KDC, tái định cư trên địa bàn tỉnh trên trang web của Sở. Trong đó, cũng nêu rõ danh sách các DA KDC được phê duyệt quy hoạch, DA được cấp giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật, DA được cấp giấy phép xây dựng nhà ở, DA đủ điều kiện bán nhà xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai để người dân biết.

Thông tin cập nhật của Sở Xây dựng đến tháng 6/2021, toàn tỉnh có 241 DA KDC với diện tích hơn 7.157ha đã được phê duyệt quy hoạch. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước. Đến thời điểm trên, có 32 DA KDC với diện tích hơn 891ha có giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Chủ đầu tư phải cắm bảng thông tin dự án

Thời gian qua, một số chủ đầu tư và người môi giới BĐS lợi dụng các yếu tố chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật để tung tin đồn thổi. Từ đó, mua đi bán lại BĐS, lôi kéo nhiều người theo tâm lý đám đông tham gia mua đất nền và nhà ở khi chưa bảo đảm điều kiện pháp lý nhằm đẩy giá lên cao, thu lợi bất chính.

Qua ghi nhận của phóng viên, tại một số DA đất nền, dù đã hoàn thành các thủ tục, đầu tư nhưng tỷ lệ người mua nền để xây dựng nhà ở vẫn còn ít, rất vắng vẻ. “Nhiều người mua nền tại các DA nhưng mục đích chính là để bán lại nhằm sinh lời; có những mảnh đất trong thời gian ngắn nhưng chuyển nhượng qua rất nhiều người” - anh Lê Tiến Thắng (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc) nhìn nhận.

Tháng 6/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành văn bản thông báo: Nếu nhà đầu tư thực hiện DA trên địa bàn tỉnh không thực hiện báo cáo tiến độ triển khai DA, không công khai thông tin DA sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc yêu cầu ngừng hoạt động DA.

Cần kiểm tra, thanh tra thường xuyên các dự án kinh doanh bất động sản (Ảnh minh họa)

Theo đó, yêu cầu nhà đầu tư báo cáo các nội dung về thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, đấu nối giao thông, tiến độ đầu tư xây dựng các hạng mục DA; các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai DA; đề xuất các biện pháp giải quyết, khắc phục, kế hoạch triển khai thời gian tới, vốn đầu tư thực hiện.

Nhà đầu tư phải tiến hành cắm, đặt bảng thông tin DA chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư. Các bảng thông tin DA cắm tại DA phải cập nhật thông tin tiến độ thực hiện và ghi rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chủ quan, khách quan nếu DA thực hiện không đúng tiến độ.

Nội dung của các bảng thông tin phải đầy đủ tên DA, ghi rõ số, ngày văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; tên đơn vị chủ đầu tư; họ và tên, chức vụ, địa chỉ liên hệ, số điện thoại người đại diện để liên hệ; quy mô DA; tổng vốn đầu tư; tiến độ thực hiện DA theo quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Theo người dân, quy định này rất hợp lý, giúp người dân hiểu và nắm rõ tình hình, pháp lý, tiến độ DA, hạn chế được những phát sinh bức xúc, khiếu nại, tố cáo lừa đảo. Mong rằng, những quy định công khai, minh bạch này sẽ hạn chế được những tồn tại xảy ra trong thời gian qua. Tuy nhiên, để việc này được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và duy trì xuyên suốt, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của ngành chức năng, chính quyền địa phương.

“Các cấp, các ngành cần thường xuyên theo dõi, giám sát, thanh, kiểm tra chặt chẽ để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm, bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch ở các DA. Qua đó, kiên quyết không để xảy ra tình trạng DA này thì cắm bảng công khai, nhưng DA khác thì không, tạo sự so bì, thắc mắc giữa các chủ đầu tư DA. Qua công tác thanh, kiểm tra, cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những chủ đầu tư DA cắm bảng qua loa, đối phó dăm ba bữa với đoàn thanh, kiểm tra rồi sau đó lại dỡ bảng” - anh Lê Văn Lâm (xã Long Cang, huyện Cần Đước) kiến nghị.

Ngoài ra, ngành chức năng cũng khuyến cáo, để tránh “mắc bẫy” khi mua phải đất nền ở DA chưa đủ điều kiện pháp lý, khách hàng cần đến thực tế DA, xem nền, đối chiếu với các thông tin quy hoạch, quyền sở hữu và xem chủ đầu tư đã hoàn thành thủ tục đất đai, kết cấu hạ tầng DA hay chưa. Cẩn thận hơn, khách hàng có thể tìm hiểu ở chính quyền địa phương để nắm thêm thông tin về DA trước khi thực hiện giao dịch./.

"Để quản lý, giám sát và ngăn ngừa những hành vi lừa đảo, huy động vốn bằng cách bán nền, nhận tiền cọc khi chưa đủ điều kiện pháp lý thì việc thanh, kiểm tra tại nhiều dự án khu dân cư kinh doanh bất động sản cần được ngành chức năng tăng cường, qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm".

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích