Tiếng Việt | English

27/06/2023 - 11:07

Cảnh báo lừa đảo qua mạng xã hội

Dù ngành chức năng liên tục cảnh báo, các cơ quan truyền thông liên tục tuyên truyền nhưng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường, lừa đảo qua mạng xã hội (MXH) vẫn liên tục diễn ra, khiến cho rất nhiều nạn nhân sập bẫy.

Đa dạng hình thức lừa đảo

Mới đây, Công an huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông đã bắt giữ Võ Định - một cao thủ lừa mới nổi trên MXH. Trước đó, Định lên mạng tìm kiếm thông tin người bị mất giấy tờ rồi gọi điện thoại tự xưng mình là nhân viên ngân hàng đang giữ giấy tờ của nạn nhân và yêu cầu cung cấp số tài khoản ngân hàng, số thẻ ATM, số căn cước công dân để xác minh. Sau đó, Định yêu cầu cung cấp mã OTP để chuyển tiền xác minh đúng là chủ tài khoản không. Nếu chủ tài khoản không đồng ý cung cấp mã OTP, Định dùng chiêu liên kết tài khoản ngân hàng của họ với tài khoản CH Play, sau đó thực hiện các lệnh mua ứng dụng để bị hại nhận được các tin nhắn trừ tiền (nếu bị hại không xác nhận trên ứng dụng thì sẽ có tin nhắn cộng lại số tiền đã trừ).

Thủ đoạn tinh vi này đã khiến nhiều khổ chủ tự nguyện “chui đầu vào rọ”, bị hại tin tưởng đối tượng là nhân viên ngân hàng vì có thể trừ tiền và trả tiền trong tài khoản nên đã đồng ý cung cấp thông tin. Khi có được thông tin, gã chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng của bị hại bằng cách liên kết với ví Zalo Pay rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Với thủ đoạn trên, Định đã lừa trên 50 người, với số tiền khoảng 6 tỉ đồng.

Gần đây, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá nhóm lừa đảo công nghệ cao gồm Hà Văn Hùng, Hà Thị Út Thơm và Nông Thị Huệ với thủ đoạn giả danh cán bộ cơ quan nhà nước, hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo Thuế, eTax Mobile,… để chiếm quyền điều khiển điện thoại, thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tài sản.

Các thủ đoạn lừa đảo tinh quái mới như lừa bị hại nhấp vào đường link tham gia bình chọn cuộc thi ảnh rồi dẫn dụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của khổ chủ; bán tour du lịch, phòng khách sạn với giá rẻ gia tăng khi đến dịp nghỉ lễ và nghỉ hè. Trong danh sách nạn nhân các trò lừa đảo không chỉ là những người lao động phổ thông, các bà nội trợ mà còn có cả giáo viên, công chức, cán bộ ngân hàng,...

Những chiêu lừa mới trên mạng xã hội

Mới đây, trên không gian mạng xuất hiện phương thức lừa đảo mới bằng việc sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Nạn nhân nhận được các cuộc gọi video từ tài khoản của người thân, bạn bè, đồng nghiệp, có hình ảnh và giọng nói như thật. Đối tượng cho biết đang gặp khó khăn hoặc cần tiền gấp để giải quyết công việc, đề nghị chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng. Sau khi chuyển tiền xong, các nạn nhân mới phát hiện ra mình bị chúng lừa.

Để thực hiện chiêu thức lừa đảo này, đối tượng sưu tập hình ảnh, giọng nói của nạn nhân trên MXH rồi dùng các phần mềm phát hành miễn phí trên mạng để tạo ra các video Deepfake; các phần mềm này cho phép người dùng tạo ra được một loạt ảnh từ những tấm ảnh cũ. Người dùng chỉ cần tải lên 1 ảnh và bấm nút là trong vài giây sẽ xuất hiện một bản ảnh GIF của hình ảnh ban đầu với khuôn mặt, miệng đang chuyển động giả mạo “khổ chủ” với độ chính xác rất cao. Sau đó, đối tượng thực hiện cuộc gọi video giả mạo người thân, bạn bè vay tiền, giả mạo con em đang du học nước ngoài gọi cho bố mẹ chuyển tiền đóng học phí để chiếm đoạt tài sản.

Cùng với việc sử dụng công nghệ Deepfake để thực hiện hành vi lừa đảo, thời gian qua, các đối tượng còn tạo dựng nhiều kịch bản nhằm vào các bậc cha mẹ học sinh để lừa đảo. Mới đây, một số người nhận được các cuộc điện thoại thông báo con em mình đã mua đồ ăn, quần áo, vật dụng,... nhưng chưa trả đủ tiền và để lại thẻ học sinh; đồng thời, yêu cầu họ trả tiền vào số tài khoản được cung cấp.

Làm gì để tránh bị lừa đảo?

Người dân cần nhận diện các thủ đoạn lừa đảo phổ biến thường xuyên diễn ra trên không gian mạng như lập các trang web, tin nhắn, email giả mạo ngân hàng, tổ chức tài chính, cơ quan nhà nước, yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân; chiếm quyền sử dụng tài khoản MXH để gửi tin nhắn lừa đảo bạn bè, người thân của chính chủ; giả danh cơ quan thực thi pháp luật (công an, tòa án, viện kiểm sát), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, bưu điện,... đe dọa, yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin tài khoản hoặc chuyển tiền; tấn công mạng để chiếm đoạt thông tin, tài khoản, giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố; lập trang bán hàng online trên Facebook để lừa đảo.

Để phòng ngừa lừa đảo trên MXH, trước hết người dân không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại, địa chỉ trên các trang mạng và bất cứ những người không quen; kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền vào tài khoản của bất kỳ ai; luôn kiểm tra địa chỉ website trước khi truy cập; không mở các tin nhắn, email từ nguồn không rõ ràng; không đưa tiền trước khi nhận được sản phẩm hoặc dịch vụ; luôn đề cao cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video qua các ứng dụng MXH với nội dung vay mượn tiền, chuyển tiền gấp; liên hệ cơ quan chức năng khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo,.../.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết