Tin nhắn lừa đảo qua mạng với hình thức “may mắn trúng thưởng” gây bức xúc cho người dân - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhiều băng nhóm lợi dụng công nghệ thông tin nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng điện thoại, liên tục sa lưới pháp luật gần đây. Có những vụ lừa đảo qua mạng có tổ chức khi có đến hàng trăm người tham gia, thuê trọn ngôi nhà cao tầng làm "đại bản doanh".
Lừa đảo qua mạng luôn có kịch bản mới, cập nhật
Cùng lúc, ngành chức năng vẫn truy quét các thủ phạm "giấu mặt", số nạn nhân bị mất tiền lại liên tiếp kêu cứu.
Hoạt động phi pháp này thậm chí không cần vốn, ngồi ở một vị trí nhưng lại thực hiện được ý đồ trên nhiều quốc gia.
Có những chiêu lừa cũ nhưng cũng có những kịch bản mới được dàn dựng khá chi tiết khiến cho nhiều người dù trước đó rất cảnh giác vẫn bị hạ gục bởi yếu tố thao túng tâm lý.
Kẻ xấu diễn xuất như thật, dùng chiêu "vừa đấm vừa xoa", kết hợp đe dọa với lời ngon ngọt, kể cả chủ động mở "lối thoát" cho người dùng.
Trong danh sách nạn nhân các trò lừa từ những kẻ giấu mặt có cả cán bộ ngành ngân hàng, hiệu trưởng một trường học, mới đây có cụ ông ở tuổi "xưa nay hiếm" cũng lẳng lặng chuyển khoản hai lần theo yêu cầu của kẻ gian, với gần 15 tỉ đồng.
Không thể đổ lỗi cho sự nhẹ dạ cả tin khi nhiều người mất tiền đều có hiểu biết về những chuyện lừa đảo.
Cần những giải pháp quyết liệt từ cơ quan chức năng với những người lừa đảo kiểu này. Khó cũng phải làm để bảo vệ người dùng trước các kiểu lừa đảo công nghệ. |
Trang web, cổng thông tin điện tử, địa chỉ email của một số bộ ngành, các thương hiệu kinh doanh uy tín từng bị làm giả như thật...
Các thông báo, văn bản gửi qua mạng xã hội, đóng dấu đỏ hẳn hoi song thực tế lại là "hàng giả", nhìn bằng mắt thường khó phân biệt trên màn hình. Nhiều sinh viên bị lừa đóng học phí "trực tuyến" cũng bởi mánh khóe này.
Lừa đảo qua mạng phát triển mạnh nhờ các số điện thoại ảo
Kẻ lừa đảo giờ đây tăng cường sử dụng số điện thoại "ảo", dễ dàng xóa dấu vết mỗi khi phát tán xong tin nhắn, cuộc gọi. Vì thế, việc truy vết rất khó khăn.
Kẻ lừa đảo cũng rất nhạy khi biết khai thác nhu cầu theo thời vụ, sự kiện đang thu hút sự quan tâm từ cộng đồng. Mới đây nhất, cơ quan chức năng của Đà Nẵng đã triệt phá thành công một đường dây lừa đảo bằng hình thức chào mời mua các tour du lịch, đặt phòng khách sạn, vé máy bay dịp hè.
Mấy ngày gần đây, nhiều người liên tục cảnh báo các kiểu lừa bằng cách dẫn dụ nạn nhân bấm vào một đường link lạ, các kiểu lừa khiến tiền trong tài khoản bị trừ dần hoặc chủ tài khoản mất quyền kiểm soát với tài khoản của mình, tiền cứ vậy "không cánh mà bay".
Khuyến cáo thường được cơ quan bảo vệ pháp luật nhắc đến chính là thông điệp "chậm vài giây", thận trọng khi "nhấp chuột".
Trước những tin nhắn, đường link lạ hay cuộc gọi tự động hướng dẫn bấm phím 1, 2, 3, không nên sốt sắng làm theo dù đang bị hối thúc. Người ở đầu dây bên kia càng tỏ ra nôn nóng thì càng đáng nghi ngờ.
Khách hàng hãy tạo cho mình thói quen tốt, trước những yêu cầu liên quan cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, chuyển tiền nên dùng kế "hoãn binh". Dành ra vài phút gọi điện cho đường dây nóng của đơn vị chủ quản hoặc chính quyền địa phương để xác minh độ tin cậy sẽ không bao giờ thừa.
Cần thêm nhiều những hành động đầy tinh thần trách nhiệm của một nhân viên ngân hàng mới đây, khi nhận thấy biểu hiện bất thường khi khách muốn gửi tiền cho người lạ và giúp tránh được thiệt hại.
Tuy vậy, những câu chuyện tương tự còn rất nhiều khi người bị mắc bẫy lừa giấu cả gia đình, lặng lẽ chuyển khoản cho kẻ xấu.
Nguyên tắc bất di bất dịch các ngân hàng luôn nhắc đến trong tin nhắn SMS: "Không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai", đủ để thấy tầm quan trọng của dãy số tuyệt mật chỉ người sử dụng mới được biết, bất khả xâm phạm.
Thế nên, cá nhân nào yêu cầu gửi mã xác thực thì cũng đích thị là kẻ gian./.
Theo TTO