Tiếng Việt | English

17/04/2024 - 08:46

Cảnh báo tái nhiễm bệnh tay chân miệng, căn bệnh năm ngoái đã 'nóng' ở TP.HCM

Trong những tháng đầu năm 2024, số ca mắc tay chân miệng tăng nhiều nơi, riêng ở Đà Nẵng tăng cao, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, đang khám lại cho một trẻ mắc tay chân miệng. (Ảnh tư liệu: Bệnh viện Nhi Trung ương)

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cảnh báo đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa đúng cách, bệnh có thể tái nhiễm nhiều lần.

Số ca mắc tăng gấp đôi

Theo CDC Đà Nẵng, tính trong ba tháng đầu năm 2024 và tuần đầu tiên của tháng 4/2024, TP Đà Nẵng ghi nhận 244 trường hợp mắc tay chân miệng. Số ca mắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Thời gian qua, khoa y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng liên tục tiếp nhận các bệnh nhân mắc tay chân miệng nhập viện với các triệu chứng như sốt cao, ngủ giật mình, cổ họng bị lở loét.

Theo thống kê từ bệnh viện này, số ca mắc tay chân miệng ghi nhận ba tháng đầu năm là 297 ca. Các ca mắc chủ yếu là trẻ em trên địa bàn TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.

BS Nguyễn Hải Thịnh, trưởng khoa y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, cho biết năm nay số ca mắc tăng hơn so với năm ngoái.

Bệnh có thể tái nhiễm nhiều lần

Nhiều ba mẹ chủ quan con đã nhiễm bệnh sẽ không tái nhiễm nên không chủ động cho trẻ tránh tiếp xúc với các trẻ nhiễm bệnh, dẫn đến tình trạng tái nhiễm.

Theo ông Nguyễn Hóa, phó giám đốc CDC Đà Nẵng, bệnh tay chân miệng có thể tái nhiễm nhiều lần nếu trẻ tiếp xúc với người bị tay chân miệng.

Trong bối cảnh các tỉnh phía Nam nắng nóng gay gắt kéo dài, có địa phương như TP.HCM đạt ngưỡng 400C, bà Lê Hồng Nga - phó giám đốc HCDC - cảnh báo thời tiết nắng nóng là khoảng thời gian thường ghi nhận sự gia tăng của nhiều bệnh, trong đó có bệnh tay chân miệng.

Ngày 16/4, BS Dư Tuấn Quy - trưởng khoa nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho hay hiện khoa đang điều trị cho trẻ chủ yếu dưới 5 tuổi mắc bệnh tay chân miệng, đa phần ở độ nhẹ 2A.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, BS Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc bệnh viện - cho biết số bệnh chưa biến động nhiều giữa các tháng vừa qua.

BS Tuấn Quy khuyến cáo phụ huynh khi thấy con trẻ có dấu hiệu bất thường như miệng có vết bỏng loét, chảy nước miếng, da nổi hồng ban... cần đến cơ sở y tế thăm khám để được đánh giá có phải trẻ mắc bệnh tay chân miệng hay không, từ đó có phương án theo dõi và chăm sóc, điều trị kịp thời./.

Theo tuoitre.vn

Nguồn: https://tuoitre.vn/canh-bao-tai-nhiem-benh-tay-chan-mieng-can-benh-nam-ngoai-da-nong-o-tp-hcm-20240416223352457.htm

Chia sẻ bài viết