Tràn lan dịch vụ làm giả biên lai, hóa đơn xác nhận chuyển tiền thành công để lừa đảo
Nở rộ các chiêu lừa làm giả biên lai chuyển tiền
Mới đây, một nhà hàng ở TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) bị lừa 526 triệu đồng khi nhận đặt tiệc cho 20 người, 350.000 đồng/suất của một người khách tự xưng là cán bộ của một cơ quan trên địa bàn. Người khách cũng yêu cầu chuẩn bị loại rượu vang để dùng trong bữa tiệc. Nhà hàng không có rượu này, họ liên hệ nhiều nơi vẫn không nơi nào bán. Nhà hàng báo lại cho khách không chuẩn bị được rượu do không có người cung cấp.
Lúc này, người khách đặt tiệc phản hồi là có quen đơn vị cung cấp loại rượu nói trên; đồng thời, gửi số điện thoại có Zalo tên “Cửa hàng xuất nhập khẩu” để nhà hàng đặt mua giúp. Ngoài ra, người đặt tiệc còn nhờ mua sâm để tặng cho cấp trên và xin số tài khoản nhà hàng để chuyển tiền trả, sau đó, gửi hình sao chụp biên lai chuyển tiền của ngân hàng đã chuyển khoản vào tài khoản nhà hàng số tiền đặt mua rượu và sâm. Tin lời, chủ nhà hàng đã chuyển tiền đặt mua 20 chai rượu, 40 hộp sâm thường, 10 hộp sâm V.I.P với tổng số tiền 526 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền thành công, người bán không giao hàng, khách đặt tiệc cũng không tới, lúc này, chủ nhà hàng nghi bị lừa liền trình báo Công an.
Trước đó, tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cũng xảy ra trường hợp tội phạm lừa đảo bằng chiêu trò đặt tiệc, nhờ mua rượu giúp rồi chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Dù đã nhận được hình ảnh sao chụp màn hình biên lai chuyển tiền của ngân hàng nội dung thể hiện đã chuyển khoản thành công số tiền 350 triệu đồng vào tài khoản của nhà hàng, nhưng vì chưa nhận được thông báo biến động tài khoản nên nhà hàng gọi đến thì được ngân hàng giải thích có thể số tiền đến chậm do chuyển khoản liên ngân hàng. Trong khi đó, khách đặt tiệc liên tục gọi điện thoại hối thúc nên nhà hàng đã chuyển số tiền 350 triệu đồng cho phía cửa hàng bán rượu và hồng sâm. Tuy nhiên, sau đó, chẳng có khách nào đến dự, rượu và hồng sâm đặt hàng giúp cũng không có ai mang đến.
Ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Hà Tĩnh, Nam Định cũng đã xuất hiện chiêu lừa làm giả hóa đơn chuyển tiền của ngân hàng để lừa đảo bằng hình thức đặt tiệc nhờ mua rượu; mua hàng ở cửa hàng dược phẩm, quần áo thời trang,... rồi đề nghị thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua ứng dụng Internet Banking. Sau đó, gửi hóa đơn chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng và hình ảnh biến động số dư trong tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều người cả tin và không kiểm tra lại số dư tài khoản mà vẫn giao hàng cho kẻ gian, dẫn đến việc bị lừa mất tiền, hàng hóa.
Tràn lan dịch vụ biên lai chuyển tiền giả
Tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo là một đội ngũ khá hùng hậu làm biên lai chuyển tiền giả trên mạng xã hội, với các nội dung quảng cáo công khai. Có trang còn làm các loại hóa đơn giao dịch tới biến động số dư, số dư tài khoản đầy đủ thông tin người chuyển, người nhận, ngày, giờ. Chỉ cần nhập thông tin như số tài khoản ngân hàng của người bán hàng và số tiền cần chuyển là ngay lập tức đã có một hóa đơn thanh toán giống biên lai, hóa đơn xác nhận chuyển tiền thành công của ngân hàng gửi lại cho bên đặt hàng chỉ trong vài phút với đầy đủ thông tin người chuyển, số tài khoản người nhận, mã chuyển khoản giống như một hóa đơn thật.
Đáng chú ý, hoạt động cung cấp và mua bán biên lai xác nhận chuyển khoản giả đang diễn ra một cách công khai trên mạng xã hội. Các trang web này có thể làm giả hóa đơn chuyển khoản, hóa đơn biến động số dư, hóa đơn nạp tiền,… của hầu hết các ngân hàng lớn và ví điện tử.
Làm gì để tránh "sập bẫy" biên lai giả
Làm giả biên lai, hóa đơn xác nhận chuyển tiền thành công của các ngân hàng, ví điện tử đang nở rộ, đi kèm với trò lừa đảo này là một kịch bản rất tinh vi, cùng với sự diễn trò lừa đảo hết sức bài bản và thuyết phục. Để dồn "con mồi" vào bẫy, chúng sử dụng nhiều số điện thoại, tài khoản Zalo liên tục gọi điện, nhắn tin thúc giục, làm cho bị hại rơi vào trạng thái tâm lý bị dồn ép và làm theo kịch bản của chúng giăng ra. Cao trào "vở kịch" là làm giả biên lai với nội dung đã giao dịch chuyển tiền thành công vào tài khoản của bị hại để bị hại tin tưởng.
Để tránh trở thành nạn nhân của các loại tội phạm này, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về các hình thức lừa đảo đang diễn ra trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi có tình huống nên bình tĩnh kiểm tra lại toàn bộ thông tin liên quan đến tài khoản, xác định rõ các mối quan hệ liên quan đến việc chuyển tiền, đối chiếu lại nội dung của các đối tượng chuyển tiền.
Người dân cần ghi nhớ rằng chưa nhận được tiền trong ngân hàng thì không giao hàng hóa hoặc chuyển tiền đặt cọc dù kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công; chỉ khi tiền đã được chuyển đủ vào tài khoản của mình mới tiếp tục thực hiện các giao dịch khác./.
Trung Dũng