Tiếng Việt | English

06/06/2023 - 09:46

Cảnh giác lừa đảo tuyển dụng trên mạng xã hội

Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm, trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan thông tin tuyển dụng. Do thiếu thông tin, nôn nóng muốn kiếm tiền, nhiều người bị “sập bẫy” bởi những chiêu lừa đảo tinh vi được biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Thông báo tuyển dụng thật, giả lẫn lộn xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội

Việc ảo, lừa thật

Thời gian gần đây, trên Internet nở rộ tình trạng mời chào với những nội dung: Tuyển cộng tác viên bán hàng ảo để tăng lượng đơn hàng; nhận đánh giá tốt trên các sàn thương mại điện tử cho các shop kinh doanh online; xem video tăng lượt xem (view), lượt theo dõi (follow) để quảng cáo, tăng độ đánh giá (rating) của kênh YouTube; tuyển cộng tác viên viết bài online;...

Đúng là công việc như mơ, với yêu cầu tuyển dụng rất đơn giản, chỉ cần ngồi xem các video, đọc tin tức trên điện thoại thông minh hoặc máy tính cá nhân thì tiền sẽ tự động vào tài khoản. Hoặc chốt đơn hàng ảo với công việc nhẹ như hàng ngày được cấp mã đăng nhập vào các app (ứng dụng), đường link mang tên sàn thương mại điện tử lớn rồi chuyển tiền để chốt đơn, giả vờ mua hàng để tăng lượt tương tác và uy tín cho các gian hàng. Gọi là giả vờ vì bạn không phải mua gì, số tiền ứng trước ấy sẽ được hoàn trả cùng với hoa hồng từ 10-30% giá trị đơn hàng. “Cam kết hoàn trả tiền chỉ sau 3-5 phút, cam kết xong nhiệm vụ nào hoàn tiền nhiệm vụ đó”. Tin vào những lời “đường mật”, những đơn hàng ảo liên tiếp được chốt bằng tiền thật. Các nhiệm vụ đầu tiên vẫn nhận được tiền nên khổ chủ không nghĩ là mình bị lừa, tin tưởng “chơi lớn” với những đơn hàng lớn; đương nhiên, hoa hồng càng nhiều, đến lúc này sự thật mới lộ diện,... Không chỉ bị lừa tiền, nhiều trường hợp giao dịch việc làm bị mất sạch tiền trong các tài khoản, ví điện tử, bị đăng nhập thiết bị máy tính, điện thoại đánh cắp thông tin.

Còn các “việc nhẹ, lương cao” khác như xem video tăng lượt view, lượt follow, tăng độ rating của kênh YouTube; tuyển cộng tác viên viết bài online "Thu nhập cao không giới hạn, việc nhẹ tại nhà, không cần bằng cấp";... những kẻ lừa đảo lợi dụng tâm lý muốn làm việc nhàn hạ nhưng lương cao để tung chiêu dụ dỗ nên các sinh viên, người lao động đang có nhu cầu làm thêm để kiếm tiền không ngần ngại móc hầu bao để “nộp phí đặt cọc, giữ chỗ” để đăng ký làm việc và cuối cùng "sập bẫy". Tuy số tiền “nộp phí đặt cọc, giữ chỗ” không lớn (chỉ vào khoảng 1-1,5 triệu đồng) nhưng với hàng chục ngàn người là nạn nhân thì số tiền mà bọn lừa đảo thu về không nhỏ. Trong khi số tiền lừa đảo không lớn nên khổ chủ cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Chiêu trò tinh vi

Điểm chung của những tin tuyển dụng lừa đảo này là vẽ ra một công việc hoàn hảo “như mơ”, từ giờ giấc tự do, việc nhẹ, lương cao, thưởng cực cao, đơn giản, không cần bằng cấp hay yêu cầu gì,... Tất cả những yếu tố này sẽ khiến người lao động sập bẫy. Bắt đầu vào việc, các đối tượng lừa đảo yêu cầu tạo tài khoản để làm các nhiệm vụ, sau đó chuyển tiền đặt cọc để hoàn thành. Các thông tin lừa đảo mạo danh khác thường mô tả công việc hấp dẫn nhưng không có thật. Tinh vi tới mức chúng còn làm giả các loại giấy tờ, con dấu, chữ ký mang tên tuổi của các công ty (Cty) lớn để dẫn dụ con mồi vào bẫy. Khi đã đạt được mục đích, những tài khoản lừa đảo này nhanh chóng “bốc hơi”, không để lại dấu vết gì.

Sở trường của các quảng cáo tuyển dụng lừa đảo là đưa ra miếng mồi ngon để dẫn dụ như mức lương cao ngất ngưởng, chế độ làm việc lý tưởng, thưởng nóng khi hoàn thành công việc,... trong khi công việc lại cực kỳ nhàn hạ, đúng tiêu chí “việc nhẹ, lương cao”. Do vậy, khi tiếp cận nguồn thông tin này, mọi người hãy đặc biệt cảnh giác. Chưa kể không ít các trường hợp ứng viên được hẹn đến phỏng vấn và bị yêu cầu đóng phí để “đặt cọc” vị trí của mình, sau đó, "nhà tuyển dụng" biến mất. Trong khi trên thực tế, những nhà tuyển dụng chân chính, uy tín không bao giờ yêu cầu ứng viên đóng phí.

Cảnh giác tránh bị sập bẫy

Tin đăng tuyển dụng lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều với hình thức càng tinh vi. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu sau để chúng ta cảnh giác: Nếu đọc nội dung mà vô tình bắt gặp những từ như thông tin, địa điểm làm việc không rõ ràng như “nơi làm việc linh động, trao đổi sau khi phỏng vấn”, “bao ăn, ở tại nơi làm việc” nhưng tuyệt nhiên không đề cập đến địa chỉ; mức lương, phúc lợi “như mơ”.

Hầu hết nhà tuyển dụng uy tín đều có website Cty. Đây không chỉ là cổng thông tin mà còn là bằng chứng xác thực sự hiện diện của Cty về mặt pháp lý. Vì thế, nếu thấy tin đăng tuyển dụng đính kèm 1 đường link lạ không liên quan đến Cty, tuyệt đối không được click vào. Các tin tuyển dụng lừa đảo thường chứa những đường link này vừa có khả năng chứa virút xâm nhập máy tính, mặt khác, những đường link này còn có thể ăn cắp dữ liệu của người dùng nhằm phục vụ những mục đích xấu.

Hãy cảnh giác khi có nhà tuyển dụng hẹn phỏng vấn tại một địa điểm ngoài văn phòng. Phỏng vấn là để quyết định sự phù hợp giữa đôi bên qua việc trao đổi tất cả vấn đề liên quan đến công việc. Do đó, hãy từ chối phỏng vấn nếu bạn đang nhận thấy sự thiếu minh bạch trong lời đề nghị của nhà tuyển dụng. Khả năng cao, bạn đang vướng phải một nhà tuyển dụng lừa đảo.

Để tránh bị sập bẫy tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao”, hãy nên nhớ rằng: Các ông chủ kinh doanh chẳng bao giờ cho không phúc lợi, muốn nhận lương, bạn phải bỏ ra công sức xứng đáng./.

Cựu chiến binh Long An

Chia sẻ bài viết


Cách tìm việc làm chất lượngTrang web tạo cv miễn phí Guide to Indonesia employment law