Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi
Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng gia tăng
Thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Long An, qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh, mặc dù các cấp, các ngành có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, đấu tranh và triển khai các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng ngày càng phổ biến và tinh vi, gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Theo Chánh Văn phòng VKSND tỉnh - Phạm Thị Thanh Nhã, từ tháng 12/2022 đến 3/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra khởi tố 16 vụ, trong đó có 11 vụ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội và 4 vụ tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Đơn cử, ngày 12/5/2023, ông C. đăng ký tham gia nhóm Telegram “Giải trí du lịch” trên mạng xã hội. Để được tham gia nhóm, ông C. phải nộp 200.000 đồng phí đăng ký, 1 triệu đồng kích hoạt thẻ và nộp tiếp 6 triệu đồng để nâng cấp lên thẻ VIP, tham gia bình chọn, thực hiện nhiệm vụ trong nhóm rồi được rút tiền về. Trong quá trình thực hiện, ông C. nhận được thông báo sai thao tác, không rút được tiền, yêu cầu nộp thêm tiền để sửa chữa mới nhận lại được tiền. Thực hiện theo yêu cầu của đối tượng, ông C. nhiều lần chuyển tổng cộng 3,6 tỉ đồng đến tài khoản mà các đối tượng cung cấp.
Mới đây nhất, ngày 04/01/2024, bà N. nhận được điện thoại của một người phụ nữ xưng tên Trâm, nhân viên chăm sóc khách hàng của Công ty Điện lực Long An, gọi thông báo cho bà N. biết Công ty Điện lực Long An sẽ cắt, ngừng cung cấp điện với lý do bà N. có ký hợp đồng với Điện lực Hà Nội làm hao hụt 25.000kW điện, trị giá 70 triệu đồng. Mặc dù bà N. không liên quan đến vụ việc nhưng do bị thao túng tâm lý, bà N. làm theo hướng dẫn khi đối tượng Trâm nối máy cho gặp một người xưng tên là Hải, Công an Hà Nội, yêu cầu bà N. cung cấp thông tin cá nhân. Sau khi khai báo thông tin cá nhân cho Hải, Hải tiếp tục hù dọa bà N. liên quan đến vụ án rửa tiền của đối tượng tên Phúc.
Hiện đối tượng đã bị bắt và khi khám xét, thu giữ nhiều tài khoản ngân hàng, trong đó có tài khoản đứng tên bà N., trong tài khoản có số tiền hơn 20 tỉ đồng. Hải cũng dụ dỗ bà N. nếu muốn chứng minh trong sạch thì phải mở tài khoản tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, nộp vào số tiền tương đương 10% để cơ quan công an kiểm tra, chứng minh. Đối tượng cũng yêu cầu khi nhân viên hỏi mục đích mở tài khoản thì phải trả lời là đóng tiền điện, nước và không được nạp tiền vào tài khoản tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt mà phải đến các ngân hàng khác nạp tiền, cài app ngân hàng vào điện thoại và cung cấp mật khẩu cho đối tượng. Do lo sợ, ngày 05/01/2024, bà N. đến Ngân hàng Bưu điện Liên Việt mở tài khoản và nhiều lần nạp tiền vào tài khoản cũng như cung cấp số tài khoản, mật khẩu cho các đối tượng. Qua đó, các đối tượng chiếm đoạt của bà N. số tiền hơn 1,1 tỉ đồng.
Cảnh giác trước các thủ đoạn trên không gian mạng
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh tiếp nhận nhiều tin báo của người dân bị lừa đảo trên không gian mạng (Ảnh: Thúy Phượng)
Thông tin từ VKSND tỉnh, hiện nay, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng khá tinh vi, trong đó, các đối tượng nhắm vào nhiều người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng. Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ lừa đảo thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau nhằm tạo lòng tin, lấy cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thường tập trung ở 3 nhóm: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và sử dụng các hình thức kết hợp lừa đảo trên không gian mạng. Đối với thủ đoạn giả mạo thương hiệu, đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo thương hiệu của các tổ chức như ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty tài chính, chứng khoán,… để gửi tin nhắn lừa đảo cho nạn nhân hoặc giả mạo các trang web/blog chính thống để tạo uy tín và lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của nạn nhân.
Đối với thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản, các đối tượng lừa đảo sử dụng lỗ hổng bảo mật để chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok. Sau đó, các đối tượng gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè, người thân của nạn nhân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền,...
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn thường xuyên sử dụng số điện thoại trong nước, nước ngoài giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông,... để gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản hoặc sử dụng số điện thoại có đầu số lạ gọi cho nạn nhân, khi bắt máy, nạn nhân sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà không hề hay biết.
Để dẫn dụ nạn nhân, đối tượng lừa đảo sẽ chạy quảng cáo lừa đảo trên Facebook hay gửi tin nhắn quảng cáo, lan truyền tin giả đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sự thương người và lòng tin hoặc để câu view, câu like, sau đó lừa gạt chiếm đoạt tài sản qua hình thức từ thiện, kêu gọi đóng góp; lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng bá bán hàng online;...
Theo bà Phạm Thị Thanh Nhã, qua phân tích các vụ án trong thời gian qua cho thấy, nguyên nhân xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản chủ yếu do trình độ nhận thức của một số người dân khi đăng nhập sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng thông tin đối với việc bảo đảm an toàn cho thiết bị và hệ thống thông tin còn thấp dẫn đến thiếu thông tin, không cảnh giác với các đối tượng phạm tội, thiếu hiểu biết về pháp luật, nhẹ dạ cả tin hoặc sợ hãi, lo lắng khi bị các đối tượng hăm dọa, dụ dỗ, uy hiếp tinh thần nên chuyển tiền cho các đối tượng.
Chỉ đến khi bị mất tài sản, nạn nhân mới biết bị lừa đảo. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, không gian mạng, đất đai, công chứng còn sơ hở, thiếu sót. Hiện nay, các đối tượng phạm tội sử dụng thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.
Trong các vụ việc, có nhiều vụ, bị hại làm đơn tố giác nhưng không có thông tin về đối tượng; việc phối hợp xác minh giữa cơ quan điều tra với các cơ quan chức năng như ngân hàng, hải quan, thuế, nhà quản lý mạng chưa được chặt chẽ và kịp thời; hết thời hạn điều tra, phải tạm đình chỉ vụ án nên giải quyết chưa dứt điểm, chưa bắt tội phạm để xử lý theo quy định của pháp luật và tài sản không thu hồi được. Có vụ việc xảy ra nhưng các bị hại không hợp tác, có trường hợp là vợ, con và người thân của cán bộ, đảng viên nên ngại không dám tố giác với cơ quan chức năng, từ đó công tác đấu tranh tội phạm chưa triệt để.
Từ thực tế đó, bên cạnh các giải pháp của lực lượng chức năng, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng lừa đảo lợi dụng để chiếm đoạt tài sản./.
Kiên Định