Cảnh báo của ngành Thuế
Theo Cục Thuế tỉnh, các thủ đoạn bao gồm giả mạo cán bộ thuế để gọi điện thoại, nhắn tin, kết bạn Zalo, cung cấp đường dẫn (đường link) và hướng dẫn người nộp thuế cài đặt các phần mềm giả mạo ứng dụng của cơ quan thuế, nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng của người nộp thuế với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Các ứng dụng lừa đảo thường yêu cầu cấp quyền như xem màn hình, truy cập dữ liệu, điều khiển màn hình,... Từ đó, sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại, thiết bị thông minh, lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng của người dùng.
Các đối tượng dùng số điện thoại “sim rác”, sử dụng phần mềm giả số điện thoại, gọi điện trên nền tảng Interrnet và xưng là cán bộ của Cục Thuế, Chi cục Thuế để yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin, gửi hình ảnh giấy phép, căn cước công dân để được hướng dẫn làm thủ tục giảm thuế, hoàn thuế, chuẩn hóa mã số thuế, phục vụ công tác kiểm tra thuế cũng như các cuộc gọi hướng dẫn cài đặt ứng dụng (app) để nhận thông tin từ cơ quan thuế. Người gọi điện nói đây là phần mềm do cơ quan thuế triển khai, nếu không đến cơ quan thuế để làm việc thì có thể được hỗ trợ cài đặt theo hướng dẫn (Phần mềm hướng dẫn cài đặt thông qua đường link do đối tượng lừa đảo gửi,…).
Thủ đoạn thứ hai, là kẻ gian giả mạo trang web có giao diện gần giống trang web của cơ quan thuế, doanh nghiệp từ hình ảnh đến nội dung để người dùng nhầm tưởng là trang web của đơn vị cung cấp. Sau đó, các đối tượng sử dụng tin nhắn giả mạo thương hiệu với các nội dung yêu cầu người dùng phải truy cập vào liên kết giả mạo, khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và từ đó thực hiện hành vi đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu người dùng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một số địa chỉ đã từng được các đối tượng sử dụng đều có đường dẫn có định dạng bất thường như vn-cbs.xyz, vn-ms.top,…
Tổng cục Thuế đã cảnh báo khi người dùng vừa truy cập website mà đã yêu cầu cung cấp những thông tin cá nhân như địa chỉ cư trú, số điện thoại, số CMND/CCCD thì lưu ý cảnh giác và không thực hiện theo yêu cầu.
Thủ đoạn thứ ba, là giả mạo SMS Brandname của Tổng cục Thuế để phát tán tin nhắn giả. Các đối tượng gửi tin nhắn SMS Brandname cơ quan thuế để thông báo nộp thuế, quyết định xử phạt,... yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin cá nhân hoặc cài đặt ứng dụng qua đường dẫn không chính thống, không phải do Tổng cục Thuế cung cấp.
Thủ đoạn thứ tư, là giả mạo cơ quan thuế để gọi điện thoại đe dọa, sử dụng chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người nộp thuế. Điển hình, các đối tượng xấu giả mạo cơ quan thuế gọi điện thoại mời chào, dụ dỗ, dọa nạt, lừa đảo ép buộc người nộp thuế mua sách, tài liệu, cẩm nang về thuế với hình thức đặt hàng và thanh toán qua bưu điện,… nếu không mua sẽ bị thanh tra, kiểm tra thuế hoặc gây khó khăn khi làm việc với cơ quan thuế. Hoặc mạo danh cơ quan thuế (trung tâm, nhóm hỗ trợ của cơ quan thuế) gửi mail thông báo đến người nộp thuế cần hoàn thành thủ tục cập nhật CCCD gắn chip cho người đại diện theo pháp luật trên thông tin Đăng ký kinh doanh và có thu phí từ vài trăm đến vài triệu đồng.
Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn giả mạo cơ quan thuế phát hành thông báo về việc ủy quyền nộp thuế cho tổ chức, cá nhân trung gian (trừ hệ thống bưu điện được ủy quyền thu thuế hộ kinh doanh) nhằm chiếm đoạt tiền của người nộp thuế.
Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi nêu trên, để chủ động trong công tác phòng ngừa, phối hợp xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cục Thuế khuyến cáo người nộp thuế cảnh giác với các cuộc gọi, lời mời, yêu cầu thực hiện các vấn đề liên quan lĩnh vực thuế. Chú ý cẩn trọng trước các đường link giả mạo (các trang web ngành Thuế có đuôi: .gdt.gov.vn ).
Người nộp thuế không nên bấm vào đường link lạ từ những tin nhắn không rõ nguồn gốc để tránh trường hợp bị mất thông tin, mất tiền trong tài khoản ngân hàng.
Bên cạnh đó, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn với các nội dung trên, người nộp thuế có thể gọi điện trực tiếp lên cơ quan thuế quản lý để xác thực, tuyệt đối không nên tin và làm theo. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP, tải các ứng dụng lạ và làm theo yêu cầu của các đối tượng.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa, tuyên truyền cho người thân. Người dân cần liên hệ cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết kịp thời các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định.
Theo Cục thuế tỉnh, thời gian tới, ngành Thuế tỉnh Long An sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 04/8/2020 của UBND tỉnh Long An về thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cục Thuế cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả của các loại tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để các cơ quan, tổ chức và người dân biết, cảnh giác, chủ động phòng ngừa.
Đồng thời, khuyến cáo người dân nếu phát hiện trường hợp đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn như trên thì tuyệt đối không làm theo và liên hệ đến cơ quan chức năng gần nhất để được tiếp nhận và có biện pháp ngăn chặn, giải quyết kịp thời./.
Lê Đức